TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Chủ nhật - 19/09/2021 22:41 2.961 0
      Con người là loài động vật thông minh nhất trái đất. Chúng ta đặt chân lên Mặt trăng, chúng ta chế tạo robot làm thay công việc của mình, chúng ta tìm ra bản đồ gene và cả cách biến đổi gene để thiết kế nên sự sống. Chúng ta đã phát minh ra vô cùng nhiều thành tựu chinh phục tự nhiên. Nhưng, trong một tương lai rất gần thôi, loài người có thể sẽ phải đối diện với việc thiếu hụt những nguồn tài nguyên cơ bản nhất để duy trì sự sống: không khí sạch, nước sạch,… do tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên và xả thải ra môi trường.
          Cách khả thi là chúng ta cần chỉnh đốn lại cách thức sản xuất của cải vật chất hiện nay để bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên. Vì các khu công nghiệp là nơi sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, xả thải ra môi trường nặng nề nhất. Mỗi quốc gia cần xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhấn mạnh thêm nữa vào khoa học kỹ thuật, nhằm giải quyết các vấn đề cộm cán: làm sạch nguồn nước, tẩy ô nhiễm đất, thanh lọc không khí, xử lý rác thải,... Mô hình của một nền kinh tế như vậy là kinh tế tuần hoàn, xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới.
          Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nền KTTH chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh.[1] 
          Nói cách khác, KTTH được hiểu là mô hình kinh tế trong đó tất cả các khâu trong quá trình sản xuất đều hướng đến ra mục tiêu loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Lợi ích của nền KTTH có thể kể đến như: Giảm dần sự lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt; giảm dần tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự biến động giá và rủi ro đến từ các nhà cung cấp, gia tăng tính đổi mới sáng tạo bằng việc thay thế các sản phẩm. Theo Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn có thể đem lại 4,5 nghìn tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. [2]
          Ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển theo chiều rộng. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  

            Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Cùng với đó, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.[3]

          Tính đến hết năm 2018, cả nước có 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của nước ta, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.  Tuy nhiên, cũng như xu hướng chung của các khu công nghiệp (KCN) trên thế giới, ngoài lợi ích về kinh tế, các KCN ở Việt Nam cũng đang gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường. Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế, trong 250 KCN đã đi vào hoạt động thì có 218 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy  nhiên, nhiều KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tỷ lệ đấu nối của các doanh nghiệp trong KCN còn thấp. Nhiều nơi doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Các hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các KCN chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh. Lượng nước thải còn lại, một phần do các cơ sở đã được miễn trừ đầu nối và tự xử lý, một phần không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Thực trạng trên đã dẫn đến việc một khối lượng lớn nước thải của các KCN khi xả thải ra môi trường đều có các thông số ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam. Các KCN còn lại thì một số đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, một số lại hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hạng mục này.  
         Để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải nắm bắt được những cơ hội và chấp nhận những thách thức cần phải vượt qua. Việt Nam là nước đang phát triển nhưng phần lớn các công nghệ đều lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cho nên khó tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm thấp nhất các rủi ro hoặc thay đổi nguyên liệu như mong muốn. Xây dựng khu công nghiệp sinh thái sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện nền KTTH.
        Cho đến nay, KCN sinh thái là một khái niệm tương đối mới và vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng, chuẩn xác. Tuy nhiên, có thể hiểu KCN sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng mô hình KCN sinh thái nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hơn. Trong KCN sinh thái đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ.
          Ở Việt Nam, từ năm 2014, Dự án "Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp quốc thực hiện từ năm 2014. Dự án thực hiện thí điểm tại 72 doanh nghiệp thuộc các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); khu công nghiệp Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng) và khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ). Năm 2019, kết quả thực hiện dự án, các doanh nghiệp này đã áp dụng các công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm[4].
         Trong xây dựng KCN sinh thái, hệ thống KCN không phải bao gồm các thực thể riêng rẽ mà là một tổng thể các thành phần liên quan, giống như một hệ sinh thái, từng KCN, từng doanh nghiệp thông qua giải quyết tốt vấn đề khan hiếm tài nguyên, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Từ những lợi ích trên, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là cần thiết cho mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, mang đến những lợi ích phát triển bền vững cho đất nước, cho doanh nghiệp và người lao động.
          Do dó, Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về KCN và khu kinh tế đã được ra đời ngày 22/5/2018, trong đó đưa ra các nội dung về KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp đã được thể chế hóa trong giúp việc triển khai được thuận lợi hơn. Theo Nghị định 82, một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...
          Các doanh nghiệp trong KCN sinh thái phải có liên kết cộng sinh. Đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN để tận dụng tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng, tái sử dụng các yếu tố đầu ra, đầu vào như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... Thông qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
          Tuy nhiên, việc chuyển đổi một KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh sẽ gặp không ít thách thức. Ngay cả việc định nghĩa thế nào là chất thải còn chưa nhất quán. Mặt khác, thực tế hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng chưa phù hợp nhu cầu tái sử dụng. Chưa kể một số chất thải nguy hại có thể tái sử dụng nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển đến một nơi phù hợp và phải có giấy phép.
          Trong khi đó, cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn... Việc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ.
          Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN cũng thiếu sự tương thích so với yêu cầu liên kết cộng sinh. Chẳng hạn, khả năng cung ứng của doanh nghiệp này không tương thích với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp kia; hay có sự khác biệt về trình độ công nghệ, quy mô...
          Một số doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cho rằng cần có nhiều thời gian mới có thể đáp ứng những tiêu chí một KCN sinh thái. Đơn cử việc điều chỉnh quy hoạch KCN để có được 25% diện tích cho cây xanh, giao thông phải mất hàng năm, thậm chí cả chục năm. Hay việc vay vốn để chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự cho công nghệ mới cũng không thể trong ngắn hạn.
          Trong phạm vi bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng KCN sinh thái:
          Thứ nhất: Để thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị định 82 thì cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan triển khai có hiệu quả mô hình này.
          Thứ hai, Đối với các địa phương khi thành lập các khu, cụm công nghiệp mới cần phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, đảm bảo các tiêu chí của một KCN sinh thái. Đặc biệt là ở những tỉnh có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp, tăng cường thu hút các doanh nghiệp. Nếu ngay từ ban đầu, khi thành lập các KCN, bên cạnh vì sự phát triển kinh tế địa phương, yếu tố sinh thái cũng được quan tâm hàng đầu thì tương lai về KCN sinh thái ở Việt Nam cũng sẽ gần hơn.
          Thứ ba: Như đã phân tích ở trên, hình thành KCN sinh thái cần nhiều thời gian và chi phí, bởi đây là  một phức hợp những hành động cần phải thực hiện. Do đó, khó khăn hiện nay là làm sao để thuyết phục được các DN trong KCN tham gia và triển khai các biện pháp sản xuất sạch hơn. Do đó, cần có những biện pháp tuyên truyền nhằm chuyển đổi nhận thức của chính doanh nghiệp trong KCN về xây dựng KCN sinh thái. Để làm được điều này, các chuyên gia sẽ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN để họ thấy được lợi ích của việc tham gia xây dựng KCN sinh thái; đặc biệt là cách thức, quy trình làm sao tiếp cận được với các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đây cũng là phương thức giúp các DN Việt Nam tiếp cận được với sân chơi của quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng tầm vị thế của DN trong mạng lưới DN toàn cầu.
          Thứ tư: Đồng thời với những nguyên tắc, yêu cầu cần phải có để hình thành KCN sinh thái, cần có những chính sách mang tính khuyến khích. Những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KCN sinh thái có liên quan đến nhiều bộ, ngành nên rất cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành với nhau. Ví dụ như: nếu KCN nào đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, được Nhà nước công nhận là KCN sinh thái thì sẽ được giảm trừ thuế trong vòng một số năm. (Tùy theo chính sách của Nhà nước, địa phương)
          Thứ năm: Từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Nếu người tiêu dùng không thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường thì không thể thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái, sản xuất sản phẩm xanh.
          KCN sinh thái mới chỉ được xây dựng tại dự án thí điểm tại một số tỉnh, thành phố kể trên ở Việt Nam và đã mang lại kết quả khả quan. Để tiến hành những dự án tiếp theo, sẽ mất nhiều thời gian, bởi cần có những bước thay đổi, từ nhận thức đến hành vi.
          Tỉnh Bình Phước hiện đã xây dựng phát triển 13 khu công nghiệp, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Trong nhiệm kỳ mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Khu công nghiệp sinh thái có thể sẽ là mục tiêu của tỉnh trong tương lai không xa nhằm mang lại sự phát triển bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nói riêng, Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu thì đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.
 
 

[1] Minh Anh, “Kinh tế tuần hoàn, nền tảng phát triển bền vững”, Nhandan.com.vn, 06/7/2020.
[2] Trương Thị Mỹ Nhân, “Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam”, Tapchitaichinh.vn, 30/1/2019.
[3] Kiều Linh, “Kinh tế tuần hoàn: “Cánh cửa thần kỳ” đưa Việt Nam phát triển bền vững”, vneconomy.vn, 13/9/2019.

[4] Đinh Thu Hương, “Khu Công nghiệp sinh thái: hướng tiếp cận bền vững cho phát triển công nghiệp của Việt Nam”, vietnam.un.org, 12/6/2019.

Tác giả bài viết: ThS. Vũ Minh Thanh

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay5,086
  • Tháng hiện tại142,910
  • Tổng lượt truy cập8,914,957
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây