MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN

Thứ bảy - 24/09/2022 05:00 1.295 0
Thời gian qua, xuất hiện một số luận điệu cho rằng cần phải “xóa bỏ” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Đây là mưu đồ vô cùng tinh vi nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, triệt tiêu lực lượng cách mạng
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024), Ảnh: TTXVN
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024), Ảnh: TTXVN
            Một trong những thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch trong  quá trình chống phá cách mạng nước ta đó là kêu gọi xóa bỏ điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức xóa bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, càng kêu gào, phủ nhận…thì các thế lực thù địch lại càng cay đắng nhận ra rằng: Uy tín và vị thế của Đảng Cộng sản Vệt Nam ngày càng được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và giữ vững! Chính vì thế, chúng cố gắng loay hoay chuyển hướng, mở rộng phạm vi tấn công, đó là đòi xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. 
             Với các luận điệu như “Hình thức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội chỉ phù hợp trong thời kỳ chiến tranh, hiện nay đất nước đã hòa bình thì không còn phù hợp”; “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội không giúp ích gì cho sự phát triển của đất nước trong khi bộ máy cồng kềnh tiêu tốn ngân sách”; chúng so sánh một cách khập khiễng “các nước không có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội nhưng vẫn giàu, mạnh”…từ đó kêu gọi xóa bỏ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội hoặc đòi chuyển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội thành các “tổ chức dân sự” để “đỡ gánh nặng ngân sách” v.v…
Thực chất, đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cần đấu tranh loại bỏ.
            Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng thực hiện âm mưu “chia để trị” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, làm suy yếu sức mạnh dân tộc ta. Vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi thành phần, lực lượng của dân tộc trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, với cơ sở là liên minh công - nông - trí để “tìm kiếm bạn đồng minh cho giai cấp công nhân”, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp cách mạng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hết sức vĩ đại, nhưng chưa có tiền lệ nên vô cùng khó khăn, gian khó. Bên cạnh đó, sự tấn công, phá hoại, cản trở của các phần tử phản cách mạng, các thế lực thù địch, cùng với những di chứng nghèo nàn, lạc hậu của một xã hội thực dân - phong kiến, sự tàn phá của các cuộc chiến tranh… đòi hỏi Đảng cần có đường lối cách mạng đúng đắn và một lực lượng cách mạng đông đảo, trung thành.
             Những thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ và công cuộc đổi mới đã chứng tỏ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, cũng là minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách Mặt trận của Đảng. Sự ra đời của Mặt trận và các đoàn thể ngay trong giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam đã giải quyết được bài toán “xây dựng, củng cố lực lượng cách mạng” cho Đảng. Nhờ sự tuyên truyền, vận động sâu rộng của Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đã hiểu, tin và đi theo Đảng để làm cách mạng. Qua các phong trào cách mạng nổi bật như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng”,  “Ba sẵn sàng” của Thanh niên, “Ba đảm đang” của Phụ nữ…, Đảng đã tập hợp được lực lượng cách mạng đông đảo, nhiệt thành, luôn ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ Đảng trong mọi tình huống, hăng hái tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối do Đảng đề ra, góp phần giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta.
             Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình độc lập, cách mạng nước ta bước sang thời kỳ mới. Công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập của đất nước đã gặt hái được những thành tựu to lớn trên mọi mặt. Tuy vậy, những nhiệm vụ cách mạng mới mẻ đầy khó khăn trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước xã hội chủ nghĩa cần huy động một cách tối đa sự đồng lòng, đồng sức của các tầng lớp nhân dân, từ nam, phụ đến lão ấu; từ các dân tộc đến các tôn giáo; từ đồng bào trong nước đến kiều bào trên khắp thế giới...Trong số ấy, có rất nhiều người đã và đang ngày đêm học tập, lao động nghiên cứu, sáng tạo ra những giá trị tốt đẹp, góp phần làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Tên tuổi của họ được vinh danh, được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, có hàng triệu người khác cũng đang âm thầm, lặng lẽ cần mẫn tham gia vào các phong trào cách mạng: từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến “Năm không, ba sạch” của Hội liên hiệp Phụ nữ, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...Những đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp cách mạng thông qua tổ chức của mình trên tinh thần “lấy sức dân để chăm lo cho dân” đã cho thấy vai trò quan trọng, không thể thay thế của Mặt trận và các đoàn thể trong giai đoạn hiện nay. 
            Mỗi quốc gia, dân tộc có những hoàn cảnh lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đặc thù và quyền tự do lựa chọn con đường phát triển của mình. Không ai có quyền “nhân danh” hay “đại diện” cho các giá trị chung chung để đòi bác bỏ tình cảm, niềm tin và sự lựa chọn lịch sử của dân tộc Việt Nam, đó là đi theo Đảng, là tập hợp, đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào cách mạng do Mặt trận và các đoàn thể khởi xướng. Trong quá trình hoạt động, có lúc, có việc Mặt trận và các đoàn thể vẫn còn hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện. Đó là thực trạng cần thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục. Những nỗ lực không ngừng nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể làm cho hoạt động Mặt trận và doàn thể ngày càng đi vào chiều sâu, chạm đến những vấn đề nan giải, cấp thiết trong cuộc sống của nhân dân cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng Mặt trận và các đoàn thể xứng đáng là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
             Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhưng quần chúng nhân dân cần phải được tập hợp lại, đoàn kết lại và dẫn dắt bởi các tổ chức phù hợp để họ được bồi dưỡng, phát triển và cống hiến, vì lợi ích của chính bản thân họ, và của cách mạng. Đó chính là lí do của sự ra đời, tồn tại và phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà không thế lực nào có thể phủ nhận và bác bỏ được!./.















 

Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay3,161
  • Tháng hiện tại129,172
  • Tổng lượt truy cập7,506,921
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây