Việt Nam thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa không chấp nhận đa nguyên, đa đảng

Chủ nhật - 20/06/2021 00:31 12.258 0
Bước ngoặt của cách mạng Việt Nam được đánh dấu từ khi có Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhận thức rõ về vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bác bỏ nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng.
     Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đưa ra rất nhiều luận điệu xuyên tạc của chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống Đảng, Nhà nước ta như: “Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ”, “không có dân chủ trong chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền”... Đó là những luận điệu phản khoa học nhằm  “tấn công trực diện”, thường xuyên vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích của các thế lực thù địch là thông qua hoạt động phá hoại tư tưởng để tác động, nhằm thay đổi nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào tính tất yếu về sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ đó lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào con đường chống lại Đảng, hình thành nên các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập tại Việt Nam, tiến tới thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng.
      Có thể thấy rằng, đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Với những người có nhận thức chính trị không vững vàng có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi luận điệu này, từ đó cổ súy cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Việc nhận diện đầy đủ và đấu tranh phản bác, thuyết phục, vạch rõ những điểm giả dối, phản cách mạng, phản khoa học trong luận điệu “đa nguyên, đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển” là vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Để đấu tranh, phê phán luận điệu sai trái đó chúng ta cần nắm rõ các luận cứ sau:
      Thứ nhất, Việt Nam hiện nay không cần thiết phải thực hiện đa nguyên chính trị đa đảng đối lập.
      Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý nguyện của toàn thể nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vừa tuân theo quy luật chung, vừa tuân theo quy luật lịch sử đặc thù của Việt Nam, giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
 Giai đoạn từ 1930-1945, lịch sử Việt Nam chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản chứ không có bất kỳ tổ chức, đảng phái chính trị nào lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của  Đảng Cộng sản Việt Nam.
      Đến năm 1946, do bối cảnh tình hình chính trị lúc đó, tại Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản, xuất hiện thêm hai đảng khác là Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng  Minh Hội. Tuy nhiên, về thực chất lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản, còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách “theo đuôi Tưởng” không hề đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự xuất hiện và rút lui của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân đã bị  lịch sử dào thải. Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Thật vậy, Việt Nam đã từng có chế độ đa đảng, nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ định chế độ đó.
      Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả được lịch sử giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ nevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối vào ngày 30/4/1975. Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (từ 1986 đến nay) đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngay từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trung thành với lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Đây là sự lựa chọn của lịch sử
      Thực tế đã khẳng định: Ở Việt Nam, không có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
     Thứ hai, Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với sẽ có dân chủ và phát triển.
     Dân chủ là phạm trù lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật quy định, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa trong từng giai đoạn. Mỗi nước có những đặc thù về trình độ phát triển về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa khác nhau, do đó có nền dân chủ khác nhau. Chính những điều kiện đó quy định dân chủ không phải là do cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng. Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn.
      Thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ, với việc sẽ đưa đất nước phát triển. Thực tiễn, nhiều nước đã chứng minh rằng, có những nước đa đảng nhưng vẫn thuộc loại nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là nước rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc. Điều đó có nghĩa là đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho sự phát triển. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ không phải là đa đảng hay một đảng lãnh đạo mà quan trọng nhất đó là tính chính danh, là đường lối lãnh đạo đúng đắn của đảng cầm quyền.
     Hơn nữa, trong xã hội hiện đại, tương ứng với mỗi mô hình kinh tế, xã hội, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc họ sẽ lựa chọn thể chế chính trị phù hợp với quốc gia dân tộc đó như: ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, điển hình là nước Mỹ, mặc dù là quốc gia đa đảng, nhưng thực sự chỉ có hai đảng luân phiên cầm quyền là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ; Chế độ chính trị của Trung Quốc theo mô hình nhất nguyên, đa đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất cầm quyền; hay Singapo là nước phát triển ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trên thực tế Đảng hành động nhân dân (PAP) cầm quyền trong suốt 60 năm qua. Với cơ cấu tổ chức: Tổng bí thư đảng luôn giữ chức thủ tướng, ban chấp hành trung ương Đảng cũng là thành viên nội các. Các “đảng đối lập” luôn chỉ dành được số ghế không quá 06 trong các kỳ bầu cử thành viên nghị viện vào quốc hội. Trên thực tế, Singapor vẫn là một đảng lãnh đạo từ khi lập quốc.
      Như vậy, mức độ dân chủ hay không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền: Đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của ai và phục vụ, bảo vệ quyền và lợi ích cho số đông hay số ít trong xã hội. Cho nên, ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nhưng nếu đảng cầm quyền đó đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn các quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội.
     Và như đã khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đưa đất nước ngày càng phát triển, người dân cả nước đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, dân chủ vẫn đang được mở rộng và nhân quyền của người dân luôn được đảm bảo. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là một trong những minh chứng điển hình cho vấn đề Việt Nam có dân chủ và nhân quyền.
      Thứ ba, Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao thực hành dân chủ.   
      Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng tốt hơn. Dân chủ đã được Bộ Chính trị cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã , phường, thị trấn. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” được thực hiện tốt hơn.
      Thực hành dân chủ ngày càng tốt hơn. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế được mở rộng. Các chủ thể kinh tế được tự do sản xuất, kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là thành tựu lớn nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị được thực hiện tốt hơn và có những bước tiến nổi bật. Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã và đang tiếp tục được đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp) ngày càng được coi trọng. Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa và xã hội có những kết quả quan trọng; Công tác đối thoại, tiếp công dân, đơn khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được tăng cường hơn trước; đặc biệt, dân chủ trong hoạt động lý luận khoa học đã có bước tiến, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tranh luận, thảo luận và phát huy năng lực sáng tạo của mình, đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
       Thứ tư, xã hội ổn định bền vững và sự tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo – đây là vấn đề cốt lõi của bất kỳ quốc gia nào.
      Việt Nam hiện nay, dưới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang đáp ứng tốt vấn đề này. Với chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam có điều kiện để giữ vững ổn định chính trị, được đánh giá là một trong những nước có sự ổn định chính trị cao trên thế giới. Đây là một điểm sáng và là yếu tố quan trọng trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiếm khi xảy ra bất ổn chính trị hay khủng bố, bạo loạn đường phố, đây là điều thường xảy ra ở quốc gia đa đảng do sự cạnh tranh quyền lực.
      Chính trị luôn ổn định, an ninh giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được  nâng cao, trong những năm qua tỷ lệ hộ nghèo  đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 và tiếp tục xuống dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
      Đến nay, khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Khoảng 70% dân số nước ta sử dụng Internet. Năm 2019, chỉ số phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế.
      Thực tế hiện nay, nhiều nước trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, người dân không được thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. Đây là bài học đã từng diễn ra ở nhiều quốc gia như Thái Lan, U-crai-na, Ai Cập...
      Với những luận cứ nêu trên, chúng ta hoàn toàn khẳng định rằng Việt Nam thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa không cần đa nguyên, đa đảng. Và với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn đất nước chúng ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Tapchicongsan. org.vn. Đặng Viết Đạt: Luận điệu, thù địch xuyên tạc " Không có dân chủ trong chế độ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền" hay trò bịp cổ xúy cho nền dân chủ đa nguyên.
2. Kinh nghiệm xây dựng đồng bộ thể chế của Singapor và những gợi ý cho Việt Nam (Tạp chí  Hội đồng lý luận Trung ương ).

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay7,555
  • Tháng hiện tại182,606
  • Tổng lượt truy cập9,144,968
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây