Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ sở giáo dục và đào tạo - Thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Thứ năm - 17/06/2021 05:49 4.174 0
Xây dựng môi trường văn hoá đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho người học. Đồng thời, đây cũng là một trong các thành tố góp phần xây dựng thương hiệu của một cơ sở giáo dục và đào tạo.Văn hóa nhà trường là một tập hợp các giá trị, niềm tin, hiểu biết, chuẩn mực cơ bản được các thành viên trong Nhà trường cùng chia sẻ và tạo nên bản sắc của Nhà trường đó. Căn cứ theo hình thức biểu hiện thì văn hóa nhà trường gồm phần nổi có thể nhìn thấy như: không gian cảnh quan nhà trường, lôgô, khẩu hiệu, hành vi giao tiếp...và phần chìm không quan sát được như: niềm tin, cảm xúc, thái độ...

Nhà trường là một loại hình tổ chức đặc thù mang tính chất hành chính - sư phạm, vì vậy các nghiên cứu về quản lý nhà trường hoàn toàn có thể kế thừa những thành tựu nghiên cứu về quản lý tổ chức (trong đó có văn hoá tổ chức) để có thể điều chỉnh và vận dụng một cách phù hợp. Văn hoá nhà trường chứa đựng các niềm tin, thái độ và các hành vi điển hình cho nhà trường, là sự tích luỹ các giá trị và chuẩn mực của nhiều người. Xây dựng văn hoá nhà trường là xây dựng một hệ giá trị trong nhà trường để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu đạo đức xã hội, giá trị nhân cách hay chúng ta còn gọi là dạy người bên cạnh dạy chữ và dạy nghề. Văn hoá nhà trường được đánh giá qua mối quan hệ ứng xử của các thành viên trong nhà trường và môi trường sư phạm của nhà trường. Mối quan hệ ứng xử thể hiện qua ba mối quan hệ chủ yếu: giữa người dạy với người học, giữa người lãnh đạo với giáo viên và giữa giáo viên - những người đồng nghiệp với nhau. Môi trường sư phạm nhà trường phải là một môi trường sống văn minh, lịch sự. Nó thể hiện ở chỗ: nhà trường phải là môi trường sống trong lành, sạch sẽ và không có tiếng ồn và môi trường mang yếu tố thẩm mĩ không chỉ thể hiện qua cách ăn mặc của thầy cô, của người học mà còn qua hình thức của ngôi trường, các phòng học, logo,…
toan canh1
Toàn cảnh Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
 
 Văn hóa Trường Đảng là những giá trị văn hóa, là truyền thống và bản sắc được lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường dày công vun đắp bằng tất cả trách nhiệm và trí tuệ hơn 70 năm qua. Từ Trường Đảng, những giá trị ấy được lan tỏa, được nhân rộng không chỉ trong phạm vi hệ thống Trường Đảng mà có thể nói, nó ảnh hưởng tới cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính vì vậy, thuật ngữ “văn hóa Trường Đảng”, “bản sắc Trường Đảng” xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn trong các diễn ngôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các giảng viên và học viên Trường Đảng.
Văn hóa Trường Đảng được tạo thành từ nhiều yếu tố, trong đó hệ giá trị đóng vai trò cơ bản, then chốt, được biểu hiện qua những chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp, trong thực thi công việc chuyên môn, trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của viên chức, người lao động, học viên. Bên cạnh đó, những yếu tố ngoại hiện như cảnh quan, không gian, kiến trúc cũng góp phần làm nên đặc trưng của văn hóa Nhà trường.
Những giá trị nổi bật của văn hóa Trường Đảng, có thể thấy đó là yếu tố bền vững, xuyên suốt qua các giai đoạn, thời kỳ được các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên kiên trì theo đuổi và thực hiện, đó là sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin nhằm giải quyết tốt những vấn đề mà thực tiễn cách mạng đang đặt ra. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, qua nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn đã phản ánh tinh thần, truyền thống yêu nước, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên đối với vận mệnh của đất nước. Đó là sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và giữ gìn nền tảng tư tưởng của Đảng - nhân tố quan trọng quyết định đến thắng lợi của Đảng.
Đối với Trường Chính trị Bình Phước, phải thẳng thắn nhìn nhận về những thay đổi hết sức nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Đầu tiên, có thể nói là cơ sở vật chất của nhà trường. Hiện tại cơ sở vật chất của Trường đã cơ bản đầy đủ và khang trang, đạt được tiêu chí xanh, sạch, đẹp và hiện đại với nhiều hội trường, phòng học được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt là có Trung tâm Hội nghị  9 tầng, tổng diện tích sàn là 15.400 m2, cao nhất và có vai trò quan trọng nhất trong số các công trình chào mừng Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với quy mô khép kín hiện đại cả phòng họp, hội trường, phòng ở… trong khuôn viên xanh mát rộng 4 ha của trường đã được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp, ấn tượng, là không gian lý tưởng cho học tâp, nghiên cứu, đồng thời tạo bộ mặt đô thị khang trang cho trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh nhà.Với dãy phòng học 6 phòng đang chuẩn bị bàn giao đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ của tỉnh cũng như cán bộ của các ngành Trung ương đóng chân tại địa phương, là nơi chọn để tổ chức những hoạt động, sự kiện tập trung, quy mô lớn của tỉnh, của các sở, ngành. Tất cả giảng viên của Trường đều trang bị máy tính kết nối mạng, ứng dụng các công nghệ trong vận hành xử lý trong nội bộ và liên kết bên ngoài đã tạo điều kiện cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy, tập huấn, tổ chức hội thảo khoa học được thuận lợi hiệu quả, nhất là trong thời gian cả nước đang chung tay phòng, chống dịch COVID-19, hướng tới “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động học tập và đội ngũ giảng viên. Có thể nói đây là hoạt động chủ đạo của nhà trường. Hiện nay, Trường có 16 giảng viên cơ hữu làm việc tại các khoa; 06 giảng viên kiêm nhiệm (Ban Giám hiệu 03 người, 03 viên chức thuộc phòng) và 12 viên chức làm việc tại các phòng, có 06 giảng viên chính, đa số giảng viên đạt chuẩn về chuyên môn, chính trị.
Trường liên kết với Học viện Chính trị khu vực II đào tạo các lớp Cao cấp lý luận chính trị; Trường đào tạo các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; các lớp bồi dưỡng về chức danh quản lý nhà nước, ngạch quản lý nhà nước… cho học viên đến từ các sở, ban, ngành, huyện, thị, cơ sở và các cơ quan trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Vì nhu cầu đào tạo hàng năm ở tỉnh cao nên nhà trường rất quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viêngiảng dạy, học viên học tập, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tối đa năng lực của người học, tạo sự chủ động, sáng tạo cho học viên trong học tập, nghiên cứu. Trong những năm qua, hoạt động giảng dạy và học tập của Trường đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhiều giảng viên đạt giảng viên xuất sắc toàn quốc.
Đặc biệt để chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, để hoàn thành kế hoạch đào tạo, Trường chính trị tỉnh Bình Phước là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy chính trị, được các cấp, các ngành, học viên tích cực hưởng ứng và đánh giá cao. Qua việc giảng dạy online, giảng viên cũng xây dựng cho mình cách ứng xử, giảng dạy trên không gian mạng, vừa đảm bảo nội dung bài giảng, vừa xây dựng hình ảnh giảng viên trường chính trị mẫu mực: vững chuyên môn, giỏi truyền thụ kiến thức và thân thiện, lịch sự với học viên.
Ngoài hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường còn chú trọng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, là nơi giao lưu văn hóa, thể thao giữa giảng viên, viên chức, người lao động, giữa học viên các lớp với nhau nhân các ngày Lễ lớn, ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam 20/11.Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nếp sống văn hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, viên chức nói chung và giảng viên nói riêng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TCT ngày 23/02/2018 về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức học tập Nghị quyết, các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức cho giảng viên và học viên. Xây dựng quan hệ giữa giảng viên, viên chức và người lao động theo các chuẩn mực nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, văn hóa trong trường học. Học viên trường chính trị mang tính đặc thù hơn ở những cơ sở đào tạo khác đó là về độ tuổi, trình độ, năng lực, chức vụ…nên trong văn hóa ứng xử giữa giảng viên và học viên cũng mang tính đặc thù vừa đảm bảo sự tôn trọng học hỏi lẫn nhau về cả hai phía. Điều này đã tạo ra những nét rất riêng của văn hóa ứng xử trong giảng dạy giao tiếp ở Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.
Để tiếp tục phát huy những kết quả giảng dạy và học tập, nghiên cứu, giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của Trường, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện những giải pháp sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức về văn hóa và môi trường văn hóa cho giảng viên và học viên. Đây là giải pháp đầu tiên nhằm tạo hiểu biết toàn diện và sâu sắc về văn hóa, về môi trường văn hóa và quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa theo đúng chất của trường chính trị đạt chuẩn. Muốn vậy, phải nâng cao ý thức tự giác, xây dựng động cơ đúng đắn và hành động thiết thực phù hợp với mọi người vì con người là chủ thể của văn hóa và môi trường văn hóa; giảng viên, học viên đa số là những cán bộ, đảng viên nên thực hiện nếp sống văn hóa cũng là thực hiện đúng phẩm chất, đạo đức, lối sống của người đảng viên.
Hai là, tăng cường thực hành các ứng xử văn hóa theo đúng chuẩn mực văn hóa đã xây dựng giữa viên chức lãnh đạo, quản lý với viên chức là giảng viên các khoa, phòng; giữa viên chức và người lao động của Trường, đảm bảo hài hòa trong mối quan hệ, thể hiện sự tôn trọng nội quy, quy chế, tôn trọng vị trí, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của từng người, qua đó tạo thành một tập thể thống nhất, đoàn kết, hướng đến lợi ích chung, bảo vệ và giữ vững hình ảnh đặc trưng của Trường chính trị tỉnh.
Ba là, tăng cường xây dựng nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa. Nguồn lực để xây dựng phát triển văn hóa nói chung và môi trường văn hóa nói riêng có 4 yếu tố: Nhân lực (con người), tài lực (tài chính, vốn), vật lực (cơ sở vật chất), tin lực (khoa học công nghệ). Như vậy, tăng cường xây dựng nguồn lực cho sự phát triển văn hóa phải thực hiện đồng thời 4 yếu tố trên.
Bốn là, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường như Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và chi bộ các lớp để thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Để làm tốt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ở Trường Chính trị Bình Phước, một mặt Đảng ủy, Ban giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo phong trào xây dựng gia đình văn hóa và công sở văn hóa, mặt khác tuyên truyền động viên cán bộ, giảng viên và học viên tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động sự tham gia của toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động và học viên các lớp đào tạo cùng thực hiện tốt các nội dung liên quan đến xấy dựng môi trường văn hóa.
Năm là, xây dựng trường học văn hóa ở Trường Chính trị Bình Phước, trước tiên phải dựa vào các quy định pháp luật về văn hóa công sở như Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, sau đó dựa vào đặc thù của Trường Chính trị cùng với hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng các chuẩn mực liên quan đến tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực đạo đức, lối sống, trang phục của giảng viên, viên chức, người lao động, học viên, cách bài trí trong cơ quan Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.
Dựa vào các chuẩn mực đã xây dựng để đề ra các nhiệm vụ phải thực hiện như nâng cao trình độ nhận thức của giảng viên, viên chức, học viên về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; khắc phục tình trạng phai nhạt lý tưởng, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống. Xây dựng văn hóa công sở văn minh, nền nếp làm việc khoa học, có kỷ cương dân chủ, tạo được tình đoàn kết và chống lại bệnh quan liêu, cửa quyền xa rời quần chúng. Môi trường văn hóa công sở tốt đẹp sẽ tạo niềm tin của cán bộ, giảng viên với học viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công sở. 
Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh chính là yêu cầu cấp thiết và lâu dài của nước ta, góp phần vào thắng lợi chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy đã giao, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ của tỉnh nhà./.





Tài liệu tham khảo
1.Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;
2.Nghị quyết TW4, Khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
3. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
4. Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
5. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ;
6. Quyết định 65/QĐ-TCT ngày 23/02/2018 về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bình Phước;
7. Hồ Chí Minh (2000), Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội;
8. PGS.TS Ngô Minh Oanh (UV Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, “Xây dựng văn hóa nhà trường theo chuẩn nghề nghiệp”, https://www.giaoduc.edu.vn/xay-dung-van-hoa-nha-truong-theo-chuan-nghe-nghiep.htm;
9. Th.S Nguyễn Thanh Thuyên - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước - “Trường Chính trị tỉnh Bình Phước quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, hiện đại” - Thông tin Lý luận và Thực tiễn năm 2020.
10. Thạc sỹ Trịnh Ngọc Toàn (Chủ tịch PHG), “Văn hóa nhà trường trong bối cảnh hiện nay”, https://hpg.edu.vn/luong-khanh-thien/tin-tuc/tin-nha-truong/88-van-hoa-nha-truong-trong-boi-canh-hien-nay.html.
11. Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, “Xây dựng văn hóa Trường Đảng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới”,http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/cung-ban-doc/item/3224-xay-dung-van-hoa-truong-dang-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-trong-boi-canh-moi.html;
12. Ngô Thị Thu Hà - Trường Chính trị Lê Duẩn, Xây dựng môi trường văn hóa ở Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị hiện nay,http://truongleduan.quangtri.gov.vn/vi/hoat-dong-khoa-hoc/Nghien-cuu-trao-doi/xay-dung-moi-truong-van-hoa-o-truong-chinh-tri-le-duan-tinh-quang-tri-hien-nay-29.html.
 

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay6,354
  • Tháng hiện tại144,178
  • Tổng lượt truy cập8,916,225
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây