Một số nhân tố tác động đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư - 26/05/2021 00:54 54.350 0
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, dân tộc ta bị mất độc lập chủ quyền, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, đọa đày. Các phong trào đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc liên tiếp nổ ra với tinh thần yêu nước, thương dân, anh dũng, bất khuất nhưng đều thất bại, mà nguyên nhân là do chưa có đường lối cứu nước đúng đắn. Trong hoàn cảnh ấy, từ những khó khăn tưởng như không có lối thoát cho dân tộc Việt Nam. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tinh thần yêu nước thương dân, trước sự tác động của những nhân tố trong nước và ngoài nước, Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước.
       
hcm 116201915
Ngày 5/6/1911, tại cảng Sài Gòn, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN
          Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành: 
        Thứ nhất, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
       Cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và tiến hành xâm lược các nước nhỏ, yếu để làm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tư bản; để vơ vét tài nguyên, bóc lột lao động, nô dịch dân tộc. Tuy nhỏ bé, lạc hậu, nhưng các nước này không cam chịu làm nô lệ cho thực dân, đế quốc mà quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, từ đó phong trào giải phóng dân tộc phát triển. Sự kiện này tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức của người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành, trong việc so sánh đối chiếu với dân tộc Việt Nam, dân tộc ta quyết không làm nô lệ cho thực dân Pháp, mà phải đấu tranh giành lại nền độc lập cho dân tộc, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
        Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin và sự ra đời Đảng Cộng sản trên thế giới.
       Trên thế giới chủ nghĩa Mác – Lênin phát triển và được hiện thực hóa bằng phong trào vô sản với sự ra đời của các Đảng Cộng sản trên thế giới như: BaLan, Tiệp Khắc, Liên Xô, v.v. các Đảng Cộng sản có khả năng tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo, giai cấp công nhân và dân tộc làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. 
        Thứ ba, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á.
        Phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước thuộc khu vực châu Á nổ ra như: Indonesia, Trung Quốc nổ ra nhưng  đều thất bại, mà nguyên nhân là thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết, đoàn kết rời rạc, nên Hồ Chí Minh không sang Trung Quốc hay Nhật tìm đường cứu nước, mà sang Pháp để tìm đường cứu nước.
         Thứ tư, tình hình trong nước
        Từ những tháng đầu năm 1858 trở về trước, Việt Nam là một nước phong kiến độc lập có chủ quyền; đến ngày 1/9/1858, Pháp xâm lược Việt Nam, sau hiệp định Patơnốt(1884), Việt Nam trở thành nước thuộc địa của thực dân Pháp, lúc này Việt Nam mất chủ quyền. Thực dân Pháp câu kết với chế độ phong kiến cùng áp bức, bóc lột các tầng lớp nhân dân lao động, xã hội Việt Nam lúc này xuất hiện nhiều mâu thuẫn,  xã hội đen tối, ngột ngạt; một câu hỏi lớn đặt ra cho các thế hệ người Việt Nam là bằng con đường nào để giành lại nền độc lập cho dân tộc?. Trong  xã hội Việt Nam lúc này có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa cả dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và giữa giai cấp nông dân với địa chủ, phong kiến. Dưới ách cai trị của thực dân phong kiến, nhân dân ta không cam chịu làm nô lệ, đã liên tục đấu tranh giành độc lập dân tộc, theo các khuynh hướng của nông dân, trí thức, tư sản; các phong trào yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục duy trì ngọn lửa cứu nước trong lòng dân tộc, nhưng tất cả đều thất bại, do thiếu tổ chức, thiếu đường lối, chưa có Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Nên sau này Hồ Chí Minh không đi theo con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ vì đó là con đường cứu nước không thành, cho dù Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ các sĩ phu yêu nước với tinh thần hy sinh xả thân vì nước. 
         Thứ năm, quê hương và gia đình
        Nguyễn Tất Thành sinh ra tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi quê hương giàu truyền thống yêu nước, thương dân, hiếu học. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một vị quan giáo dục có tinh thần yêu nước, thương dân; là Người cha thân ra Nguyễn Tất Thành, đã dạy dỗ Nguyễn Tất Thành chu đáo về các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như: yêu nước, thương dân, đoàn kết, cộng đồng, dân chủ, trung, hiếu,v.v. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng định hướng cho Nguyễn Tất Thành muốn thắng giặc Pháp thì phải hiểu văn hóa Pháp, muốn hiểu văn hóa Pháp thì phải học ngôn ngữ của Pháp. Trong gia đình, anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm và chị ruột Nguyễn Thị Thanh đã tích cực tham gia chống giặc Pháp xâm lược bị bắt giam, bị đánh đập dã man. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên phải chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân ta khi nước mất, nhà tan. Xuất phát từ thương dân rồi trăn trở vì dân và quyết tâm ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Chủ nghĩa yêu nước nhân văn Việt Nam là cội nguồn động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Người viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(1). Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ Bến Nhà Rồng, Người xuất dương sang Pháp trên con tàu buôn Latouche -Tréville để tìm "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi", sau hơn một tháng trên biển đến ngày 6 tháng 7 năm 1911, tàu Latouche-Tréville cập cảng Marseille Pháp. Từ nǎm 1911 đến 1920, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á, để nghiên cứu, tìm đường cứu nước. Tháng 7 nǎm 1920 trên báo Nhân đạo (L'Humanité - Pháp), Nguyễn Tất Thành đọc Sơ thảo “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin.
         Thứ sáu, trí tuệ và quyết tâm của Nguyễn Tất Thành.
        Có thể nói, Nguyễn Tất Thành là một thanh niên Việt Nam yêu nước, thương dân có lý tưởng, có khát vọng, có hoài bão, có quyết tâm; hy sinh trọn vẹn đời mình cho dân tộc Việt Nam, Người nói: “ Lòng thương yêu nhân dân và nhân loại của tôi không bao giờ thay đổi”(2). Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, một mình Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và đã thành công, tạo ra bước ngoặt chuyển hướng cho cách mạng Việt Nam, thay đổi hướng phát triển cho cả dân tộc. Việc lựa chọn, đi theo con đường cách mạng vô sản đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và đem lại nhiều thành tựu vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đời - sự nghiệp, tài năng - trí tuệ, đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ, là tấm gương soi, lời dạy cho các nhà lãnh đạo, quản lý hôm nay, trăn trở, suy tư, xác định trách nhiệm, rèn đức, luyện tài vì sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Nhân dân ta luôn tự hào về Hồ Chí Minh, bởi vì Bác Hồ là ánh sáng, là niềm tin cho muôn dân, là tấm gương soi chung cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hiện nay.
         Giá trị vận dụng hiện nay:
         Khảo sát các cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Hồ Chí Minh kết luận: Chỉ có cách mạng tháng Mười Nga là thành công đến nơi, “Muốn cứư nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3).  Đồng thời, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(4). Cách mạng giải phóng dân tộc phải hư-ớng tới sự giải phóng hoàn toàn con người theo quy luật tiến hóa của lịch sử. Như vậy, đi ra nước ngoài để “xem xét họ làm thế nào” nhằm “trở về giúp đồng bào chúng ta”, thực chất là quá trình hội nhập thế giới để nghiên cứu, lựa chọn, vận dụng sáng tạo các giá trị nhân loại vào Việt Nam để giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Ngày nay, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước có giá trị thực tiễn đối với sự phát triển đất nước ta. Hội nhập quốc tế để học hỏi, vận dụng các giá trị, thành quả mà nhân loại đạt được để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại; thực hiện thắng lợi CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam; nâng cao năng lực sản xuất có tính tự chủ và khả năng chống chịu hiệu quả các cú sốc từ bên ngoài. Huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.
Tài liệu tham khảo: 
(1). Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.126 
(2). Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và nội dung cơ bản, Viện Hồ Chí Minh,1993, tr.47.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN. 2000, t.9, tr. 314.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN. 2000, t. 12, tr. 305

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải - Phạm Minh Triều

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay10,028
  • Tháng hiện tại221,629
  • Tổng lượt truy cập7,599,378
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây