Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945): Trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

Thứ năm - 16/09/2021 11:26 17.622 0
Đã 76 năm trôi qua, ngày 23/9/1945 với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sự kiện trên, Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm trên tinh thần tất cả vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc.
         Trở về dòng thời gian lịch sử của dân tộc, với thành quả đạt được, chúng ta khẳng định rằng, ngày 23/9/1945 đã trở thành ngày lịch sử trọng đại của đất nước và nó còn nguyên giá trị không chỉ đối với hoàn cảnh lịch sử lúc đương thời mà còn có giá trị cho đến hôm nay và mai sau. Ngày ấy đã ghi dấu ấn như mốc son chói lọi, soi sáng cho con đường cách mạng Việt Nam thành công sau này. Qua sự kiện đó, ta thấy được bản lĩnh, trí tuệ, yêu nước của nhân dân Nam Bô và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta cùng với nhân dân cả nước đoàn kết, hợp lực, chiến đấu bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam từ đất nước bị chiến tranh đến hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đưa nhân dân Việt Nam từ gông xiềng nô lệ thành người làm chủ nước nhà.
         Diễn biến sự kiện, đêm ngày 22 sáng ngày 23/9/1945, quân Pháp sau nhiều ngày khiêu khích đã nổ súng tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, trụ sở Quốc gia Tự vệ Cuộc, Bưu điện, Nhà đèn, Kho bạc, Đài Phát thanh. Cuộc nổ súng trên đều có sự hậu thuẫn của Mỹ và thực dân Anh. Trước tình hình ấy, nhân dân miền Nam đã quyết “nhất tề” đứng dậy với tinh thần “đập tan lũ bán nước và lũ cướp nước”. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chắc thắng, giữa lúc tiếng súng còn nổ vang nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Rạng sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số nhà 629 đường Cây Mai (Nguyễn Trãi, Quận 5 ngày nay) để lấy ý kiến về “phát động kháng chiến”. Sau khi phân tích những âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, thái độ đồng lõa của đế quốc Anh, Hội nghị đã quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây địch trong thành phố; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã “nhất tề” đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử, một mốc son oanh liệt, hùng hôn mới.
t5nambo
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhân dân Nam bộ đã nhất tề nổi dậy
kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu
        Cũng trong sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi đồng bào, lời keo gọi mang tính hùng hồn, đanh thép:
“Đồng bào Nam bộ, nhân dân thành phố Sài Gòn.
 Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!
 Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là              Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2-9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.
Độc lập hay là chết!
Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó, thì hãy lập tức ra khỏi thành phố…
Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”[1].
          Hưởng ứng  Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi.
Chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Trong thành phố, 6.500 chiến sĩ đã bám trụ tại các vị trí chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
        Ngày 26/9/1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”... Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước. Nước Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam bộ muôn năm!”[2]. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam bộ kháng chiến cũng ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam bộ kháng chiến.
           Ngày 30/9/1945, thực dân Pháp lâm vào thế chân tường phải nhờ vả quân đội Anh để điều đình với UBND Nam bộ. Vậy là, những thắng lợi của quân dân Nam Bộ đã đập tan chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Bộ đã làm rung động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào “Nam tiến” xuất hiện khắp nơi. Đến tháng 10/1945, cuộc kháng chiến lan rộng khắp đồng bằng Nam Bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. 
         Với tinh thần truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất, vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 02/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam Bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam.
           Sự kiện lịch sử oai hùng đã trải qua 76 năm qua (23/9/1945 – 23/9/2021), mỗi thế hệ chúng ta hôm nay không khỏi tự hào về một thời oanh liệt mà cha ông ta đã hy sinh tất cả để giành độc lập cho đất nước.  Với tinh thần bất khuất, mốc son sáng ngời về ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần chiến đấu quật cường của người dân Nam Bộ đã để lại những bài học quý báu về ý chí quyết tâm thà chết chứ không chịu làm nô lệ một lần nữa, quân dân Nam bộ đã đánh địch và thắng địch không chỉ bằng khí phách dũng cảm, anh hùng, mà cả bằng bản lĩnh, trí tuệ của truyền thống ông cha để lại. Ngày hôm nay, ý nghĩa lịch sử và bài học của Ngày Nam Bộ kháng chiến đã và đang được kế thừa, phát huy mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

      Tài liệu tham khảo:
      [1] Trần Văn Giàu, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1998, tập 1, tr.356.
      [2] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.91-92, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Kim Dự

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập125
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay3,827
  • Tháng hiện tại141,651
  • Tổng lượt truy cập8,913,698
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây