Phán bác luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay

Thứ năm - 21/09/2023 11:05 2.695 0
Một trong những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam là đưa ra những quan điểm sai trái nhằm phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các thế lực thù địch cho rằng Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội và đi lên chủ nghĩa xã hội là “lạc đường”, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại, v.v. Đó là những luận điệu xuyên tạc, không có cơ sở khoa học và thực tiễn, chúng ta cần đấu tranh, phản bác.
          1. Cách mạng Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu khách quan của lịch sử 
        Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, các nhân sỹ, trí thức, nông dân, binh lính yêu nước diễn ra theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau như: cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nông dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, các cuộc chiến quyết tử bảo vệ thành Gia Định, thành Hà Nội của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, phong trào Cần Vương, các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân; cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Dù tràn đầy lòng yêu nước, giàu đức hy sinh, nhưng các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đó đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn đẫm máu. Vấn đề độc lập dân tộc không được giải quyết, con đường cách mạng Việt Nam rơi vào bế tắc.
       Trước hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chế độ phong kiến cai trị hà khắc, thấu hiểu nỗi nhục mất nước, và cảnh bần cùng của nhân dân, ngày 05/6/1911 Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Đến tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo L’Humanite’ (Nhân đạo) cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội pháp. Người đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, Người nhận thức rõ Luận cương của Lênin soi sáng con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước mình. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói lo lên như đang nói trước quần chủng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đày đoạ đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Đồng thời Người đã tìm hiểu về thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga và đây là cuộc cách mạng triệt để nhất trong lịch sử nhân loại đã giải phóng con người thoát khỏi áp bức bóc lột, đưa họ từ địa vị những người nô lệ lên làm chủ đất nước. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng chân lý của thời đại và người đã tìm ra được chìa khóa cho cách mạng Việt Nam đó là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Để hiện thực hoá đường lối cách mạng đó, trước hết phải có một Đảng mácxít chân chính lãnh đạo. Người nói: Cách mạng trước hết “phải có đảng cách mệnh”; phải xây dựng một đảng kiểu mới, dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Từ niềm tin đó, Người tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, sáng lập và rèn luyện Đảng ta.
         Mùa Xuân năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa được chỉ rõ là: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản - tức là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng; trong đó: 1) Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải giành được độc lập dân tộc. 2) Đi lên chủ nghĩa xã hội chính là điều kiện tiên quyết để giữ vững được độc lập dân tộc và xây dựng được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
       Trên nền tảng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Để vận dụng thành công lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: “Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Theo Người, hai giai đoạn cách mạng có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau; giai đoạn trước đặt nền móng cho giai đoạn sau, giai đoạn sau kế tiếp và củng cố, phát triển giai đoạn trước. “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” trở thành nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và ngày càng được hoàn thiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam và trở thành mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
        2. Chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại
        Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự phát triển của xã hội loài người là quá trình vận động, biến đổi, phát triển không ngừng, sự phát triển của xã hội không phải diễn ra ngẫu nhiên, tuỳ tiện mà tuân theo các quy luật khách quan. Trong đó, quan trọng nhất là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Căn cứ vào quy luật phát triển khách quan đó ta thấy, trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay, lực lượng sản xuất phát triển đã mang tính xã hội hoá rất cao, trong khi đó, quan hệ sản xuất vẫn là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Như vậy, có sự mâu thuãn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, biểu hiện về xã hội là mâu thuãn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết thông qua cuộc cách mạng, một quan hệ sản xuất mới sẽ ra đời thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Do đó, sự vận động, phát triển tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đây là quy luật khách quan trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người mà Mác và các cộng sự của ông đã phát kiến ra, chứ không phải là sự áp đặt chủ quan, phiến diện, một chiều. Cùng với quá trình đó, nhà nước phục vụ cho giai cấp thống trị trong chế độ tư bản chủ nghĩa được thay thế bằng nhà nước chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân, quản lý xã hội và phục vụ cho quyền lợi của mọi công dân theo mục tiêu tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; con người được giải phóng một cách toàn diện, thủ tiêu mọi áp bức bóc lột.
       Sự phát triển xã hội loài người là tiến trình lịch sử tự nhiên, tuần tự từ thấp lên cao. Song, tùy theo điều kiện lịch sử, hoàn cảnh của mỗi quốc gia mà có thể bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội nào đó nếu điều kiện cho phép. Ví như, từ chế độ phong kiến bỏ qua chế độ tư bản tiến thẳng lên chế độ xã hội chủ nghĩa thông qua thời kỳ quá độ lâu dài (như ở Việt Nam). Đó là cả một sự nghiệp vĩ đại, đòi hỏi có thời gian, với một quá trình lao động sáng tạo để làm ra cơ sở vật chất cho đời sống xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, phải có chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, có bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn, dựa trên nền tảng tư tưởng vững chắc, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
       Mặc dù hiện nay chủ nghĩa xã hội đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, song, chủ nghĩa xã hội vẫn là khát vọng, lý tưởng, mục tiêu tốt đẹp mà loài người đang hướng tới. Bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội đã được thực tiễn kiểm nghiệm là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng, an sinh, bình đẳng xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không có người bóc lột người, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được thụ hưởng thành tựu của quá trình xây dựng, phát triển.
       Hiện nay, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chính trong cách thức quản lý, vì vậy mà còn có sự phát triển nhất định, chúng được các thế lực thù địch khuyếch trương, ra sức ca ngợi chế độ này là văn minh, “đỉnh cao” của xã hội loài người; giai cấp tư sản là giai cấp trung tâm của thời đại, có vai trò lịch sử trong tiến trình phát triển của nhân loại! Một số người nhìn vào điều kiện vật chất, trình độ phát triển của các nước tư bản nhờ thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và hàng chục năm hòa bình xây dựng, không bị tàn phá bởi chiến tranh mà đã vội vàng công kích chủ nghĩa xã hội, tung hô chủ nghĩa tư bản! Tuy nhiên, xét về bản chất, thuộc tính cố hữu của chủ nghĩa tư bản là: bóc lột giá trị thặng dư, lợi nhuận, bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo, chiến tranh… đó là những thứ cần kiên quyết đấu tranh, xóa bỏ để giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội
         Hơn nữa hiện nay, với sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, các nước có xu hướng, nguyện vọng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn là thực tiễn sinh động minh chứng chủ nghĩa xã hội sẽ là tương lai của nhân loại, cụ thế như sau. 
       Ở Trung Quốc, nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của các nhà lãnh đạo tiền bối, kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với mục tiêu xây dựng thành công cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp; lấy nhân dân làm trung tâm, coi mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đạt những thành tựu to lớn, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. 
      Ở Cuba, luôn là tâm điểm chống phá, bao vây, cấm vận hết sức khốc liệt của các thế lực thù địch, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Song, với bản lĩnh của những người chiến sĩ cộng sản và một tinh thần, quyết tâm đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, nhân dân Cuba đã đứng lên làm cuộc cách mạng, thực thi chính sách đối ngoại năng động để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước nhằm “thỏa mãn nhu cầu, ngày càng nâng cao về vật chất và tinh thần của nhân dân lao động”, nhất là về giáo dục và y tế. Theo đó, Cuba luôn dành ưu tiên cho chính sách an sinh xã hội thông qua việc phát triển các ngành y tế, giáo dục, thể thao, trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới. Trên con đường phát triển theo định hướng đã lựa chọn còn nhiều khó khăn phía trước, nhất là sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch, nhưng đặc trưng ưu việt của chủ nghĩa xã hội đã và đang hiện hữu trên hòn đảo tự do, tươi đẹp. Điều đó cho thấy, sức sống của chủ nghĩa xã hội mãi mãi trường tồn cùng thời gian, không có thế lực nào có thể ngăn cản được.
        3. Thực tiễn chứng minh việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay
      Với mục tiêu, con đường, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong quá trình lãnh đạo như: Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công đã xoá bỏ sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân kéo dài hơn 80 năm, xoá bỏ chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) “chấn động địa cầu” và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
       Với những thắng lợi đó đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn, là tất yếu khách quan, là sự vận động hợp quy luật lịch sử không thể phủ nhận. Đi theo, kiên định con đường ấy, Đảng và nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được những thành quả ấy, chính là nhờ Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tập hợp, hội tụ và kết tinh sức mạnh của cả dân tộc, tạo nên động lực cách mạng vô cùng to lớn; đã được lịch sử ghi nhận và nhân dân toàn thế giới biết đến. Đến những năm 1980, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào, phe xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ tan rã, khủng hoảng kinh tế – xã hội trong nước kéo dài, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới năm 1986, tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
      Sau hơn 35 năm đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ nét hơn: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện đã được xác định tại Đại hội XI của Đảng ta trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) năm 2011. Cương lĩnh cũng đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.”
       Để hiện thực hoá về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm cho nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện, dân số của Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
       Hiện nay, trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, đảm bảo sự “tự do và bình đẳng về quyền lợi” Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách xã hội thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa như: chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách người có công với cách mạng, chính sách hỗ trợ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…..với những chính sách đó góp phần bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân. 
       Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội ngày càng được thể hiện sinh động, rõ nét trên đất nước Việt Nam. Cả về lý luận và thực tiễn đã minh chứng sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn chứ đâu phải theo một học thuyết “lạc đường” như các thế lực thù địch đang công kích. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng trong chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.

Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb lý luận chính trị, Hà Nội năm 2017.
2. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, năm 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H2011.
4. Tạp chí quốc phòng toàn dân: Phê phán luận điệu cho rằng “Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm”
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016.
6. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, năm 2021.
6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, năm 2022.

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay3,705
  • Tháng hiện tại109,078
  • Tổng lượt truy cập9,310,735
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây