Hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần tổng kết thực tiễn trong đào tạo lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Thứ sáu - 18/06/2021 03:28 3.650 0
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý Nhà nước; đồng thời, phối hợp đào tạo Cao cấp lý luận chính trị - hành chính theo yêu cầu đào tạo cán bộ của địa phương; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
       Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Ban giám hiệu Trường luôn xác định nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là mục tiêu hàng đầu, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức về lý luận chính trị - hành chính và chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tổ chức thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Trung ương và địa phương. Trường có đội ngũ giảng viên được đào tạo cơ bản, có năng lực, tâm huyết với nghề, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn có ý thức vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
       Để nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, song song với việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình độ lý luận chính trị, Nhà trường đã chú trọng đến công tác tổ chức đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên Nhà trường và học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Bởi lẽ, giảng dạy lý luận mà không gắn kết với thực tiễn sẽ tạo ra sự nhàm chán đối với người học. Thực tiễn ở cơ sở sẽ cung cấp cho giảng viên những tư liệu sống động, những kỹ năng xử lý tình huống, từ đó giúp cho giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình. Qua đó tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo cho không khí buổi lên lớp sinh động và hấp dẫn hơn. Đối với học viên, trong khóa học trung cấp lý luận chính trị, vấn đề đi nghiên cứu thực tế ở cở sở là nội dung bắt buộc trong chương trình, gắn lý luận với thực tiễn, giúp cho học viên củng cố những kiến thức đã được học trong chương trình, đảm bảo tính lý luận và thực tiễn, tạo điều kiện cho học viên nắm bắt tình hình, giải quyết một số vấn đề đặt ra ở cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác sau khi kết thúc khóa học.
Các nội dung thường được nghiên cứu khi đi thực tế như: Công tác xóa đói giảm nghèo; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Vấn đề dân tộc - tôn giáo; Lịch sử đảng bộ địa phương và vấn đề phát huy giá trị lịch sử đảng bộ; Công tác phát triển Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của đảng; Công tác văn phòng cấp ủy; Công tác dân vận; Công tác quản lý cán bộ; Công tác cải cách hành chính; Thực trạng công tác quản lý về các lĩnh vực như địa chính, giáo dục, y tế, tư pháp; Công tác kiểm tra, xử phạt và cưỡng chế hành chính; Hoạt động lãnh đạo quản lý…
       Trong những năm qua, thực hiện Quy chế giảng viên; Quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhất là các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu Trường đã tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí, tổ chức cho giảng viên các khoa, phòng đi nghiên cứu thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm để làm giàu thêm kiến thức thực tiễn. Ngoài ra, một số giảng viên đã linh hoạt, kết hợp đi nghiên cứu thực tế thông qua nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học; thông qua nghiên cứu thực tế cùng với các lớp Trung cấp; tiếp xúc trao đổi với học viên ở các lớp mở tại Trường và mở tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố… Chính vì thế, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của đội ngũ giảng viên trong Trường đã trở thành nề nếp, thường xuyên, đem lại kết quả tương đối tốt và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. 
        Đối với việc đi nghiên cứu thực tế của học viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đã ban hành Quyết định số 332-QĐ/TCT ngày 26/10/2020 trong đó có quy định về việc đi nghiên cứu thực tế cuối khóa các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể tại Điều 5 quy định khi đi nghiên cứu thực tế, học viên nghe báo cáo, tiếp xúc trực tiếp với các hoạt động của cơ sở, đối thoại với lãnh đạo, gặp những người trực tiếp làm việc ở cơ sở, gặp người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, giải quyết những vấn đề vướng mắc mà người dân đang gặp phải; nghiên cứu sâu các mô hình và các hoạt động khác.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu thực tế còn một số hạn chế cần khắc phục như sau:

       Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế ở một số giảng viên, học viên còn hạn chế. Trong những năm trở lại đây công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên thường được lồng ghép với các hoạt động nghiên cứu đề tài của khoa, phòng; ít có trường hợp giảng viên tự xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế với tư cách cá nhân để trình Ban Giám hiệu phê duyệt. Kế hoạch đi thực tế thường được xây dựng và thực hiện trên cơ sở của tập thể các khoa. Đối với học viên thường đi theo lớp, ít có sự chủ động nghiên cứu về một vấn đề lý luận đã học gắn với thực tiễn hoặc ít có sự liên hệ với thực tiễn.
       Thứ hai, theo Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh quy định thời gian đi thực tế của giảng viên trong năm là 10 ngày đối với giảng viên chính và 15 ngày đối với giảng viên, tuy nhiên một số giảng viên ngại đi xa, đi dài ngày, nhất là đối với giảng viên trẻ là nữ, đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ rất khó khăn trong việc sắp xếp công việc gia đình, nên không sử dụng hết quỹ thời gian cho công tác nghiên cứu thực tế.
      Thứ ba, do mỗi giảng viên phụ trách giảng dạy những bài khác nhau ở những môn khác nhau, nên nhu cầu tìm hiểu các vấn đề thực tế ở cơ sở cũng khác nhau, vì vậy khi trao đổi thông tin với cơ sở, cùng một thời điểm nhiều vấn đề khác nhau đặt ra sẽ không có điều kiện tìm hiểu sâu.
Để khắc phục những hạn chế  và nâng cao chất lượng trong hoạt động nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, chúng tôi thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
      Một là, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên, học viên về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế, nhận thấy được hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu thực tế là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm mục đích nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Từ đó, mỗi giảng viên sẽ tự giác, tích cực tham gia tốt hoạt động nghiên cứu thực tế, xem đây là một trong những công việc quan trọng trong công tác chuyên môn, phải được các giảng viên dành quỹ thời gian hợp lý, thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, liên tục, có kế hoạch, nội dung cụ thể chứ không thể làm qua loa, chiếu lệ cho xong khi đi nghiên cứu thực tế. Đối với học viên, cần phải nâng cao nhận thức lý luận phải luôn gắn với thực tiễn, học lý luận để vận dụng vào thực tiễn công tác. Do vậy, vai trò của các giảng viên chủ nhiệm phải được nâng cao hơn nữa trong việc quán triệt, hướng dẫn trước cho học viên ngay từ đầu khóa học học để học viên có tư tưởng chủ động, tự lựa chọn vấn đề nghiên cứu khi đi vào học tập các chuyên đề để không bị bỡ ngỡ khi viết thu hoạch, qua đó thu gặt được những nội dung nghiên cứu thực tế chất lượng, tránh sao chép giữa học viên lớp này với lớp kia.
        Hai là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động nghiên cứu thực tế, đảm bảo gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học với giảng dạy, chẳng hạn như: ngoài hình thức tổ chức đi thực tế theo đoàn, theo tập thể khoa được triển khai trong những năm vừa qua, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu khoa học tham mưu để ban hành các quy định, quyết định về kế hoạch đi thực tế hàng năm của cá nhân mỗi giảng viên. Kết quả của những đợt nghiên cứu thực tế cần được tổng hợp lại thành chủ đề để nghiên cứu sâu, phát triển thành đề tài khoa học cấp tỉnh, hướng tới tư vấn chính sách có chất lượng cao cho lãnh đạo tỉnh.
        Ba là, Cần phải đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu thực tế. Ngoài việc tập thể các khoa, phòng đi đến địa phương để nghiên cứu trực tiếp thì Ban Giám hiệu Trường có thể đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên được tham gia các hội nghị, hội thảo của các cơ quan ban ngành trong địa bàn tỉnh để có thêm thông tin trong lĩnh vực này. Đồng thời cần có sự chuyển hướng địa điểm nghiên cứu thực tế sang các sở, ban ngành, vì trong những năm trở lại đây đối tượng học viên của chúng ta không chỉ tập trung ở cán bộ ở cơ sở mà còn được mở rộng sang các cơ quan ban ngành. Hiện nay số lượng học viên công tác tại các sở ngành chiếm tỷ lệ tương đối lớn, mà thực tiễn ở đây thì giảng viên cũng còn rất nhiều hạn chế.
 Như vậy, hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng mang tính khách quan, cấp thiết đối với giảng viên của các Trường chính trị, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Bình Phước. Nếu làm tốt công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên sẽ nhanh chóng xây dựng được đội ngũ giảng viên vững vàng về lý luận, phong phú về kiến thức thực tiễn, thông thạo về kỹ năng, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời đảm bảo cho các học viên khi tốt nghiêp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được trang bị những kiến thức cần thiết lý luận gắn với thực tiễn, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2252/QĐ-HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành quy chế đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Quyết định số 332-QĐ/TCT ngày 26/10/2020 của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước về việc ban hành Quy định hoạt động nghiên cứu thực tế các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

 

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,057
  • Tổng lượt truy cập9,147,419
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây