Đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta hiện nay

Thứ năm - 12/08/2021 12:11 45.427 0
Tôn giáo là một trong những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã. Tôn giáo đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ ngĩa xã hội. Giải quyết vấn đề tôn giáo nhằm tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Các quyền này đã được nêu rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của nhà nước Việt Nam, trong đó có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam. Một số nước vẫn còn có các nhóm người công khai, lợi dụng vấn đề tôn giáo, can thiệp thô bạo đến công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, hàng năm có hàng chục phái đoàn vào “tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam”, trong đó vẫn có những nhân vật lợi dụng hoạt động này để nắm bắt tình hình, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá Việt Nam. Trong cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế” hằng năm, họ thường xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có những thông tin cố tình làm sai lệch và phản ánh không đúng tình hình như ở Tây Nguyên mấy năm trước và một số địa phương trong những tháng đầu năm nay.
* Những phương thức chủ yếu của bọn đế quốc trong việc lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng.
Thứ nhất, chúng tìm mọi cách để đưa giáo hội vào các cuộc chiến chính trị.
Một mặt chúng thúc giục các giáo hội ủng hộ các đảng phái đồi lập hoạt động chống Ðảng Cộng Sản. Mặt khác thông qua hoạt động của các đảng phái đối lập để lôi kéo, tập hợp, kích động các chức sắc, giáo sĩ, tín đồ chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, xúi giục các giáo hội đòi lập khu tôn giáo tự trị.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn đế quốc chú trọng đến việc xây dựng các khu tôn giáo tự trị ngay trên lãnh thổ các nước xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn ở Trung quốc, đã một thời xuất hiện khu tự trị Phật Giáo Tây Tạng.
Mục đích của việc hình thành các khu tự trị tôn giáo này là:
- Tăng thêm tính độc lập của giáo hội đối với nhà nước.
- Tạo thế và lực cho giáo hội hoạt động chống nhà nước.
- Tạo cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động can thiệp trực tiếp khi giáo hội yêu cầu.
Thứ ba, khơi dậy, khoét sâu những mâu thuẫn, những vấn đề tôn giáo và dân tộc; kích động các cuộc chiến tranh mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc, làm suy yếu tiến tới làm sụp đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay và trong thời gian tới, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã, đang và sẽ tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ mọi mặt để phát triển đạo trong các vùng dân tộc ít người, bao gồm cả phát triển các đạo giáo mới và cả số người theo đạo, biến các tổ chức và hoạt động tôn giáo thành các tổ chức và hoạt động chính trị chống lại cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nhân dân thấy rõ âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch
Trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo, từ thực trạng vấn đề tôn giáo trong lịch sử thế giới và ở nước ta, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam như sau:
Một là, ra sức tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch đồng thời tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật, hình thành chủ nghĩa vô thần cho toàn dân mà trực tiếp là đồng bào các dân tộc theo đạo.
Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, tổng hợp. Trước hết, cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng thừa nhận rằng: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân còn tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; tôn giáo có những giá trị văn hóa đạo đức phù hợp với chế độ mới; Đảng và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh của quần chúng; tuyên truyền cho đồng bào hiểu rõ: chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề tôn giáo không có mục đích nào khác là nhằm thúc đẩy quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng (trong giai đoạn hiện nay là thúc đẩy toàn diện quá trình đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh) được củng cố và tăng cường.
 Hai là, triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời hết sức quan tâm giải quyết một số vấn đề bức xúc về kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào theo đạo.
Hiện nay, nhiệm vụ chính trị trọng đại của cả dân tộc ta lúc này là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Trên tiền đề có đường lối đúng, việc phát huy cho được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có gần một phần tư dân số theo 6 tôn giáo lớn là một động lực mạnh nhất của quá trình phát triển để đạt mục tiêu vừa nêu. Việc giải quyết vấn đề tôn giáo phải góp phần phục vụ cho nhiệm vụ chính trị căn bản đó.
Trong những năm trước mắt, liên quan tới vấn đề vừa nêu, cần đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh đô thị hoá. Bởi lẽ, một khi đời sống mọi mặt đồng bào được bảo đảm, thì dù thế lực thù địch bên trong và bên ngoài có muốn gây rối bằng việc lợi dụng vấn đề tôn giáo của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo cũng không thể thực hiện được.
Ba là, củng cố và từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, dân tộc, cán bộ an ninh, cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Đây là điều kiện bảo đảm nắm được quần chúng đồng thời làm nòng cốt cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, giáo dục cảm hoá, cải tạo những phần tử xấu, trừng trị những kẻ lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để hoạt động trái pháp luật, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
 Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở còn phải chú trọng chất lượng cán bộ làm công tác an ninh, công tác tôn giáo, dân tộc, hướng vào đối tượng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Ở cấp cơ sở cơ bản không có cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo, cán bộ kiêm nhiệm không ổn định; họ thiếu thông tin, nhiều người chưa nắm vững nội dung các văn bản của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo. Sự yếu kém, hẫng hụt từ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo hiện nay có thể nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của công tác này. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo của hệ thống chính trị, trước hết cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ đang làm công tác này. Mấy năm nay, trong sự phối hợp của các đơn vị làm công tác tôn giáo, nhiều loại lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo và công tác tôn giáo được mở cho hàng ngàn cán bộ ở các cấp, ngành, các đoàn thể. Đây là một chuyển biến lớn, góp phần nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho toàn hệ thống chính trị.
Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác phòng, chống và giải quyết “điểm nóng”, biểu tình, bạo loạn.
Phải tôn trọng các tôn giáo có tư cách pháp nhân, tranh thủ giáo sĩ, thực lòng quan tâm đến đồng bào các tôn giáo, dân tộc để vận động đồng bào tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đối với đồng bào không theo tôn giáo thì giáo dục để giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện các hình thức tín ngưỡng truyền thống, làm vô hiệu hoá hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Đối với những người thực sự có nhu cầu theo tôn giáo, cần giáo dục để đồng bào hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.
 Đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là một yêu cầu khách quan, cấp thiết đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Vì vậy, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, quân dân cả nước tiếp tục luôn nêu coo cảnh giác, tuyền truyền, tích cực đấu tranh chống các thế thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta, góp phần tích cực bảo vệ và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.

 

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Xuân Quyền

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay2,409
  • Tháng hiện tại100,049
  • Tổng lượt truy cập8,403,776
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây