Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị - Một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Chủ nhật - 13/09/2020 23:54 3.686 0
      Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
      Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trên tinh thần đó Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 38 KH/TCT ngày 25 tháng 10 năm 2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kế hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều nhóm giải pháp từ tuyên tuyền, nghiên cứu khoa học, đến giảng dạy và học tập…Nhờ vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng có chuyển biến tích cực. Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị Bình Phước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
     1. Kết quả nâng cao chất lượng giảng dạy thời gian qua được xem xét trên một số mặt cơ bản như:  
      Thứ nhất, mục tiêu giảng dạy: xác định rõ mục tiêu tăng cường kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể hóa việc lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị vào nội dung chương trình của các phần học ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng một cách phù hợp.
      Thứ hai, Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; đã kịp thời quán triệt vào trong chương trình giảng dạy nội dung các Nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 
      Thứ ba, Từ yêu cầu làm rõ giá trị lý luận từng nội dung bài, tính thực tiễn trong mỗi bài giảng cũng được khai thác một cách có chọn lọc, đúng theo đối tượng, chủ đề tránh trùng lắp. Đặc biệt phần phản biện và đấu tranh tư tưởng được thảo luận, cân nhắc, và thống nhất ở một mức độ nhất định cho mỗi nội dung được chọn sinh hoạt chuyên môn.
      Thứ tư, ngoài nội dung giảng dạy trên lớp thì việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận còn được thực hiện trong việc xây dựng câu hỏi, tình huống phục vụ thảo luận, thi hết phần, thi tốt nghiệp.
      
Thứ năm, Các khoa đã bổ sung các nhiệm vụ nghiên cứu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của khoa. Mỗi giảng viên có điều kiện thể hiện quan điểm chuyên môn, ý kiến phản biện trong nội dung bài giảng, qua đó có thể trao đổi, bổ sung, học hỏi lẫn nhau.
      2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn số một tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chất lượng và hiệu quả giảng dạy còn thấp so với yêu cầu mới; nội dung giảng dạy còn nặng tính lý luận, tính thực tiễn chưa cao; tính phản biện thể hiện còn mờ nhạt. Kết quả học tập chưa cao, tỷ lệ học viên đạt loại giỏi còn ít, mà phần lớn xếp loại trung bình.
     3. Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
      Một là, Cần có sự thống nhất về mặt nhận thức về tiêu chí và cách thức triển khai đánh giá chất lượng giảng dạy gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
      Để đạt mục đích của chương trình giảng dạy, đòi hỏi phải thực hiện sự đổi mới đồng bộ tất cả các khâu từ thống nhất cách soạn bài, giảng bài, đánh giá giáo án, giờ giảng; đến việc thảo luận, xây dựng đề thi, tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập. Trước hết cần có chỉ đạo về chuyên môn trong việc thống nhất nội dung cốt lõi, cơ bản cần giảng dạy trên lớp, những nội dung yêu cầu học viên tự nghiên cứu, học tập trong mỗi bài. Có như vậy mới phù hợp giữa nội dung kiến thức và thời gian phân bổ cho phần đó.
      Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tư duy phản biện (TDPB)
      Bản chất đích thực của TDPB là kỹ năng suy nghĩ giúp sản sinh kỹ năng phân tích, đánh giá, tranh luận và biện giải thông tin, tri thức nhằm tìm ra một kết luận, một quyết định hoặc giải pháp phù hợp để tin hay để làm.
Đối với giảng viên lý luận chính trị, tư duy phản biện và phát triển tư duy phản biện có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Tư duy phản biện là phẩm chất cơ bản trong nhân cách của giảng viên lý luận chính trị, có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển năng lực sư phạm và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, người dạy cần phải được trang bị TDPB và sau đó chính họ triển khai phương pháp giảng dạy của mình bằng TDPB sau đó lan tỏa đến người học. Người dạy thiếu TDPB mà người học có TDPB thì chẳng những không có lợi mà còn dễ sinh ra xung đột giữa người dạy và người học. Về nguyên tắc, người dạy chỉ có thể yêu cầu người học sử dụng TDPB sau khi người dạy triển khai phương pháp giảng dạy của mình bằng TDPB. Khi người dạy nhận thức chính họ là người cần có TDPB trước tiên thì họ mới có đủ dũng khí để cho phép người học đặt câu hỏi mà không có cảm giác đó là hành vi “cãi lại” hay “chống đối” của người học. Để phát huy tinh thần phản biện để bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng, đâu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của cac thế lực thù địch thì bản thân mỗi giảng viên cần được bồi dưỡng và thực hiện được TDPB trong giảng dạy.
     Thứ ba, Phát huy vai trò của các Khoa trong việc chủ động tổ chức sinh hoạt chuyên môn thường xuyên hơn nữa
     Sinh hoạt chuyên môn tổ chức từ phạm vi ở khoa hoặc có thể phối hợp với các khoa, phòng khác nhằm hướng đến giải quyết những vấn đề chuyên môm chung như thống nhất về cách thức soạn giáo án giảng bài, hay giáo án thảo luận. Bố trí thời gian thích hợp cho hoạt động sinh hoạt chuyên môn được thực hiện thường xuyên. Hình thức và cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn cần linh hoạt, trước hết có thể đơn giản là việc thống nhất nhận thức về việc thực hiện một nội dung, một đơn vị kiến thức nhất định trong chương trình giảng dạy mà khoa quản lý, đến việc thảo luận về định hướng tuyên truyền vận dụng thông tin thời sự trong bài giảng, đến cách khai thác, truyền đạt những nội dung có gần nhau hoặc trùng lắp…
Sinh hoạt chuyên môn cần được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng và mang tính thời sự nhằm giúp giảng viên cập nhật thông tin, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là một giải pháp hữu ích rất cần đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
     Thứ tư, Đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên
     Đánh giá kết quả học tập của học viên là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hoạt động giảng dạy. Không có đánh giá thì không thể biết được việc học, việc giảng dạy xảy ra như thế nào và những kết quả thu được có phù hợp, có đạt được mục tiêu đề ra hay không.
     Việc tiến hành kiểm tra, đánh giá môn học có thể được thực hiện ngay từ khi môn học đã kết thúc thi hết phần. Đánh giá thường xuyên để có thông tin phản hồi từ việc học, kết quả  của cả quá trình dạy và học, qua đó có những điều chỉnh thích ứng từ cả 2 phía nhằm hướng đến mục tiêu chung cải thiện chất lượng dạy và học. Hiện nay ngoài số lượng điểm kiểm tra và thi hết phần theo qui định của Học viện thì điểm kiểm tra, điểm thi là cơ sở để đánh giá chất lượng học tập của học viên.     Điều này có nghĩa là sau khi hoàn thành khâu chấm bài  học phần là giảng viên hết trách nhiệm, là hoàn thành xong phần giảng dạy của mình đối với một lớp học. Học viên đạt điểm từ 5 trở lên cũng không cần biết đến môn học đó nữa. Những học viên chỉ đạt điểm dưới 5 thì phải thi lại, nếu thi lại vẫn không đạt thì phải học lại. Như vậy, ý nghĩa của việc kiểm tra, đánh giá là giảng viên và học viên cần sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy và học của mình chưa được khai thác, sử dụng. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động đánh giá kết quả học tập của học viên tại trường cần có sự xem xét và điều chỉnh theo hướng bổ sung hình thức kiểm tra kết hợp điểm danh hoặc kiểm tra dưới dạng bài tập về nhà sau khi đã học được ½ thời lượng môn học, phần học. Trên cơ sở kết quả đó giảng viên mới có cơ sở phản hồi lại cho học viên những lổ hổng kiến thức để học viên có kế hoạch bổ sung, khắc phục.
     Chương trình Trung cấp LLCT-HC vốn rất đặc thù, đối tượng học cũng rất đặc thù, đa dạng về trình độ, lứa tuổi và tâm lý,… Do đó, đề thi cần đa dạng, có thể sử dụng nhiều hình thức thi khác nhau, từ vận dụng mang tính phân tích, tổng hợp, giải quyết tình huống đến vấn đáp, trắc nghiệm, trả lời ngắn, tự luận … Hiện nay, ngân hàng đề thi của Trường cơ bản đã đủ các loại, tuy nhiên sử dụng phổ biến nhất là thi tự luận với loại đề mở có 2 câu cho mỗi đề thi. Vì vậy tính phân hóa điểm cơ bản củng chưa cao. Cần sử dụng nhiều hơn về số lượng và đa dạng hơn về loại câu hỏi từ dễ đến khó hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đối với đề thi “mở”- học viên được dùng tài liệu thì đáp án cũng phải được xây dựng trên tinh thần mở, không cụ thể đến từng chi tiết 0.25 điểm như yêu cầu hiện nay, nghĩa là đáp án chỉ đánh giá ở dạng đề cương và phải dành cơ cấu điểm cho phần vận dụng sáng tạo. Cơ cấu điểm cho phần vận dụng phải chiếm khoảng 40 - 50% tổng số điểm và cần chia làm nhiều mức khác nhau: vận dụng có ý nghĩa thiết thực, sáng tạo.
     Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết – giải pháp quan trọng thiết thực góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong những giải pháp cơ bản trên thì sự quan tâm đúng mức của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, của lãnh đạo các phòng, khoa về giảng dạy cũng như việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quyết định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ninh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay7,285
  • Tháng hiện tại182,336
  • Tổng lượt truy cập9,144,698
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây