Trường Chính trị tỉnh Bình Phướchttps://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Thứ năm - 15/07/2021 00:252.6510
Luật Thanh niên năm 2020 được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 9, với 7 Chương, 41 Điều, (tăng 01 chương và 05 điều so với Luật Thanh niên năm 2005) có nhiều điểm mới cơ bản, trong đó có nội dung luật hóa trách nhiệm của thanh niên Việt Nam.
Luật Thanh niên năm 2020 dành 01 Chương (Chương II) quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và bản thân thanh niên. Quy định này đã nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên, làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
1. Trách nhiệm của thanh niên Việt Nam theo Luật Thanh niên 2020 Một là, trách nhiệm đối với Tổ quốc: thanh niên có trách nhiệm phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu; đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hai là, trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội: thanh niên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội; tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Ba là, trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình: có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình; tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Bốn là, trách nhiệm đối với bản thân: thanh niên có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội; tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn; chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.
Thanh niên có trách nhiệm rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 2. Những giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường giáo dục trách nhiệm cho thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay Thứ nhất, coi trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng thông qua tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn đời sống thanh niên. Đổi mới cách thức tuyên truyền, học tập theo xu hướng gần gũi, sáng tạo, phù hợp với giới trẻ như: thi trực tuyến, xây dựng phim ngắn, bản đồ tư duy tuyên truyền, áp phích có những hình ảnh hài hước, vui nhộn…
Đẩy mạnh việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên, thanh niên gắn với các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước bằng nhiều hình thức phong phú như: diễn đàn, tọa đàm, liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, xem phim lịch sử, triển lãm; đặc biệt tăng cường tổ chức các buổi giao lưu giữa thế hệ lão thành cách mạng với thanh niên… để bồi đắp lòng biết ơn, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ. Thứ hai, chú trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; xây dựng lực lượng thanh niên vừa là đối tượng được giáo dục, vận động để phòng chống “diễn biến hòa bình” trong thanh niên vừa là chủ thể có trách nhiệm tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Muốn thực hiện tốt giải pháp này, một mặt các cấp ủy đảng và chính quyền cần thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và định hướng dư luận trong thanh niên thông qua mạng lưới thăm dò dư luận, đối thoại trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; đồng thời chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa, tự sàng lọc, tự đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá. Mặt khác, phải tiến hành xây dựng cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời để mỗi đoàn viên, thanh niên đều là người có thể truyền tải thông điệp giáo dục thanh thiếu nhi; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thứ ba, loại bỏ tư duy lạc hậu về chủ nghĩa kinh nghiệm trong các ngành các cấp, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội; đặt niềm tin và đồng hành cùng thanh niên trong hành trình rèn luyện và trưởng thành; coi trọng và lắng nghe thanh niên tạo cơ chế và môi trường để phát huy tính tiên phong, bản lĩnh, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo của thanh niên trong thực hiện trách nhiệm của mình. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp cần tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, Đoàn trực tiếp rèn luyện đảng viên trẻ, cung cấp cán bộ trẻ cho Đảng. Thứ tư, việc tăng cường giáo dục trách nhiệm cho thanh niên Việt Nam hiện nay cần coi trọng và đẩy mạnh công tác giáo dục bằng hành động, qua thực tiễn phong trào cách mạng của thanh niên để góp phần hình thành lối sống trách nhiệm, lối sống đẹp cho thanh niên theo phương châm “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta; mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Để thực hiện tốt giải pháp này, trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn phát huy thanh niên xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và tập trung triển khai 3 phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” trong từng nhóm đối tượng, tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù. Toàn Đoàn triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”. Qua các phong trào góp phần phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên, tạo môi trường thực tiễn rộng lớn, phong phú để thanh niên phát huy vị trí, vai trò, năng lực, sở trường đồng thời giáo dục, rèn luyện, phát triển toàn diện, nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Thứ năm, chú trọng tuyên truyền yếu tố tích cực, người tốt, việc tốt, hành động đẹp trên các công cụ, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn trong giáo dục thanh thiếu nhi để góp phần kết nối, giáo dục và định hướng các giá trị sống tích cực cho thanh thiếu niên. Các nội dung được xây dựng và truyền tải theo hướng trẻ trung, sinh động, phù hợp với thị hiếu của các em.
Suốt chiều dài lịch sử, các lớp thế hệ thanh niên Việt Nam luôn là lực lượng xung kích trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa; tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các phong trào cách mạng từ “Ba sẵn sàng” đến “Năm xung phong”… là những minh chứng hào hùng về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng kiên trung và ý chí quyết tâm của thanh niên Việt Nam. Để xứng đáng với những truyền thống quý báu đó, mỗi thanh niên Việt Nam hiện nay cần có nhận thức sâu sắc, đúng đắn và thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Sống trách nhiệm là cách thể hiện lòng tri ân ý nghĩa nhất của thế hệ được sinh sống trong hòa bình đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh. Trách nhiệm cao cả đó sẽ trở thành lý tưởng, động lực phấn đấu và rèn luyện của thế hệ trẻ hiện nay khi đã được luật hóa trong bộ luật quan trọng nhất của Thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, để thanh niên thực hiện tốt trách nhiệm của mình; bên cạnh việc tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên; cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội làm công tác quản lý thanh niên nhằm giáo dục, rèn luyện phát triển thanh niên cả về thể lực, trí lực, trí tuệ, trình độ, đạo đức, phẩm chất, năng lực, bồi dưỡng lý tưởng, hoài bão, nhiệt huyết, kỹ năng, phương pháp làm cơ sở để thanh niên thể hiện trách nhiệm với các vấn đề của xã hội đang đặt ra; từng bước đảm nhận và thực hiện vai trò “chủ nhân tương lai của đất nước”./.