Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm - 26/08/2021 05:12 11.672 0
Trải qua hơn 90 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước chúng ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một trong những thành tựu to lớn là Đảng và nhân dân ta nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng rõ hơn. Dưới góc độ nghiên cứu của bài viết tôi xin đề cập đến các nội dung: Thứ nhất, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Thứ hai, những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
 
       Thứ nhất, Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
       Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội được bắt đầu hình thành từ khi Nguyễn Ái Quốc phát hiện ra đường lối giải phóng dân tộc, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội. Trải qua quá trình vừa đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ngày càng hoàn thiện, sáng tỏ hơn.
       Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thể hiện ở các điểm nổi bật sau:
      Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất về bản chất với lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng được Việt Nam hóa, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam;
       Thứ hai, tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội rất phong phú và đa dạng;
      Thứ ba, chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới đó là chủ nghĩa xã hội thực tế, gần gũi với đời sống, vì con người, do con người và cho con người;
      Thứ tư, chủ nghĩa xã hội theo Người là dựa trên nền tảng lý luận Mác - Lênin, thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc và kết tinh những giá trị nhân văn của văn hóa nhân loại.
      Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về chủ nghĩa xã hội của Người cũng trải qua một quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện. Ngay từ năm 1954, khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi sâu vào nghiên cứu và Người đã lý giải về chủ nghĩa xã hội như sau: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh; làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; là làm cho mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng, tự do; là gắn với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Chủ nghĩa xã hội là một chế độ không có người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con. Chủ nghĩa xã hội là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, địa vị cao nhất là dân;...Chủ nghĩa xã hội trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh là một xã hội do nhân dân làm chủ và là chủ, quyền lực thuộc về nhân dân; một xã hội vì con người, do con người; con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội.
      Chính vì lẽ đó, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.
      Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ nét hơn được thể hiện qua các kỳ Đại hội của Đảng ta. Tại Đại hội VII năm 1991 trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta đã xác định mô hình CNXH mà nhân dân ta xây dựng gồm có 6 đặc trưng cơ bản: Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.
      Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta lại một lần nữa khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã tiến hành tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, và từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữa nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. 
      Với tám đặc trưng này, chứng tỏ CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng sẽ đáp ứng mục tiêu "một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người [1]. Mô hình CNXH này cũng chính "là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm[2]
      Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.[3]
      Thứ hai, Những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
      Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta lựa chọn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
     Trong suốt 35 năm đổi mới nền kinh tế nước ta với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
     Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
      Hiện dân số của Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
      Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020.
      Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hoá cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hoá phát triển phong phú, đa dạng. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.[4] Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
      Trên thực tế, xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Đặc biệt, với những kết quả đạt được của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.  Và cũng là đất nước mà rất nhiều người trên thế giới mong muốn được sinh sống.
      Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện so với những năm trước đổi mới. Điều đó chứng tỏ, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại.
      Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, thứ thách như: xuất phát điểm đi lên từ một nước nông nghiệp, chiến tranh tàn phá nặng nề; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhận thức của một số cán bộ đảng viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta còn mơ hồ…,trước tình hình đó với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân với khát vọng vươn lên một Việt Nam hùng cường, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” mỗi cán bộ đảng viên hiện nay cần phát huy vai trò của bản thân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những kế hoạch và việc làm cụ thể như: luôn tự nâng cao va trau dồi kiến thức cho bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có lập trường tư tưởng vững vàng, kiện định đường lối đổi mới của đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, luôn giúp đỡ đồng nghiệp, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cơ quan, nơi cư trú, có lối sống lành mạnh….
      Với những thành tựu đã đạt được trong chiều dài lịch sử của dân tộc, đó chính là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu, bền bỉ liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng và nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, hợp quy luật khách quan của thời đại. Mục tiêu và sự lựa chọn này của Đảng cũng chính khát vọng của toàn thể nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới hướng đến một xã hội phồn vinh và hạnh phúc.
 

[1],2  Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
 
[3] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
[4] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,021
  • Tổng lượt truy cập9,145,383
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây