Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị vừa qua đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước. Qua lớp học, chúng ta đã nhận ra rằng, để lý luận chính trị thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, làm cho lý luận chính trị trở nên sinh động, hấp dẫn và gần gũi hơn với thực tiễn.
Nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã khẳng định: “Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn; xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề”.
Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ cơ bản trong tình hình mới: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Thực chất, đổi mới giảng dạy lý luận chính trị là quá trình thay đổi từ nội dung đến phương pháp giảng dạy lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng dạy và học nói chung và nâng cao kỹ năng dạy học các môn lý luận chính trị nói riêng, phù hợp với sự tiến bộ tri thức khoa học và hiện thực xã hội.
Kỹ năng dạy học lý luận chính trị là khả năng tổ chức thực hiện các hoạt động dạy học các môn lý luận chính trị có hiệu quả của giảng viên trong điều kiện nhất định (giảng dạy trực tiếp hoặc giảng dạy trực tuyến), dựa trên sự lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện phù hợp với mục tiêu dạy học lý luận chính trị trong thời gian quy định.
Mục tiêu của lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị là nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy cho giảng viên, báo cáo viên, giúp họ nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng. Lớp học cung cấp các phương pháp giảng dạy hiện đại, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, và tổ chức thảo luận nhóm, đồng thời phát triển tư duy phản biện và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn. Ngoài ra, lớp học tạo diễn đàn để các giảng viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.
Chương trình bồi dưỡng được thết kế với 5 chuyên đề được cân nhắc và chọn lọc: bao gồm 2 chuyên đề lý luận có giá trị hỗ trợ tổng quan về giảng dạy lý luận chính trị trong điều kiện hiện nay, với những thách thức. Chyên đề củng cố, khẳng định những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chuyên đề hướng dẫn vận dụng Lý luận nói chung và Chủ trương đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương. 3 chuyên đề về thực hành phương pháp giảng dạy và soạn giáo án bằng các công nghệ, nền tảng hiệu quả. Cụ thể: Chuyên đề 1. Giảng dạy Lý luận chính trị trong điều kiện hiện nay; Chuyên đề 2. Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và giải pháp khắc phục chủ nghĩa giáo điều góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng; Chuyên đề 3. Phương pháp sư phạm và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm; Chuyên đề 4. Kỹ năng vận dụng kiến thức kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng vào giảng dạy lý luận chính trị; Chuyên đề 5. Kỹ năng thiết kế giáo án điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện bài giảng lý luận chính trị
Lớp học với sự có mặt của 17 đồng chí đến từ 7 đơn vị đã có sự nỗ lực đóng góp tích cực cho sự thành công của lớp học. Trong đó gồm trung tâm chính trị Thị Xã Bình Long, trung tâm chính trị Thành Phố Đồng Xoài, trung tâm chính trị huyện Đồng Phú, Lộc Ninh, Phú Riềng, Bù Đăng và 05 đồng chí đến từ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, trong đó nổi bật là Trung tâm chính trị Thị xã Phước Long. Đây là đơn vị có số lượng người tham gia đông nhất, với 8 đồng chí, đồng thời cũng là đơn vị có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho lớp học. Sự tham gia nhiệt tình và những ý kiến xây dựng của các đồng chí đã góp phần làm cho lớp học trở nên phong phú và chất lượng hơn.
Trãi qua 5 ngày học bổ ích và thú vị, Học viên đã được học những kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy mà chúng ta đã tiếp thu không chỉ là hành trang quý báu cho công tác giảng dạy mà còn là nền tảng vững chắc để chúng ta phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong thời gian tới.
Kết quả bài viết thu hoạch có 25 bài, trong đó 18 bài được đánh giá cao trên 8 điểm. Trong đó, Ban Tổ chức lớp học nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ và thích thú từ các đồng chí tham gia lớp học. Đặc biệt, có một số bài viết đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị mới, gợi mở nhiều ý tưởng thú vị. Đây là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của các đồng chí trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho sự thành công của lớp bồi dưỡng. Những ý kiến đóng góp quý báu từ các đồng chí sẽ là động lực để Trường Chính tị tỉnh Bình Phước tiếp tục cải tiến và hoàn thiện chương trình bồi dưỡng.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tuy nhiên trong công tác tổ chức lớp học cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết cuả các đơn vị như: trước hết là tình cảm, sự yêu thích dành cho chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy. Sự ghi nhận tâm huyết, chuyên nghiệp của đội ngũ báo cáo viên, chất lượng của các bài giảng, sự chu đáo, tận tình của ban tổ chức lớp học. Một số ý kiến dề nghị tăng thời gian bồi dưỡng Phương pháp và nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị; tạo điều kiện để giảng viên các Trung tâm có thể tham gia các đợt sinh hoạt chính trị do Trường tổ chức như tọa đàm, hội thảo khoa học; hoặc có thể Tập huấn phương pháp giảng dạy dưới hình thức trực tuyến, Chương trình bồi dưỡng cần có thêm phần hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên truyền cho báo cáo viên,…và hơn thế là mong muốn Lớp Bồi dương nghiệp vụ giảng dạy được tổ chức hằng năm.
Kết thúc lớp học, Nhà tường nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ và nghi nhận sự cần thiết, giá trị của lớp học, và với vai trò đơn vị tham mưu, tổ chức thực hiện lớp học, Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện các giải pháp để hiệu quả Bồi dưỡng Nghiệp vụ giảng dạy ngày càng được nâng cao ở các năm tiếp theo: Để nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng trong tương lai, có thể xem xét các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị:
Hợp tác với các trung tâm đào tạo uy tín: Kết nối và hợp tác với các trường như đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Cán bộ Thành Phố Hồ Chí Minh để chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy hiện đại. Tạo liên kết với các tổ chức, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế để tiếp thu những mô hình và phương pháp đào tạo tiên tiến.
Hai là, đa dạng hóa hình thức đào tạo:
Áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực: Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, học tập dựa trên đề án, và các hoạt động tương tác để khuyến khích học viên tham gia tích cực và phát triển kỹ năng tư duy phản biện.
Có thể kết hợp học tập trực tuyến và trực tiếp: Sử dụng các mô hình, nền tảng phù hợp để tận dụng lợi ích của cả hai hình thức đào tạo, vừa đảm bảo tính linh hoạt vừa giữ được sự tương tác trực tiếp giữa giảng viên và học viên.
Ba là, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy:
Sử dụng phần mềm và nền tảng học tập trực tuyến: Áp dụng các nền tảng như Zoom để hỗ trợ việc giảng dạy và quản lý lớp học hiệu quả. Phát triển các khóa học e-learning: Tạo ra các khóa học trực tuyến với nội dung phong phú, đa dạng và cập nhật liên tục để học viên có thể tự học mọi lúc, mọi nơi.
Bốn là, đào tạo và phát triển giảng viên:
Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho giảng viên: Tăng cường các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho giảng viên, giúp họ nắm vững các phương pháp giảng dạy hiện đại và kỹ năng sư phạm.
Khuyến khích giảng viên tham gia hội thảo, hội nghị: Tạo điều kiện để giảng viên tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên ngành để cập nhật kiến thức và trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp.
Năm là, đánh giá và cải tiến liên tục:
Xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo: Thực hiện đánh giá định kỳ chất lượng các lớp bồi dưỡng thông qua phản hồi của học viên và các chỉ số hiệu quả.
Cải tiến chương trình đào tạo dựa trên phản hồi: Sử dụng kết quả đánh giá để liên tục cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển mới nhất.
Những giải pháp này, nếu được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, sẽ góp phần nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và phát triển của học viên trong tương lai.
Để hiện thực hóa điều đó. Chúng tôi rất mong nhận được sự đồng thuận Hội đồng Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh, của Ban tổ chức tỉnh ủy, sự quan tâm của lãnh đạo các Huyện, thị xã, sự tham gia nhiệt tình và đầy đủ của các đồng chí là giảng viên, báo cáo viên ở các huyện Thị xã và cả giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm của nhà trường, các đơn vị có nhu cầu như Đảng ủy Khối, Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy,….
Lớp học này được tổ chức hàng năm sẽ tạo điều kiện cho các đồng chí có thêm nhiều cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, bổ sung thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới mẻ, sáng tạo cho các báo cáo viên cơ sở. Điều này không chỉ giúp các đồng chí nâng cao kỹ năng giảng dạy mà còn góp phần làm phong phú và sinh động hơn các bài giảng lý luận chính trị.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị vừa qua đã khép lại, nhưng những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mà các học viên thu được sẽ là hành trang quý báu để mỗi người chúng ta tự tin hơn trong công tác giảng dạy. Để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, chúng ta cần tiếp tục đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị. Đồng thời, mỗi giảng viên cần không ngừng học hỏi, trau dồi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác lý luận chính trị. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên, công tác giảng dạy lý luận chính trị sẽ ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021), Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), Hà Nội.
_________
1_Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Hà Nội.
2_Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021), Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng (Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), Hà Nội.
Tác giả bài viết: Ths.Nguyễn Thị Ninh
Nguồn tin: Trường Chính trị
Ý kiến bạn đọc