Giảng dạy lý luận chính trị gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở trường Chính trị hiện nay

Thứ bảy - 19/03/2022 05:40 3.889 0
Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên và lâu dài. Không chỉ mang tính thời sự mà còn là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Đảng ta. Để góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay thì việc đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.
Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa
          Thực chất việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
           Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Để cụ thể hóa Nghị quyết trên, ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG về thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị  về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ngay mở đầu tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người đã trích chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong” [1]. Cũng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[2]. Người nêu rõ phương châm, phương pháp học tập lý luận là lý luận liên hệ với thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng.
          Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay có vai trò quan trọng  góp phần vào sự thành công trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện được đều đó, đòi hỏi người giảng viên phải thường xuyên tự đối mới mình, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ lý luận khoa học, thường xuyên đổi mới các phương pháp giảng dạy và đặc biệt phải lồng ghép quá trình giảng dạy lý luận gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thù địch, truyền tải đến học viên những kiến thức cơ bản, kiến thức thực tiễn dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảng dạy lý luận chính trị gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, theo tôi người giảng viên ở các trường Chính trị cần thực hiện thay đổi ở bốn vấn đề cơ bản: thay đổi phương thức (cách thức) soạn giáo án; thay đổi phương pháp giảng bài, công tác cập nhật kiến thức và tham gia viết bài trên các báo, trang tuyên truyền chính thống, các cuộc thi viết chính luận liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
- Về thay đổi phương thức (cách thức) soạn giáo án bao gồm cả giáo án giấy (Word) và giáo án điện tử (Powerpoint).
         Công tác chuẩn bị giáo án, đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và sự thành công của giờ giảng. Muốn có được một giáo án tốt, có chất lượng đòi hỏi người dạy phải nắm chắc bố cục của một giáo án bài giảng lý luận chính trị, xác định đúng mục đích, yêu cầu và xác định đúng kiến thức trọng tâm của bài. Việc sử dụng nguồn tư liệu thông tin phong phú đối với mỗi bài giảng rất cần thiết. Đặc biệt là những nguồn tài liệu khoa học trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh, những tạp chí của trung ương và địa phương, các tạp chí được công nhận có chỉ số khoa học (ISSN) để tăng thêm sức thuyết phục cho những thông trong giáo án.
          Hiện nay, đòi hỏi cấp thiết cần phải nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đó nhiệm vụ của người giảng viên ở các trường Chính trị càng trách nhiệm hơn với nó. Chính vì vậy, việc soạn giáo án đòi hỏi người giảng viên cần lồng ghép nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch vào trong quá trình soạn bài của mình, để tăng thêm sức thuyết phục cho buổi giảng, đồng thời qua đó giúp học viên có thêm kiến thức thực tiễn để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Giảng viên cần cập nhật thông tin từ nhiều phía, nhiều góc độ khác nhau, từ đó lựa chọn những tình huống hay câu hỏi liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiến hành trao đổi, thảo luận với học viên. Ví dụ, khi soạn giảng bài trong triết học phần Giai cấp và đấu tranh giai cấp, giảng viên có thể đưa ra tình huống như: Có quan điểm cho rằng: “Hiện nay, nói đến đấu tranh giai cấp ở Việt Nam là đi ngược lại xu thế của thời đại, là lạc hậu, không thức thời, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay”. Anh chị hãy phản biện ý kiến trên?. Như vậy, với những quan điểm này giảng viên phải phân tích được các vấn đề cơ bản để học viên nắm rõ vấn đề, trước hết giảng viên cần khẳng định quan điểm nêu trên là sai, mang tính chủ quan, không đúng với vấn đề đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay.  Giảng viên nêu quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp theo triết học Mác – Lênin. Khẳng định đấu tranh giai cấp là một quá trình phức tạp trong sự vận động của lịch sử - xã hội, một xu thế tất yếu, khách quan của xã hội có giai cấp. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”[3]. Điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay thể hiện ở chỗ, những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội do công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mang lại trong thời gian qua làm cho cơ cấu giai cấp, vị trí, mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội đã có nhiều thay đổi, không giống như thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, cũng không như lúc mới bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, lợi ích cơ bản, lâu dài của các giai cấp trong cộng đồng Việt Nam thống nhất với lợi ích dân tộc. Đấu tranh giai cấp ở Việt Nam là khách quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang tính tất yếu. Bởi lẽ, ở nước ta hiện nay vẫn còn những lực lượng đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, của cách mạng, của Đảng. Đấu tranh giữa cái mới, cái cũ, cái tiến bộ, cái lạc lậu…cho nên đấu tranh giai cấp là tất yếu. Thực chất đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay là: đấu tranh chống khuynh hướng tự phát phát triển tư bản chủ nghĩa và thế lực thù địch với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh giai cấp Việt Nam là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo khuynh hướng XHCN, khắc phục những khó khăn, kém phát triển, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công, đấu tranh ngăn chặn, chống quan liêu, tham nhũng, bảo vệ độc lập dân tộc xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc…
           - Thay đổi phương pháp giảng bài.
Tại Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng". Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 20-4-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XII, khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể".
           Để giảng dạy lý luận chính trị gắn với nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngoài việc sử dụng phương pháp giảng truyền thống, theo tôi cần đổi mới và sử dụng phương pháp giảng cơ bản sau:
          Một là, sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với chứng minh bằng thực tiễn. Có thể khẳng định rằng đối với việc giảng dạy lý luận chính trị thì việc sử dụng phương pháp thuyết trình không thể thiếu trong một buổi giảng, để buổi giảng thêm sinh động có chất lượng việc người giảng phải chứng minh hay lấy những ví dụ cụ thể để lý giải cho vấn đề thuyết trình cũng có vai trò quan trọng, giúp cho học viên hiểu sau hơn vấn đề cần trình bày, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ví dụ khi ta trình bày về nguyên lý về mối liên hệ phổ biến trong triết học Mác-Lênin, chúng ta có thể đặt ra vấn đề đối với học viên như, hiện nay có quan điểm cho rằng vấn đề chống tham nhũng của Đảng ta thực chất là cuộc đấu đá của các phe cánh nhằm tranh giành quyền lực, anh chị suy nghĩ như thế nào vấn đề trên? Qua phần trả lời của học viên thì giảng viên cần tóm lại và khẳng định việc Đảng ta tăng cường công tác chống tham nhũng là vấn để quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tùy vào giai đoạn lịch sử cụ thể khác nhau thì việc chống tham nhũng cũng khác nhau, hiện nay vấn đề tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được xem là “quốc nạn” cho nên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa trong vấn đề này. Cho nên, không phải hiện nay Đảng ta tăng cường công tác phòng chống tham nhũng là đấu đá phe cánh để tranh giành quyền lực.
          Hai là, sử dụng phương pháp tình huống trong quá trình giảng dạy lý luận cũng là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo trong quá trình tiếp nhận tri thức, nâng cao kỹ năng vận dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong công việc. Vận dụng phương pháp này để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của lực lượng thù địch nhằm bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng. Trong giảng dạy lý luận chính trị, mục tiêu quan trọng nhất hướng tới là người học có khả năng vận dụng một cách sáng tạo những vấn đề lý luận đó vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể trong cuộc sống và công việc.
         Để sử dụng phương pháp này đòi hỏi người giảng viên phải chuẩn bị thật kỹ các tình huống, tình huống đó vừa mang tính thời sự, vừa mang tính phản bác, tình huống có nhiều mâu thuẫn… giảng viên có thể lựa chọn những tình huống được nêu hàng ngày thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, báo chí  để trao đổi với học viên, giúp cho học viên tăng thêm kiến thức và vận dụng tốt kiến thức lý luận vào thực tiễn để giải quyêt các vấn đề đặt ra, các tình huống đó gắn với việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ví dụ, khi giảng về Chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên có thể dùng tình huống như: có ý kiến cho rằng: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội của Việt Nam từ Cương lĩnh năm 1991 đến Cương lĩnh năm 2011 của Đảng ta chẳng qua là thay đổi câu chữ, chưa có sự thay đổi về chất”. Điều này chứng tỏ Đảng ta vẫn đang mơ hồ về chủ nghĩa xã hội.Ý kiến của đồng chí như thế nào? Qua tình huống trên cho học viên thảo luận, trao đổi và cuối cùng giảng viên chốt lại vấn đề, khẳng định thực tế đã chứng minh, quá trình đổi mới nhận thức của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên xây dựng CNXH là hoàn toàn đúng đắn, mang lại những thành tựu to lớn. Ý kiến: “Nhận thức về chủ nghĩa xã hội của Việt Nam từ Cương lĩnh năm 1991 đến Cương lĩnh năm 2011 của Đảng ta chẳng qua là thay đổi câu chữ chưa có sự thay đổi về chất” là hoàn toàn sai.
           Ba là, sử dụng phương pháp trao đổi, thảo luận.
Hiện nay, để phát huy tốt vai trò của phương pháp trao đổi, thảo luận đối với giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị vấn đề đặt ra là giảng viên cần phải thay đổi cách lựa chọn nội dung cho việc thảo luận, thay vì sử dụng câu hỏi có trong giáo trình, giảng viên có thể dùng những câu hỏi có nội dung mang tính thời sự hoặc câu hỏi có nội dung gợi ra sự tranh luận nhằm thu hút sự chú ý, phát huy tính tích cực của học viên, khắc phục sự nhàm chán, đơn điệu của giờ thảo luận. Đặc biệt, những câu hỏi thảo luận gắn liền với các chủ đề liên quan đến công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của lực lượng thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một mặt tạo ra được những nội dung mới, hấp dẫn, một mặt góp phần vào việc tuyên truyền, định hướng, trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của lực lượng thù địch. Những câu hỏi đó phải rõ ràng, ngắn gọn, rành mạch phù hợp, liên quan đến nội dung của bài học, phù hợp với học viên. Ví dụ, Có ý kiến cho rằng hiện nay điều kiện kinh tế và xã hội ở các nước tư bản phát triển được cải thiện rất nhiều so với ở các nước đi theo con đường XHCN, chứng tỏ CNTB là ưu việt? Sau khi học viên thảo luận xong, giảng viên cần phải chốt lại vấn đề để học viên hiểu rõ hơn, khẳng định các nước TBCN phát triển đã có được những thành tựu phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ kéo theo những cải thiện nhất định về điều kiện sống của người dân nhưng không thể khẳng định CNTB ưu việt bởi: mâu thuẫn nội tại cố hữu trong xã hội TBCN biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn lợi ích cơ bản đối lập giữa GCTS và GCCN. Xã hội TBCN là xã hội bất công, bóc lột lao động - chiếm đoạt giá trị thặng dư. Đặc biệt khi CNTB phát triển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn vốn có phát triển ngày càng gay gắt và phức tạp. CNTB đã có những điều chỉnh về QHSX nhằm tồn tại và phát triển, tuy nhiên không thể giải quyết được mâu thuẫn nội tại ngày càng gay gắt. Dự báo xu hướng vận động, phát triển của chủ nghĩa tư bản độc quyền giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Đối với các nước đi theo con đường XHCN: Xây dựng chế độ XHCN là nhiệm vụ khó khăn, chưa từng có tiền lệ, mang tính khoa học, có tính quy luật, đòi hỏi thời gian, nguồn lực, sự lãnh đạo chính trị đúng đắn và các điều kiện không thể thiếu khác. Sẽ sai lầm khi chỉ nhìn vào bề ngoài những gì đang có ở các nước tư bản phát triển để so sánh, đánh giá tính ưu việt của chế độ TBCN so với chế độ XHCN. Chỉ có bằng sự phân tích sâu sắc, toàn diện, bằng cách nhìn công bằng, lịch sử mới thấy được nguồn gốc, bản chất của sự giàu có của các nước tư bản phát triển, mới thấy hết được những thành công và đóng góp to lớn của CNXH cho sự phát triển của nhân loại và tiến bộ xã hội.
            - Công tác cập nhật kiến thức:
 Công tác cập nhật kiến thức đối giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay được xem là công việc thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo mọi kiến thức truyền đạt đến học viên một cách khoa học nhất, vừa đảm bảo tính kinh điển, tính kế thừa và tính thời đại. Cho nên, việc sử dụng kiến thức trong các tác phẩm kinh điển, trong giáo trình thì công tác cập nhật kiến thức mới luôn đóng vai trò quan trọng. Việc cập nhật kiến thức mới luôn được chú trọng là những vấn đề của chủ nghĩa Mác – Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị thì việc đưa tinh thần nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào bài giảng là một yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa trong việc tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, giảng viên và học viên, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Đại hội XIII - kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của hơn 5 triệu đảng viên và gần 100 triệu nhân dân Việt Nam đã đưa ra một hệ thống tư duy, quan điểm mới mẻ, đúng đắn liên quan đến các vấn đề hệ trọng nhất của quốc gia dân tộc trong thời kỳ mới. Trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong những năm tới, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta, đòi hỏi phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái. Đây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Đại hội XIII xác định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”[4].
            Ngoài việc, cập nhật kiến thức trong chương trình mới, cập nhật nghị quyết của Đảng thì việc lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng cũng có vai trò hết sức quan trọng của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, chống lại các luận điệu sai trái, tư tưởng phản động của các thế lực thù địch thông qua các bài giảng của mình. Ví dụ, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân do nhân dân làm chủ. Có một số quan điểm cho rằng chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức, vì vậy muốn đạt tới một nền dân chủ đích thực phải thi hành chế độ đa đảng. Anh chị phản biện lại quan điểm trên? Ở vấn đề trên chúng ta phải khẳng định rằng, dựa trên cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn, chúng ta khẳng định: Ở Việt Nam hiện nay không cần và không chấp nhận chế độ đa đảng. Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng cho đến ngày hôm nay, Đảng luôn cùng nhân dân vượt qua những khó khăn, thử thách và đến ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa đất nước ta ngày càng phát triển, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, quyền của người dân được khẳng định trong Hiến pháp, trong pháp luật và trong các Văn kiện của Đảng. Qua đó để khẳng định quan điểm nêu trên là sai lầm, không đúng với sự thật.
         - Tham gia viết bài trên các báo, trang tuyên truyền chính thống, các cuộc thi viết chính luận liên quan đến vấn đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay tham gia viết bài trên các tạp chí khoa học, thông tin tuyên truyền chính thống và các cuộc thi chính luận liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản các các quan điểm sai trái lực lượng thù địch được xem như là nhiệm vụ bắt buộc, cấp thiết, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Qua đó, góp phần vào sự thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng ta liên quan đến công tác bảo vệ nền tả tư tưởng của Đảng.
          Thông qua việc tham gia viết bài khoa học, cuộc thi viết chính luận nhằm lan tỏa ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, đội ngũ giảng viên ở các trường Chính trị học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bài viết, tăng cường tự đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giảng viên về viết chính luận, nghiên cứu lý luận sắc bén nhằm vừa góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong thời gian tới.
           Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc quan tâm đến vấn đề đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, sẽ góp phần vào sự thắng lợi chung của Đảng ta trên công tác mặt trận tư tưởng, công tác bảo vệ Đảng đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta./.
 

[1]. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập. Nxb, Chính trị quốc gia, tr.259.
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H.2011, tr.273.
[3]. C.Mác-Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H.1995, t4, tr.596.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr.187.
 

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Kim Dự

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay8,088
  • Tháng hiện tại85,655
  • Tổng lượt truy cập8,612,719
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây