Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp. Có nhiều yếu tố tác động làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức, lối sống xuống cấp. Vì vậy hơn bao giờ hết cần phải tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong dân gian có câu: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nhận định này của ông cha ta dựa trên việc nhận thấy trong cùng một gia đình con cái cùng cha mẹ sinh ra nhưng mỗi người lại một tính cách, nhân cách khác nhau, có người có đức tính hiền lành, lương thiện, có người lại hay làm những điều trái với lương tâm, đạo lý, pháp luật…. Có những người con sinh đôi, cùng được nuôi dạy như nhau, thế mà mỗi người mỗi cá tính khác nhau, không ai giống ai, có giống chỉ là hạn hữu.
Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhận thức sự việc bên ngoài theo lối tư duy đơn giản, chất phác. Nếu như hiểu theo nghĩa cha mẹ chỉ sinh con ra còn nhân cách, đạo đức là do trời sắp xếp thì không đúng. Nhân cách, tính cách của một con người được hình thành dựa trên nền tảng giáo dục. Cấu thành giáo dục gồm 4 yếu tố: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội và tự giáo dục. Trong các yếu tố đó, giáo dục gia đình đóng vai trò đặt nền móng cơ bản. Môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc – gia đình – sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra như một trang giấy trắng, bản thân trẻ chưa hình thành một tính cách rõ rệt. Những nét vẽ đầu tiên lên trang giấy đó có thể sẽ quyết định cả cuộc đời. Nếu con người được hấp thụ một nền giáo dục gia đình tốt thì họ có cơ hội trở thành một người hữu ích cao hơn những người khác.
Đối với dân tộc Việt Nam, gia đình giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng xã hội; là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp dân tộc.
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định việc hình thành nhân cách của trẻ. Xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, song giáo dục gia đình vẫn luôn ảnh hưởng lâu dài và toàn diện đối với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục nhà trường, xã hội là những môi trường giáo dục rất quan trọng, nhưng vai trò của nó chỉ có thể được phát huy một cách có hiệu quả, khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở.
Trong thời đại hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, với nhiều vấn đề mới nảy sinh, trong đó vấn đề gia đình đã trở thành một trong những vấn đề chiến lược của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung ở nước ta hiện nay, mọi mặt của lĩnh vực đời sống xã hội đã và đang thay đổi, trong đó có đời sống gia đình. Những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình, của dân tộc vẫn tiếp tục được phát huy, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước khởi sắc, đời sống của phần lớn các gia đình được nâng lên, việc giáo dục thế hệ trẻ có điều kiện thuận lợi, có cơ hội vươn lên tự khẳng định mình trong sự phát triển lành mạnh của gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường cùng với những mặt trái của nó đang tác động tiêu cực tới sự phát triển của văn hoá và con người. Bên cạnh những mặt tích cực, giáo dục gia đình cũng có những diễn biến tiêu cực, do chịu tác động của môi trường xã hội, của các loại văn hóa phẩm độc hại, ngoại lai không phù hợp, của lối sống thực dụng ... trong khi đó, giáo dục gia đình đối với thế hệ trẻ chưa được thật sự được quan tâm đúng mức. Vì vậy, nếu không đặt vấn đề giáo dục truyền thống, giáo dục lối sống trong gia đình một cách đúng mực, đúng với tầm quan trọng của nó đối với tồn tại xã hội thì sự suy thoái đạo đức của con người sẽ tiếp tục gia tăng. Như thế việc phát huy vai trò giáo dục của gia đình đối với thế hệ trẻ là việc làm không thể thiếu trong chiến lược xây dựng gia đình hiện nay.
Có thể khẳng định rằng, mặc dù không thể thay thế giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, nhưng giáo dục gia đình có nhiều nội dung không thể thay thế, đồng thời nó giữ ví trí, vai trò rất quan trọng để xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, trong Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 khẳng định: "Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Để thực hiện việc đó, chúng ta cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau đây:
1. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững là cơ sở cho việc nâng cao vai trò của giáo dục gia đình.
Gia đình ấm no là cơ sở để xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng gia đình bình đẳng, trong đó mọi thành viên gia đình có khả năng và tuỳ theo khả năng cùng chia sẻ, bàn bạc quyết định và tham gia vào mọi công việc. Mọi thành viên gia đình đều có cơ hội như nhau để hưởng các quyền lợi trong học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ, hưởng thụ văn hoá, tham gia các công tác xã hội và sinh hoạt cộng đồng.
Gìn giữ truyền thống tốt đẹp kính trên, nhường dưới, tôn trọng, quan tâm lẫn nhau được phát huy; không có biểu hiện phân biệt con trai, con gái; thực hiện bình đẳng giới và không có bạo lực gia đình. Đồng thời thực hiện dân chủ trong gia đình.
Sự tiến bộ của gia đình, trước hết có sự giác ngộ của gia đình hướng tới xây dựng gia đình văn hóa, mà tiêu chí trước tiên là gia đình no ấm, bình đẳng, sau nữa là tiến bộ, bền vững và hạnh phúc. Gia đình và xã hội tạo điều kiện để từng cá nhân phát triển tự do, hài hòa và tiến bộ. Sự tiến bộ của mỗi thành viên trong gia đình là tiền đề cho sự tiến bộ của gia đình và tiến bộ xã hội. Xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững.
Xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững: Gia đình hạnh phúc, trước hết đòi hỏi mọi thành viên phải được đảm bảo các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, được hưởng bầu không khí cởi mở, đầy tình thương yêu, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.
Hòa thuận là chuẩn mực của một gia đình tốt, là kết quả của sự bình đẳng, là tiền đề để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, các thành viên được đáp ứng những nhu cầu cần thiết về vật chất và tinh thần, họ thật sự đồng cảm, nhất trí, tin yêu và tôn trọng nhau, bình đẳng, tiến bộ, thống nhất quan niệm về cuộc sống gia đình, tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình, với những người thân và với xã hội, phấn đấu vì một gia đình văn hóa thì việc giáo dục thế hệ trẻ có văn hóa sẽ có cơ sở hiện thực.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt coi trọng ưu thế của giáo dục gia đình.
Những mặt mạnh của giáo dục gia đình sẽ bổ sung cho những thiếu hụt của giáo dục nhà trường, của đoàn đội. Đồng thời, giáo dục gia đình cần được bổ sung những mặt mạnh của giáo dục nhà trường và các tổ chức xã hội.
Do đó, để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và các đoàn thể xã hội, ngoài kế hoạch chung của nhà trường, các bậc cha mẹ cần chủ động liên hệ với nhà trường, không chỉ thông qua sổ liên lạc mà cần trực tiếp gặp gỡ trao đổi với giáo viên để nắm tình hình về học tập, rèn luyện của con cái cả về những ưu điểm, sự tiến bộ và những hạn chế cần khắc phục của chúng.
3. Nâng cao năng lực giáo dục cho các bậc cha mẹ.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến giáo dục gia đình, là do năng lực của một bộ phận cha mẹ không đáp ứng được việc truyền thụ và giáo dục con cái; ý thức trách nhiệm cũng như nội dung, phương pháp giáo dục còn nhiều hạn chế và bất cập. Một số cha mẹ chưa phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để con cái noi theo. Trước đây, để giáo dục con cái, cha mẹ chỉ cần có một số kinh nghiệm rút ra từ bản thân hoặc thêm nữa là kinh nghiệm của anh em, bà con dòng tộc là đủ. Thậm chí cha mẹ có thể dạy con bằng biện pháp áp đặt. Ngày nay, muốn giáo dục tốt con cái, trước hết cha mẹ phải thường xuyên học tập, trong đó học tập cả nghệ thuật giáo dục. Sự tu dưỡng, gương mẫu của cha mẹ sẽ tạo nên uy tín đối với con cái. Sự hiểu biết sâu rộng kiến thức về xã hội, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm của cha mẹ có tác dụng củng cố cho uy tín của cha mẹ.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với sự nghiệp giáo dục nhằm tạo ra một lớp người vừa cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, vừa đạt đến tầm cao về trí tuệ, …. Yêu cầu đó đặt ra cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có việc giáo dục gia đình của đất nước ta phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chúng ta cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, khách quan hơn, đúng đắn hơn về vai trò của giáo dục gia đình trong sự nghiệp giáo dục để từ đó có chiến lược và kế hoạch đầu tư thỏa đáng cho giáo dục gia đình.
Tóm lại, gia đình và vai trò giáo dục của gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là một xã hội thu nhỏ, là một thiết chế xã hội đặc thù, gia đình vừa là sản phẩm chịu sự tác động mạnh mẽ, liên tục của các chuyển biến xã hội, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ở bất cứ xã hội nào, gia đình luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng, nhất là trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung. Để thế hệ trẻ hôm nay thực sự là những chủ nhân tương lai của đất nước, trách nhiệm đầu tiên là của mọi gia đình, gia đình phải thực sự là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con trẻ, là thành trì an toàn, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và trẻ em./.
Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 629QĐ/TTg, Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 29/5/2012.