Vai trò của cách mạng công nghiệp 4.0 trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tỉnh Bình Phước hiện nay

Thứ ba - 21/09/2021 10:13 25.581 0
Thời gian gần đây cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội và thách thức mới cho việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam nói chung và phát triển chính quyền điện tử ở các tỉnh, thành nói riêng. Những tác động tích cực từ cuộc cách mạng này đã giúp cho các tỉnh, thành ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật, giải quyết các thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Ảnh minh họa: vov.vn).
Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận Cách mạng Công nghiệp 4.0 (Ảnh minh họa: vov.vn).


     Những tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng
     Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội xong cũng tiềm ẩn không ít thách thức đối với toàn nhân loại, mà đặc trưng là sự hợp nhất về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, với sự hội tụ mang tính đột phá của nhiều công nghệ hiện đại mới, có tác động sâu sắc đến các hệ thống chính trị, kinh tế – xã hội trên toàn cầu, bao gồm 15 lĩnh vực chủ đạo, đó là: (1) Dữ liệu lớn (Big data); (2) Đô thị thông minh; (3) Tiền ảo; (4) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI); (5) Năng lượng tái tạo; (6) Công nghệ màng mỏng (Fintech); (7) Thương mại điện tử; (8) Người máy (Robot); (9) Công nghệ in 3D; (10) Công nghệ nano; (11) Công nghệ sinh học; (12) Internet kết nối vạn vật (Internet of things- IoT); (13) Kết nối thực ảo; (14) Các nền kinh tế chia sẻ; (15) Khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn. 
     Nắm bắt được xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật cụ thể liên quan đến vấn đề này. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận công nghiệp 4.0 để nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần đáp ứng yêu cầu cấp bách, giúp nước ta tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với Việt Nam. Ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Đây được coi là chủ tương đúng đắn thể hiện những “bước đi” thận trọng, chắc chắn, sự quyết tâm của Việt Nam nhằm tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Có thể nhận thấy những lợi ích mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nước ta đó là:
     Một là, nhờ ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin mang lại người dân có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, giám sát và phản biện đối với các cơ quan công quyền, trong đó có Chính phủ. Người dân dễ dàng, thuận tiện tìm kiếm thông tin; mức độ tin cậy, độ phong phú của thông tin gia tăng; tiết kiệm được thời gian và công sức. Đồng thời, Chính phủ tiếp cận được những thông tin phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, từ đó có dự báo, chủ động điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất.
     Hai là, tạo ra cơ hội để nguồn nhân lực của bộ máy nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng có điều kiện giao lưu với thế giới thông qua việc trao đổi chuyên gia, hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tạo động lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia và cán bộ, công chức, viên chức.
     Ba là, ứng dụng Big Data kết hợp với AI đã và đang mang lại nhiều lợi ích giúp Chính phủ dự đoán được tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để có điều chỉnh phù hợp. Trong đó Chính phủ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư cho một số hạng mục có triển vọng phát triển, cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, nâng cao chất lượng các dịch vụ công.
    Với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch về xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử với mục đích triển khai xây dựng chính phủ điện tử. Phấn đấu đến hết năm 2020, Bình Phước xây dựng xong chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Năm 2018 - 2020, giai đoạn tập trung phát triển với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12 / 9 / 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước. Đây là chủ trương quan trọng, cấp bách trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Giai đoạn 2021-2026, Bình Phước xác định 3 trụ cột phát triển đó là xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Tất cả các hoạt động của chính quyền và hồ sơ của công dân, doanh nghiệp phải số hóa, đưa lên môi trường số. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số sẽ chiếm 20% GRDP trên địa bàn. Bình Phước lựa chọn những lĩnh vực người dân và doanh nghiệp đang cần ưu tiên chuyển đổi trước, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Kế hoạch này nhằm tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ hạ tầng thông tin giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh đến cấp xã phường, thị trấn với mục đích phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực. Với những nỗ lực của mình tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả đột phá, được Bộ, ngành và các địa phương đánh giá cao.
     Một số đề xuất giải pháp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và nền kinh tế số 
     Về giải pháp chung:
     Thứ nhất, cần thiết phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về Chính phủ điện tử, trong đó cần nhận thức đúng và cách làm đúng. Trong đó ưu tiên và tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh phát triển, hạn chế nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
     Thứ hai, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo hướng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khách quan, rõ ràng. Đồng thời, thu hút sự tham gia rộng rãi các thành phần xã hội vào cải thiện dịch vụ công của Chính phủ.
     Thứ ba, cần đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực. Xây dựng đội ngũ công chức chất lượng, chuyên nghiệp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Có cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ.
      Thứ tư, Chính phủ cần tập trung đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao về AI, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học với nguồn trí thức. Nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình đào tạo đại học, đặc biệt trong các ngành đào tạo phục vụ CMCN 4.0.
     Thứ năm, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ trước Chính phủ, chính quyền, trước Nhân dân và dân tộc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên cần đổi mới thể chế chính trị, đổi mới thể chế kinh tế, trong đó hoạt động cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần phải được chú trọng hơn. 
Thứ sáu, tăng cường chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả, để tận dụng và tiếp thu những thành tựu mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, từ đó có sự vận dụng chọn lọc, sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn của đất nước ta và yêu cầu của thời đại.
      Để xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới chính quyền số và nền kinh tế số, tỉnh Bình Phước cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản sau:
      Thứ nhất, giải pháp về thể chế - tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng phát triển Chính quyền điện tử
 Tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, chính sách thu hút, khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT - truyền thông đầu tư phát triển công nghiệp CNTT; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Xây dựng các cơ chế cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh.  Xây dựng các quy chế, quy định liên quan đến bảo đảm an toàn an ninh thông tin, quy trình giải quyết, xử lý các thủ tục hành chính liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hệ thống thông tin liên thông các cấp trên địa bàn tỉnh.  Tăng cường công tác đánh giá chỉ số ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT, đưa chỉ số này thành một trong các tiêu chí để xét duyệt thi đua, khen thưởng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về CNTT, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện triển khai CQĐT theo đúng kiến trúc và lộ trình thực hiện.
     Thứ hai, giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức đổi mới tư duy, phương thức điều hành 
Đẩy mạnh các công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chính quyền điện tử. Trong đó, tăng cường các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, các trang mạng xã hội. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về sự cấp thiết của chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số tại địa phương. Đổi mới phương thức điều hành, thực thi công vụ theo các phân tích, dự báo từ cơ sở dữ liệu, từ thông tin tổng hợp tại IOC. Tăng cường phổ cập kiến thức CNTT trong xã hội (đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa), góp phần nâng cao dân trí giúp người dân tiếp cận với các ứng dụng phổ cập và đem lại những lợi ích hữu hiệu cho người dân.
     Thứ ba, giải pháp về kỹ thuật 
 Xây dựng nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu, làm cơ sở cho việc kết nối liên thông; thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông quốc gia để khai thác gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Để đảm bảo lợi ích cho ngươi dân và doanh nghiệp cần bảo mật thông tin, có như vậy mới xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử bền vững. Tái cấu trúc, tối ưu hóa sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, hướng tới sử dụng chung hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, giảm đầu tư chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực. Ưu tiên sử dụng các giải pháp công nghệ, phần mềm, hệ thống được nghiên cứu, làm chủ bởi các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Tận dụng tính năng của các mạng xã hội, di động thông minh truyền tải thông tin cho người dân, doanh nghiệp. 
     Thứ tư, giải pháp hành chính 
 Ban hành các quy định về thực hiện gửi - nhận văn bản trên mạng; quy định về thực hiện văn phòng không giấy; quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố và kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành, tạo môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư và huy động các nguồn lực. Quy định tất cả mọi cơ quan đều phải sử dụng chữ ký số. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử. Cùng với đó là việc phát triển các hệ thống nền tảng dịch vụ công, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… phục vụ  chuyển đổi sô các lĩnh vực. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển Chính quyền số. Đảm bảo an toàn thông tin cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, trong đó duy trì hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng, Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC … 
     Thứ năm, giải pháp về nguồn nhân lực 
 Hình thành đội ngũ CNTT chuyên sâu; bổ sung, kiện toàn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị. Bố trí biên chế để có hệ thống CQĐT đủ mạnh và đội ngũ vận hành CQĐT; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đối với đội ngũ cán bộ CNTT làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức về CNTT. Tăng cường liên kết hợp tác trong đào tạo CNTT, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về CNTT. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chiều sâu, ổn định, lâu dài.
     Thứ sáu, giải pháp về tài chính
 Tăng cường chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ứng dụng và phát triển CNTT tại các cơ quan trong hệ thống chính trị. Quan tâm đầu tư kinh phí cho việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, chuẩn hoá thông tin… Hàng năm tiếp tục bố trí kinh phí từ ngân sách (khoảng 1% trên tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh) để đảm bảo duy trì, phát triển ứng dụng CNTT của tỉnh. Tập trung đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá và tạo nền móng cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và phát triển CNTT. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương. Nâng cấp hạ tầng thiết bị và ứng dụng đồng bộ, hiện đại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền. Kêu gọi thêm các nguồn đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, người dân và nguồn các chương trình mục tiêu của Chính phủ, nguồn ODA. Tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó triển khai hệ thống mạng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G trên toàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách để phổ cập điện thoại thông minh, Internet đến 100% các hộ dân trên địa bàn; nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước./.

Tác giả bài viết: T.S Hoàng Thị Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,124
  • Tổng lượt truy cập9,145,486
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây