Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng– nhìn từ thực tiễn tại tỉnh Bình Phước

Thứ hai - 05/07/2021 23:09 2.372 0
Người đứng đầu là người ở vị trí đầu tiên, thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó.
Quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được quy định tại Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng;  Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 dành hẳn Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73 quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. 
Công tác phòng chống tham nhũng ở Bình Phước trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả nhất định, Tỉnh Bình Phước đã quán triệt và chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng thể hiện: 
Theo Báo cáo số 16/BC-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2020 của UBND tỉnh Tổng kết Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020, cụ thể: Năm 2017, đã xử lý trách nhiệm 01 người đứng đầu cấp ủy để xảy ra sai phạm với hình thức khiển trách. Năm 2018, đã xử lý trách nhiệm của 04 cá nhân và 02 tập thể (Văn phòng huyện ủy Bù Gia Mập Ngân hàng Aribank Chi nhánh Bù Gia Mập) và trong 03 vụ án tham nhũng. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 01 trường hợp cán bộ chiến sỹ có sai phạm về thực hiện quy trình công tác có dấu hiệu tiêu cực, đồng thời, đã xử lý trách nhiệm liên đới của 01 đồng chí lãnh đạo và chỉ huy cấp đội trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ chiến sỹ để xảy ra sai phạm. 
Công tác xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế nhất định. Nguyên nhân của hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan, đó là phòng chống tham nhũng là công việc phức tạp, khó khăn, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức chặt chẽ dưới hình thức các nhóm lợi ích. Mặt khác, từ nguyên nhân chủ quan như một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, vẫn còn tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý, ngại đụng chạm; có lúc có nơi thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng và chưa thực hiện đầy đủ về công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính, mua sắm công, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển… 
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, khắc phục những hạn chế yếu kém về trách nhiệm của người đứng đầu để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này, trong thời gian tới; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Trước hết, cần nêu cao sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng, chống tham nhũng. Bởi vì, văn hóa phương Đông luôn đề cao lý tưởng “vua sáng, tôi hiền”, niềm tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu nên công tác phòng chống tham nhũng không thể tách rời việc đề cao trách nhiệm của người “cầm cân, nảy mực”.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương 4 (khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng; Luật phòng chống tham nhũng năm 2018...; Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết trung ương 3 khóa X và Quyết định số 546-QĐ/TU ngày 22/3/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước.
Thứ ba, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng... tạo ra sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động cũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 
Thứ tư, cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật.
Thứ năm, thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác (Theo Báo cáo số 16/BC-UBND, Năm 2016: đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác với 340 đối tượng, năm 2017 với 270 đối tượng; năm 2018 với 203 đối tượng; năm 2019 với 242 đối tượng) trong đội ngũ công chức, viên chức trong toàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thanh tra, giám sát có hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cuối cùng, đẩy mạnh quản lý, kiểm soát nội bộ đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách… khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị. 
Tóm lại, người đứng đầu có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giai đoạn hiện nay. 

Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị
2. Luật phòng chống tham nhũng năm 2018
3. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. 
4. Báo cáo số 16/BC-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2020 của UBND tỉnh Tổng kết Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020”.

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,254
  • Tổng lượt truy cập9,145,616
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây