Nhận diện và đập tan âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc ở tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ

Thứ năm - 10/02/2022 03:43 1.615 0
Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có đường biên giới trên đất liền với Campuchia dài nhất cả nước; đây còn là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nơi đây là nơi cư trú của 41 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ lớn (hơn 19,6%). Vị trí địa lý và đặc điểm dân cư đã tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong đó có cả những thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức đặc biệt là vấn đề lợi dụng địa bàn và vấn đề dân cư, dân tộc để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam (tranh lụa của họa sĩ Trần Minh Thái) _Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam (tranh lụa của họa sĩ Trần Minh Thái) _Ảnh: Tư liệu
      1. Âm mưu và thủ đoạn 
      Đó là âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Bình Phước với các thủ đoạn như xuyên tạc, bịa đặt về mâu thuẫn dân tộc giữa các dân tộc sinh sống lâu đời với các dân tộc đến Bình Phước cư trú, sinh sống sau. Đây là thủ đoạn không mới nhưng cách làm thì ngày càng tinh vi hơn. 
     Trong thời kỳ chiến tranh
     Cuối thế kỷ XIX – đầu XX để phục vụ cho việc khai khẩn đất đai, lao động phục vụ trong các đồn điền cao su, thực dân Pháp và bọn chủ đồn điền đã tiến hành chiêu mộ nhân dân lao động từ khắp mọi miền về đây làm phu cao su. Chính sách thâm độc và quen thuộc của những kẻ xâm lược và cai trị đối với nhân dân thuộc địa là “chia để trị”; chúng đã bịa đặt và rêu rao về “mối thù truyền thống” của người Việt với người “Thượng” nhằm cô lập công nhân với nhân dân địa phương để dễ bề bóc lột và quản lý, không để công nhân và nhân dân liên kết đấu tranh chống lại chúng.
     Trong thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương 
     Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách  để khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa; nhiều quyết sách quan trọng đã được đưa ra, trong đó có chủ trương tiếp tục “xây dựng vùng kinh tế mới” trên quy mô cả nước. Vùng Sông Bé cũ – nơi được xem là rừng thiêng nước độc lại phải gánh lên mình hàng vạn nỗi đau chiến tranh, nhưng với phương châm “san người, sẻ của”, hàng chục vạn nhân dân các vùng Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… náo nức lên đường vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng của khu kinh tế mới. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chống phá lúc bấy giờ đã xuyên tạc, phủ nhận tính đúng đắn của chủ trương, chúng bịa đặt, rêu rao và kích động nhân dân địa phương nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc bị ảnh hưởng quyền lợi kinh tế và đời sống văn hóa… để gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, xáo trộn tình hình chính trị - xã hội.
     Trong giai đoạn hiện nay; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc, giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm gây kỳ thị, chia rẽ các dân tộc, gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên một số hoạt động sau:
     Một là, chúng cố tình sử dụng thuật ngữ “dân tộc bản địa” để chỉ “dân tộc thiểu số” hay “dân tộc cư trú lâu đời” ở Bình Phước để gây mâu thuẫn, thù hằn dân tộc tiến tới là kêu gọi, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tư tưởng ly khai dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
     Hai là, chúng lợi dụng những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào để tổ chức truyền đạo trái pháp luật; khuyến khích đồng bào các dân tộc duy trì tập tục lạc hậu, phản khoa học; đồng thời cổ vũ cho lối sống tư sản trong thanh niên, thiếu niên, từng bước làm băng hoại đạo đức, bản sắc văn hoá dân tộc.
     Ba là, chúng tập trung khai thác, xoáy sâu và thổi phồng những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đặc biệt là các chính sách liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo ở địa phương.
     2. Nhận diện và phản bác
     Những thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đối với việc chia rẽ khối đại đoạn kết dân tộc ở tỉnh Bình Phước qua các giai đoạn khác nhau để đáp ứng những mưu đồ chính trị khác nhau của chúng. Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã chứng minh và ghi lại sự thất bại của những ý đồ xấu xa, hèn hạ đó.
     Trong thời kỳ chiến tranh
     Đảng bộ địa phương đã lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và đập tan âm mưu chia rẽ khối đoàn kết giữa nhân dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số với đội ngũ công nhân cao su; khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau và ý chí đấu tranh chống lại kẻ thù chung của dân tộc. Chỉ sau một thời gian ngắn, đội ngũ công nhân thấu hiểu và yêu thương nhau hơn; công nhân cao su và nhân dân địa phương chia sẽ và giúp đỡ nhau nhiều hơn; số công nhân được nhân dân che dấu, giúp đỡ bỏ trốn khỏi các đồn điền cao su ngày càng cao hơn trước. Điển hình phong trào Phú Riềng Đỏ (đầu năm 1930) ban đầu chỉ có đội ngũ công nhân tham gia sau có thêm đông đảo nhân dân từ làng 1 đến làng 10 tham gia vào cuộc biểu tình.
     Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc thiểu số ở Bình Phước luôn tin tưởng, một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Những chiến công vang dội như: Đồng Xoài rực lửa hay Phước Long kiêu hùng đều có sự đóng góp lớn lao của bà con các dân tộc ở Bình Phước; từ hăng hái tham gia chiến đấu, đến giã gạo nuôi quân hay phá ấp chiến lược, che dấu bộ đội …
hinh 55 1
Đồng bào dân tộc S'tiêng giã gạo nuôi quân (Nguồn: tuyengiaobinhphuoc.org.vn)
      Trong thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương Bình Phước hiện nay
     Thực hiện chính sách “xây dựng vùng kinh tế mới”, từ những ngày đầu gian khổ đã có nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên hy sinh khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, bị sốt rét ác tính…Với truyền thống lao động cần cù, kinh nghiệm, trí tuệ, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực, không quản ngại khó khăn gian khổ, họ đã trở thành lực lượng lao động quan trọng, góp phần cùng nhân dân các dân tộc của Bình Phước xây dựng quê hương mới. Trong quá trình lao động và sinh sống, cộng đồng các dân tộc nhận thức rõ tính phản động của các luận điệu sai trái, ngày càng thắt chặt tình đoàn kết chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh.
     Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện của hệ thống chính trị các cấp ở các địa phương; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng ổn định và phát triển; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền địa phương được củng cố, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng vùng vững chắc vùng biên giới phía Tây của Tổ quốc. Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 12/07/2018 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2020, với gần 137 tỷ đồng thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong Tỉnh. 
     Về thuật ngữ “dân tộc bản địa” là từ ngữ gắn với thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ năm 1945 đến nay, thuật ngữ này chỉ còn dùng trong văn bản lịch sử hoặc trong ký ức, gợi nhớ về quá khứ đau thương của dân tộc ta. Hiện tại trong tất cả các văn bản hành chính và đời sống văn hóa xã hội nước ta không còn sử dụng thuật ngữ “dân tộc bản địa” để chỉ vị thế của người dân hoặc nói về các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
     Tóm lại, việc nhận diện rõ âm mưu, đập tan ý đồ lợi dụng, bịa đặt chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh; đồng thời tăng cường củng cố và xây dựng khối đoàn kết bền chặt, gắn bó để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng quê hương Bình Phước giàu mạnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần kíp trong mọi giai đoạn cách mạng. Để đấu tranh, ngăn ngừa, từng bước vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung: chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về vấn đề đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc. Kịp thời cung cấp thông tin, nắm bắt dư luận xã hội, điều chỉnh và định hướng dư luận trong đồng bào dân tộc thiểu số để phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện diễn biến hòa bình. Đặc biệt là cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy truyền thống tốt đẹp của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh qua các thời kỳ để góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới./.

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay4,790
  • Tháng hiện tại142,614
  • Tổng lượt truy cập8,914,661
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây