Kỷ niệm 46 năm ngày Chiến thắng Phước Long (06/01/1975 - 06/01/2022): Chiến thắng quyết định khởi đầu cho lịch sử của dân tộc ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước

Thứ ba - 04/01/2022 22:09 6.709 0
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), tình hình tương quan lực lượng tại chiến trường miền Nam chuyển biến theo chiều hướng ngày càng thuận lợi cho cách mạng. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi Phước Long, tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng ngày 6/01/1975, Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Chiến thắng Phước Long và quyết định lịch sử của Bộ chính trị về việc giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 là một quyết định chiến lược chính xác, kịp thời và đúng đắn dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Kỷ niệm 46 năm ngày Chiến thắng Phước Long (06/01/1975 - 06/01/2022):  Chiến thắng quyết định khởi đầu cho lịch sử của dân tộc ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước
 
      1.  Trận đánh lịch sử giải phóng Phước Long
     Trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phước Long là một trong số 11 tỉnh bao quanh biệt Khu thủ đô Sài Gòn - Gia định, Phước Long có địa giới giáp với Bình Long(phía Tây), Quảng Đức(phía Đông), Long Khánh(phía Nam) và Campuchia(phía Bắc). 
     Phước Long gồm các Chi khu quân sự Đôn Luân(Đồng Xoài), Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Bình Long và căn cứ Bà Rá nằm trong tuyến phòng thủ từ xa của quân nguỵ để bảo vệ Sài Gòn và các tỉnh đông dân trù phú ở Nam Bộ. Do có các giao lộ của đường 2 (cũ) nối với đường 14 qua ngã ba Đồng Xoài và của đường 311 nối với đường 14 qua ngã ba Liễu Đức. “Phước Long là điểm án ngữ, ngăn chặn hàng lang vận tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ, đồng thời giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn của các vùng do Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm lĩnh, cô lập vùng Lộc Ninh với các vùng Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác”[1].
Bình Phước: Bảo tàng chiến dịch Đường 14 – Phước Long – nơi lưu giữ ký ức hào hùng của quân và dân ta - ảnh thời sự, vnanet.vn.
      Đây là nơi có vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của quân nguỵ ở vùng Đông Nam Bộ. Đường 14 - Phước Long nằm về hướng Đông Bắc Sài Gòn, được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xem là tuyến huyết mạch để bảo vệ Sài Gòn cho nên đã tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ bao gồm nhiều căn cứ chi khu, yếu khu, tiểu khu quân sự.
      Vào tháng 10/1974, Trung ương Cục và Quân uỷ miền Nam đã tổ chức hội nghị và đề ra kế hoạch mở rộng hoàn chỉnh khu căn cứ cách mạng, nối hành lang vận chuyển từ biên giới xuống bờ biển phía Đông, xây dựng các căn cứ địa vững chắc tạo thế liên hoàn bao vây Sài Gòn. Hướng tiến công chủ yếu của quân ta được xác định là đường 14 - Phước Long, giải phóng Phước Long khi có điều kiện.
     Công tác chuẩn bị mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long được giao cho tỉnh Bình Phước. Tham gia chiến dịch bao gồm các đơn vị chủ lực của quân đoàn 4, sư đoàn 3 phối hợp với các lực lượng vũ trang tỉnh Bình phước.
     Trận đánh tại Phước Long bắt đầu từ đêm 13/12/1974  đến ngày 6/1/1975 thì kết thúc. Kết quả trận đánh là quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền địch tan rã, quân nguỵ rút chạy, Phước Long trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
     Từ chỗ hô hào “kiên quyết lấy lại Phước Long”, Tổng thống chính quyền miền Nam là Nguyễn Văn Thiệu không ra lệnh cho quân nguỵ phản công để tái chiếm Phước Long mà treo cờ rủ và kêu gọi dành ba ngày cầu nguyện cho Phước Long. [2]. Chiến thắng Phước Long là một thực tế chứng minh “quân đội ta có khả năng mở chiến dịch quy mô quân đoàn, đánh chiếm chi khu, tiểu khu quân sự của địch, giải phóng thị xã, thành phố” [3], “chế độ nguỵ quyền Sài Gòn đã đến hồi suy sụp, tinh thần quân nguỵ đang xuống dốc…nội bộ nguỵ rối loạn” [4], khả năng đế quốc Mỹ quay lại can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam không còn. 
     Như vậy, trận đánh Phước Long có ý nghĩa là trận đánh trinh sát chiến lược, thử sức đối với lực lượng hai bên trên chiến trường miền Nam và thăm dò phản ứng của phía Mỹ để mở đầu cho những diễn biến tiếp theo của cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy giải phòng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
     2. Chiến thắng Phước Long và quyết định lịch sử tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
        Muốn giành thắng lợi trong chiến tranh cần phải có sự tính toán, cân nhắc về thời điểm, thời cơ để có quyết định đúng đắn và kịp thời. Chiến tranh là cuộc đọ sức từng ngày, từng giờ của hai bên tham chiến. Vào thời điểm Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chính trị quyết định mở trận đánh để giải phóng Phước Long, chính quyền và quân đội ngụy tại chiến trường miền Nam vẫn đang trong tình thế cố thủ, chống trả quyết liệt trước sự tấn công của quân ta, mặc dù đã ký Hiệp định Paris nhưng chưa thể loại trừ hoàn toàn khả năng Mỹ quay trở lại để can thiệp. Vì vậy, quyết định tiến hành trận đánh Đường 14 - Phước Long là sự tính toán, cân nhắc mang tầm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Miền.
Chiến thắng Phước Long, tạo đà cho thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Đại thắng Mùa xuân năm 1975. trian.vn
       Khi trận đánh Phước Long diễn ra, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 6/1/1975, tin tức về chiến thắng Phước Long đã được đưa đến Hội nghị. Sự kiện Phước Long được hoàn toàn giải phóng nhưng địch không phản công tái chiếm cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng của quân ngụy trên chiến trường miền Nam, chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã đến hồi suy sụp, khả năng đế quốc Mỹ đưa quân quay lại can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam không còn, sức chiến đấu của quân ta đã hơn hẵn quân ngụy.
     Diễn biến tình hình chiến trường và chiến thắng lịch sử Phước Long đã giúp Bộ Chính trị cũng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và  hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị đã phân tích tình hình và nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, có thời cơ chiến lược lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc…” [5].
     Ngày 8/1/1975, khi kết thúc Hội nghị, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận đánh quyết liệt, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới Tổng Tiến công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng là Sài Gòn”[6], “cần chuẩn bị một phương án khác, một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975” [7]. Việc giải phóng miền Nam có thể tiến hành với nhịp độ nhanh hơn “cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”[8].
    Có thể nói, chiến thắng Phước Long là cơ sở thực tiễn góp phần đặc biệt quan trọng để Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá chính xác về tương quan lực lượng trên chiến trường, nắm bắt thời cơ cách mạng. Đồng thời, chiến thắng này còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chiến lược, để Bộ Chính trị có sự hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam kịp thời ngay trong năm 1975.
     Vào thời điểm đó, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: Chiến thắng này đã mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam thần tốc tiến lên giải phòng hoàn toàn miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, cố thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư Lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam nhận định: “Quân và dân Phước Long đã làm nên một kỳ tích chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ. Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975” [9]. 
      Chiến thắng Phước Long đã góp phần to lớn vào thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa “tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công”, bộ đội địa phương Bình Phước đã chiến đấu liên tục giành thắng lợi quyết định từ chiến thắng Phước Long đến giải phóng toàn tỉnh Phước Long năm 1975, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 đến năm 1975, quân và dân Bình Phước cùng miền Nam và cả nước đã tiến hành cuộc đấu tranh vô cùng gay go, quyết liệt và hy sinh, góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1].Dương Hảo: Một chương bị thảm. NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1980, tr.137.
[2].Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.2, tr.650.
[3].Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam: 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.358.
[4].Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.2, tr.650.
[5].Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam: 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.358.
(6).Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.309.
[7].Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam: 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.358.
[8].Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.309.
[9].Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam: 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.359.
[10].Địa chí Bình Phước. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2015, tr.454.

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,198
  • Tổng lượt truy cập9,145,560
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây