Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Phú Riềng (28/10/1929 – 28/10/2021): Bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Bình Phước đầu thế kỷ XX

Thứ sáu - 22/10/2021 05:02 2.120 0
Đêm 28/10/1929, bên bờ con suối nhỏ trong khu rừng sau lưng Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (thuộc địa bàn xã Thuận Lợi, nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú); đồng chí Nguyễn Xuân Cừ tuyên bố thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở đồn điền cao su Đông Nam bộ. Sự kiện này đã đánh dấu một mốc son lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su nói riêng và của nhân dân Bình Phước nói chung. 
 
     Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa ở nước ta; cùng với việc vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân, chúng còn ra sức phát triển các công ty và đồn điền cao su phục vụ cho mục đích kinh tế - chính trị. Trong quá trình phát triển các đồn điền cao su của tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, bọn chủ Tây đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người công nhân cao su Việt Nam. Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống; công nhân cao su hồi đó có câu vè: “Cao su tươi tốt lạ đời/ Mỗi cây bón một xác người công nhân”. 
     Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ công nhân ngành cao su và nhân dân Bình Phước đối với thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Các cuộc đấu tranh chống lại sự đánh đập, bóc lột của bọn chủ đồn điền và thực dân Pháp liên tục nổ ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những cuộc nổi dậy tự phát, chống đối lẻ tẻ, chưa có tổ chức chặt chẽ, chưa có phương pháp đấu tranh phù hợp và thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn. Trong hoàn cảnh đó, sự kiện chi bộ Phú Riềng ra đời vào ngày 28/10/1929 đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su và nhân dân Bình Phước lúc bấy giờ. Tính bước ngoặt của sự kiện thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ đối với phong trào đấu tranh cách mạng nơi đây được lịch sử dân tộc ghi dấu và lưu truyền với những ý nghĩa nổi bật như sau:
     Một là, chi bộ Phú Riềng Đỏ ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân cao su. Kể từ đây phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có một sự biến đổi nhảy vọt về chất. Từ những nhận thức sai lầm về kẻ thù với hình thức đấu tranh tiêu cực như triệt hạ cây  cao su, hay hành hạ bản thân, tự tử để thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian đã chuyển qua bãi công, biểu tình có kết hợp vũ trang, bạo động khi cần thiết. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ, tự phát đòi quyền sống sơ đẳng nhất của những người phu cao su, thì nay phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh cách mạng đa dạng phong phú. Họ đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực về ăn, ở; đòi giảm giờ làm việc, tăng lương, chống cúp phạt, chống đánh đập công nhân, yêu cầu điều động bọn xu cai ác ôn đi nơi khác, cho thành lập nghiệp đoàn, hội ái hữu... 
     Hai là, dấu ấn nổi bật nhất của chi bộ Phú Riềng Đỏ đã lãnh đạo cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng kéo dài từ sáng mồng Một tết năm Canh Ngọ, tức là ngày 30-1-1930 cho đến ngày 6-2-1930 và giành được thắng lợi, buộc bọn chủ đồn điền phải ký vào bản yêu sách chấp nhận những yêu cầu của công nhân cao su. Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang  của Phú Riềng Đỏ lập tức lan tỏa đến những đồn điền cao su lân cận như: Dầu Tiếng, Quản  Lợi, Lộc Ninh... và cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc. Đồng thời, ảnh hưởng của Phú Riềng đỏ còn lan tỏa rộng lớn và động viên mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động cả nước như phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy đề-pô xe lửa Dĩ An, công nhân nhà máy đóng tàu Vinh - Bến Thủy, công nhân nhà máy dệt Nam Định… Mặt khác, với vị trí thuộc tỉnh biên giới, Phú Riềng Đỏ đã gây tiếng vang mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh cách mạng Campuchia và toàn cõi Đông Dương; gây hoang mang, lo sợ cho thực dân Pháp và bọn chủ đồn điền cao su. Sau sự kiện này, thực dân Pháp và bọn chủ đồn điền đã đổi tên đồn điền cao su Phú Riềng thành đồn điền cao su Thuận Lợi. Điều này cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh của Phú Riềng Đỏ đối với công nhân cao su và sự ám ảnh, lo sợ đến tột độ của bọn chủ đồn điền với tiếng vang của phú Riềng Đỏ.
2018 01 17 15h24 PHÚ RIỀNG ĐỎ 02
                                      Cuộc biểu tình ngồi của 5.000 công nhân Phú Riềng. Ảnh: Bảo tàng Bình Phước
    Ba là, sự ra đời của chi bộ Phú Riềng Đỏ đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần đấu tranh của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước trong đó có các cuộc đấu tranh của đồng bào Xtiêng, Mnông. Từ năm 1930 trở đi, cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Lơng phát triển mạnh mẽ ở địa bàn tỉnh Bình Phước và thu hút đông đảo bà con Xtiêng, Mnông tham gia điển hình như sự kiện ngày 26/01/1931 tướng lĩnh cận thần của Nơ Trang Lơng đã lãnh đạo bà con Xtiêng giết chết tên sĩ quan khét tiếng gian ác Gatille. Tiếp theo tiếng vang đó, Điểu Son cùng hai anh em Điểu Môn, Điểu Mốt đã vận động được khoảng 200 dân làng và nghĩa quân các sóc quanh vùng nổi dậy giết tên Mô-ri-e trong một trận phục kích ngày 25/10/1933. Kể từ đó lớp lớp đồng bào dân tộc thiểu số đã đứng lên kế tiếp truyền thống của cha ông, một lòng một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
     Bốn là, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Phú Riềng Đỏ đã đập tan âm mưu chia rẽ khối đoàn kết giữa nhân dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số với đội ngũ công nhân cao su; khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và ý chí đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Thực hiện kế hoạch xây dựng vùng Đông Nam bộ thành những đồn điền cao su rộng lớn; một mặt bọn thực dân Pháp và chủ đồn điền cướp đất của dân làng, mở rộng phá rừng, khai hoang mặt khác chúng ra sức tuyển mộ công nhân từ khắp mọi miền. Chúng thi hành nhiều chính sách cai trị đối với công nhân cao su và nhân dân địa phương như: dụ dỗ, cưỡng ép; khuyến khích, dung túng các tệ nạn xã hội như: nghiện thuốc phiện, rượu; áp dụng chế độ lao động hà khắc và thâm độc nhất là thực hiện chia rẽ đoàn kết trong nội bộ đội ngũ công nhân và nhân dân. Chúng bịa đặt, rêu rao, tạo mâu thuẫn giữa công nhân cao su với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương; giữa các dân tộc với nhau; giữa công nhân cũ với công nhân mới; chúng treo thưởng cho người địa phương để bắt nộp công nhân cao su bỏ trốn… Tháng 10 năm 1929, chi bộ Phú Riềng ra đời đã lãnh đạo công tác tuyên truyền và vận động trong đội ngũ công nhân và nhân dân địa phương nhận thức rõ âm mưu chia rẽ của chúng. Vì vậy, đội ngũ công nhân thấu hiểu và yêu thương nhau hơn; công nhân cao su và nhân dân địa phương chia sẽ và giúp đỡ nhau nhiều hơn; số công nhân được nhân dân che dấu, giúp đỡ bỏ trốn khỏi các đồn điền cao su ngày càng cao hơn trước. Điển hình phong trào Phú Riềng Đỏ ban đầu chỉ có đội ngũ công nhân tham gia sau có thêm đông đảo nhân dân từ làng 1 đến làng 10 tham gia vào cuộc biểu tình.
Cán bộ, giảng viên khoa Xây dựng Đảng - trường Chính trị Bình Phước nghiên cứu thực tế tại địa điểm thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ
                Cán bộ, giảng viên khoa Xây dựng Đảng, trường Chính trị Bình Phước đi nghiên cứu thực tế tại
địa điểm thành lập chi bộ Phú Riềng Đỏ
     Đến nay 92 năm đã đi qua, vết thương chiến tranh đang lành dần, đất nước đang thay da đổi thịt, Phú Riềng Đỏ năm xưa đã trở thành mảnh đất lành với bạt ngàn cao su, cho dòng nhựa trắng để xây dựng và kiến tạo quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp, đáng sống. Tuy nhiên, lịch sử vẫn hành quân, trên chặng đường phát triển của Bình Phước và đất nước ta ngày nay, tinh thần Phú Riềng Đỏ đã đang và sẽ tiếp tục lan tỏa và phát huy trong cán bộ, quân và dân Bình Phước; tiếp sức góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam./.

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay3,705
  • Tháng hiện tại108,679
  • Tổng lượt truy cập9,310,336
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây