Ngày Sách Việt Nam giúp nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen đọc sách trong học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng xã hội học tập. Nguồn: Báo tuổi trẻ, 20.01.2024.
Thứ nhất, yêu cầu, nhiệm vụ đọc sách của giảng viên
Triết gia Thomas Carlyle (Scotlen): “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”.
Nhà văn Macxin Gorki đã từng nói: “Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời, nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Không chỉ với người lớn, với trẻ thơ mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống”.
Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ -TTg lấy ngày 21/4 hàng năm làm “Ngày Sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc rèn luyện kỹ năng, nhân cách con người và phát triển đất nước.
Từ đó, văn hóa đọc sách đã được toàn xã hội quan tâm và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Đó là một trong những vấn để then chốt của giáo dục hướng tới nâng cao năng lực tự học hỏi suốt đời, học ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh sống. Văn hóa đọc là trụ cột của đổi mới giáo dục, là nền móng của phát triển xã hội. Văn hóa đọc tạo đà thúc đẩy năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự khai thác kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Sách đem đến cho giảng viên và học viên sự hiểu biết và nội hàm phong phú.
Việc đọc sách là tất yếu, mỗi giảng viên cần có kiến thức liên ngành, kiến thức tổng hợp, đọc hiểu và tiếp cận vấn đề sâu sắc, thấu đáo, nhiều chiều. Khắc phục sự hiểu biết nông cạn, hời hợt, giản đơn, giải thích vấn đề không sâu sắc, thiếu cơ sở lý luận, thiếu thực tiễn, không bám vào nguyên lý, phạm trù, quy luật, tự giải thích theo cách hiểu của mình, thiếu kiến thức dẫn đến giải thích sai, không thuyết phục người nghe. Sách là người thầy của những người thầy, đặc biệt là các học thuyết, lý luận, được sáng tạo ra bởi các bậc vĩ nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối, nghị quyết, văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, luật pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều được tập thể các nhà khoa học, ban chuyên môn, ban soạn thảo nghiên cứu và viết rất công phu, được đưa ra lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân, từ các cuộc hội thảo, được thẩm định trong thực tiễn, nên có tính khái quát cao, tính giáo dục, thuyết phục, tính định hướng nhận thức, tư tưởng, tính thực tiễn và khả năng vận dụng lâu dài, rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân, áp dụng đúng ở nhiều nơi với nhiều đối tượng, đó là cơ sở pháp lý để cán bộ, giảng viên, học viên học theo và làm theo, nên phải hiểu đúng, hiểu đủ và vận dụng đúng.
Bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng, quan điểm sống nhân văn, hiện sinh cho mỗi người, giúp con người vươn đến các giá trị cao đẹp: chân, thiện, mỹ. Việc đọc sách làm cho sự sự hiểu biết của con người trở nên sâu rộng để thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tạo thành niềm tin, yêu xã hội mới, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của Nhà nước; ủng hộ Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đồng thời nhờ có kiến thức sâu rộng mà giảng viên mới có được năng lực phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, nhận diện đúng - sai, bác bỏ điều sai, bảo vệ lẽ phải và cái đúng, cái đẹp, cái thiện. Việc học ở sách sẽ giúp giảng viên bổ sung những kiến thức còn thiếu là tất yếu khách quan, bởi vì trên trần thế này không có bất cứ ai hay vĩ nhân nào, nhà bác học đại tài nào là thừa kiến thức. Do vậy, đọc để nâng tầm hiểu biết là khách quan, công bằng với tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, sang hèn, mọi người đều có quyền tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ bằng con đường tự học hỏi để tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật, năng lực thích ứng, chống chịu trong bối cảnh mới.
Ngày nay, sự phát triển vượt bực của công nghệ thông tin, internet, Facebook, zalo, youtube tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên truy cập thôn tin, kiến thức, lưu trữ thông tin, sử dụng thông tin, kiến thức, đồng thời nhiều giảng viên quen dần với mạng xã hội và việc lạm dụng, Facebook, zalo, youtube…khiến cho văn hóa đọc sách của giảng viên, học viên bị mai một, giảm sút. Bên cạnh đó, còn có học viên kỹ năng đọc hạn chế, chưa chọn lọc, thiếu tính ứng dụng thực tiễn. Những loại sách có tác dụng giáo dục tư tưởng, lập trường, đạo đức cách mạng, như giáo trình chương trình sơ cấp, trung cấp và cao cấp chính trị. Giảng viên là người cung cấp tri thức, thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có sức tác động ảnh hưởng lớn trong việc nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin cho học viên, nên giảng viên phải đi đầu trong thực hiện văn hóa đọc sách.
Thứ hai, một số giải pháp thu hút người đọc đến thư viện Trường Chính trị tạo lập thói quen, năng lực và phương pháp đọc sách cho giảng viên và học viên
Một là, phân loại sách
- Học thuyết C.Mác- Lênin và các tác phẩm kinh điển; nghiên cứu các quy luật, các tính quy luật, các học thuyết, các phạm trù, khái niệm, các dự báo, tiên tri về tương lai xã hội loài người.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh: Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam; các Văn kiện, các Chỉ thị, các Nghị quyết, các Kết luật của Đảng….
- Giáo trình: sơ cấp chính trị, trung cấp chính trị, cao cấp chính trị và các loại sách khác có hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng thực tiễn lớn.
Hai là, hình thành thói quen, năng lực đọc sách cho giảng viên
- Tạo lập thói quen đọc sách: Bắt đầu từ việc mình cần đọc những tác phẩm, tác giả nào, xuất bản bao giờ, nội dung của tác phẩm bàn đến vấn đề gì. Những tác phẩm nào gần với chuyên môn, chuyên ngành của mình; tác phẩm nào góp phần bổ trợ; Tác phẩm nào có hàm lượng kiến thức khoa học có khả năng bổ sung cho chuyên môn, chuyên ngành, cho bài giảng. Khi tìm hiểu những điều mà bản thân quan tâm sẽ tạo ra động lực, sự say mê và tính hấp dẫn, lôi cuốn cho người đọc. Dần dần việc đọc sách sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống như một thói quen như soi gương, rửa mặt hàng ngày.
- Giảm thời gian dành cho điện thoại lướt web, xem phim, tiktop, facebook, zalo…thay vào đó bằng việc đọc thêm một vài trang sách mỗi ngày, và đánh dấu để nhớ đọc đến trang nào, bằng miếng bìa cứng.
- Sách ngày nay có nhiều thể loại: sách in đọc, sách điện tử, có thể sử dụng Máy tính, điện thoại thông minh để truy cập, khai thác, tải ứng dụng.
- Tích cực tham gia hội thảo khoa học, viết bài, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu, học tập, kế thừa tri thức, sự hiểu biết của những người đi trước, các công trình nghiên cứu thông qua các cuốn sách gắn với tác phẩm, tác giả.
- Đọc lời nói đầu, mục lục trước khi đọc chi tiết: Đây là công việc quan trọng ngay từ khâu chọn sách, nó giúp chúng ta trả lời cuốn sách này đáp ứng mục đích nào của mình nó phù hợp với sở thích của mình hay không; đọc phần tóm tắt giúp cho ta nắm bắt được nội dung cốt lõi của cuốn sách để đọc dễ hiểu vấn đề hơn.
- Đọc, viết và áp dụng: Đọc nhưng cần phải tư duy, sau khi đọc xong phải rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, chúng ta có thêm kiến thức gì, kinh nghiệm gì cho bản thân để từ đó áp dụng vào cuộc sống và công việc.
- Đọc lại nhiều lần: Đọc một lần chúng ta có thể chưa hiểu trọn vẹn được ý nghĩa, giá trị của cuốn sách. Nên cần đọc lại nhiều lần để hiểu rõ hơn những thông điệp mà cuốn sách muốn chuyển tải. Đọc sách phải có tư duy phản biện, đặt ra câu hỏi cho cuốn sách tạo nên, để tránh xa rời thực tế, hay lý thuyết suông.
- Đọc sách, nghiên cứu tài liệu là việc làm không thể thiếu, giảng viên đều phải tạo lập và rèn luyện kỹ năng đọc sách, có ý thức đọc sách, thường xuyên đọc sách; tuy nhiên, việc đọc sách hiện nay mới dừng lại trong trao đổi chuyên môn ở mức độ nhất định, còn mang tính hiểu biết riêng lẻ, giới hạn cá nhân. Chưa chia sẻ rộng rãi hay liên kết chia sẻ giữa các đồng nghiệp.
Ba là, xây dựng thư viện hiện đại của Trường Chính trị chuẩn đáp ứng nhu cầu bạn đọc, kết nối tri thức đến với giảng viên và học viên, tạo lập thói quen, năng lực và phương pháp đọc sách
Một là, nghiên cứu nhu cầu tài liệu, đầu sách để xây dựng kho dữ liệu, phân loại tài liệu và tổ chức phục vụ học viên từ đầu năm học. Trước lúc tổ chức thi hết các phần học tại các lớp, thư viện phải giới thiệu tài liệu cho học viên mượn, chuyển dữ liệu đến tay bạn đọc theo yêu cầu của học viên và căn cứ vào tình hình thực tế. Tài liệu gồm có:
Tài liệu soạn của học viên các lớp học trước đã tốt nghiệp được đóng thành cuốn, sắp xếp theo nội dung, chủ đề.
Tài liệu của các Khoa được soạn dưới dạng câu hỏi ôn tập, hỏi đáp, đề cương ôn tập, được sắp xếp theo Khoa và theo các phần mà Khoa quản lý để học viên dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, liên hệ, trợ giúp. Xây dựng kho dữ liệu tài liệu của giảng viên và phân loại tài liệu theo các phần học mà khoa phụ trách, để giảng viên và học viên đều có thể mượn đọc, có sổ cho mượn và thời hạn trả; có sổ ghi chép, đăng ký thể loại sách cần mượn đọc như: C. Mác và Ăgghen: Toàn tập; V.I.Lênin: Toàn tập; Hồ Chí Minh: Toàn tập; Giáo trình trung cấp chính trị, văn kiện, nghị quyết, sách, … Xây dựng và thực hiện kế hoạch đọc sách là hoạt động khoa học để giảng viên mở rộng kiến thức, nâng tầm hiểu biết, cao chất lượng giảng dạy.
Hai là, xây dựng kế hoạch đọc sách cho học viên nằm trong Kế hoạch công tác của Trường Chính trị.
Kế hoạch đọc sách phải thể hiện rõ: mục tiêu đọc sách, nội dung, chủ đề, lớp thực hiện, nhóm bạn đọc, thời gian đọc, kết quả đọc. Kết quả đọc sách là những sản phẩm cụ thể như: các câu trích dẫn, tác giả, tác phẩm, chương mục, trang, dòng, nhà xuất bản, nội dung đoạn viết, những quan điểm, tư tưởng, luận điểm được trích dẫn từ học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Các nội dung, quan điểm, quy định, hướng dẫn, cơ sở pháp lý… nào đó, các câu trích dẫn phải được sắp xếp theo trình tự thời gian, đảm bảo tính khoa học, lôgic, chặt chẽ, cấu trúc hệ thống. Sau đó tập thể tác giả ghi rõ họ tên của từng thành viên rồi đóng thành tập tài liệu, đây là sản phẩm chung hay kết quả đọc của nhóm tác giả gắn với từng lớp học cụ thể. Kế hoạch đọc sách phải được xây dựng từ cuối năm học cũ để chuẩn bị cho năm học mới. Kế hoạch đọc sách cần xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các phần học của từng lớp và căn cứ vào nhu cầu đọc của học viên. Đọc sách theo kế hoạch sẽ giúp học viên mở rộng vốn kiến thức từ đó học viên biết cách tiếp cận, so sánh, vận dụng lý luận với thực tiễn, khái quát thực tiễn để bổ sung hoàn thiện lý luận thông qua các kiến nghị, đề xuất giải pháp trong các đợt thi học phần, kể cả thi vấn đáp và thi viết một cách hiệu quả nhất.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc nhằm phát huy tác dụng của sách đối với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ hai hàng tuần cán bộ thư viện giới thiệu đến các lớp về sách, tài liệu, văn bản mới, tìm hiểu nhu cầu đọc sách của học viên và giảng viên để có kế hoạch cho mượn và thực hiện luân phiên từ lớp này sang lớp khác để học viên có thời gian đọc sách. Thư viện cần được xây dựng hiện đại, thiết kế gần với lớp học, có căn tin phục vụ ở gần theo mô hình khép kín: cà phê và sách, âm nhạc và sách, ... thư viện có không gian rộng, thoáng mát, đa dạng các hình thức hỗ trợ sẽ là nơi lý tưởng để học viên các lớp có không gian giao lưu, học hỏi và trải nghiệm thư viện.
Bốn là, để thu hút được nhiều giảng viên, học viên đến mượn sách, chuyên viên thư viện phải hướng dẫn, gợi mở với bạn đọc về hướng lựa chọn, tìm kiếm sách. Chuyên viên thư viện, cần phân tích nội dung từng cuốn sách, nói rõ tầm quan trọng, giá trị và ý nghĩa vận dụng của từng cuốn sách để khơi dậy sự hứng thú, sự hiếu kỳ cho người đọc, để giáo viên tích cực tìm tài liệu đọc sách báo ở thư viện nhà trường. Cuối năm cán bộ thư viện tham mưu nhà trường khen thưởng cho các cá nhân hoặc tập thể lớp có nhiều đóng góp cho thư viện. Từ đó khích lệ tinh thần đọc sách cho các em.
Tóm lại. Xây dựng thư viện hiện đại tương ứng với Trường Chính trị chuẩn phù hợp trong một không gian tổng thể , đủ tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc là rất cần thiết. Phát huy năng lực, sở thích, thói quen và phương pháp đọc là yếu tố quan trọng để tạo thành văn hoá đọc, đó là một loại kỹ năng mềm giúp bạn đọc có thể tiếp nhận thông tin chọn lọc, nhanh chóng, vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo, mới lạ và độc đáo. Đọc sách giúp cho giảng viên lĩnh hội được nhiêu tri thức của nhân loại, giúp cho tư duy, tầm nhìn rộng hơn, năng động, sáng tạo hơn; đồng thời còn là phương pháp rèn luyện nhân cách, tình cảm, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh cho giảng viên, học viên trong giai đoạn hiện nay nhờ kết quả đọc sách mang đến.