ĐẤU TRANH LOẠI BỎ QUAN ĐIỂM SAI TRÁI PHỦ NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Thứ năm - 09/09/2021 06:58 22.868 0
Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Kinh tế tri thức và kinh tế số giúp cho nhiều quốc gia phát triển vượt bậc. Các thế lực thù địch lợi dụng những biến đổi này để tuyên truyền, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Chính vì vậy, có quan điểm sai trái cho rằng, trước sự phát triển của kinh tế tri thức và kinh tế số, giai cấp công nhân bị giảm sút nhiều mặt, nên không còn vai trò lãnh đạo xã hội, vai trò ấy đã thuộc về trí thức.
   Đây là quan điểm sai trái, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ và những biến đổi lớn của xã hội để diễn dịch cho rằng giai cấp công nhân bị giảm sút nhiều mặt, nên không thể lãnh đạo xã hội và rồi quy nạp vai trò lãnh đạo xã hội về cho trí thức. Những luận điệu sai trái này cho rằng trong nền kinh tế tri thức, chỉ có trí thức mới quyết định được trình độ phát triển của đất nước. Trong bối cảnh nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước phát triển và khi kinh tế tri thức càng phát triển thì số lượng trí thức càng tăng, từ đó trí thức giữ vị trí trung tâm của xã hội, lãnh đạo xã hội. Quan điểm này được đưa ra một cách chủ quan mà không dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
   Thứ nhất, về lý luận: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự đẩy mạnh phân công lao động xã hội theo ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số đã làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu giai cấp theo hướng đa dạng và tạo ra không gian rộng mở cho sự phát triển nhiều mặt của giai cấp công nhân với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia công nghiệp hóa. 
   Vai trò của trí thức đối với sự phát triển xã hội là quan trọng, cấp thiết, thể hiện rõ nét trong kinh tế tri thức, kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với những đóng góp từ lao động của trí thức giúp cho quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân không ngừng nâng cao về năng xuất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tạo ra sự phát triển nhanh của đất nước. Nhưng trí thức không thể lãnh đạo xã hội vì những lý do sau: 
   Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, trí thức không phải là một giai cấp, mà là một lực lượng xã hội đặc biệt, có nguồn gốc xuất thân không thuần nhất. Trí thức không đại diện cho một phương thức sản xuất độc lập nào, phương thức sản xuất của trí thức là độc lập nghiên cứu, sáng tạo; sản phẩm của trí thức là lý thuyết, phát minh, sáng chế, tồn tại dưới dạng những giá trị lý thuyết tinh thần là chủ yếu. Trí thức không có hệ tư tưởng riêng, tư tưởng của trí thức phụ thuộc hệ tư tưởng của các giai cấp thống trị xã hội. V.I.Lênin chỉ rõ: “nếu không  nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”[1]Kể từ khi xã hội có phân chia giai cấp, sự lãnh đạo xã hội luôn thuộc về giai cấp.
   Thứ hai, về thực tiễn: lịch sử loài người cho thấy, một giai cấp giữ vị trí thống trị xã hội bao giờ cũng phải là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất phát triển, phương thức sản xuất tiến bộ. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi giai cấp lãnh đạo xã hội phải trung thành với lới ích của giai cấp, dân tộc, có hệ tư tưởng tiên tiến, có Đảng Cộng sản lãnh đạo, có đường lối lãnh đạo đúng, có mục tiêu nhân văn vì giải phóng con người; có bản chất quốc tế và bản sắc dân tộc sâu sắc. Như vậy, trí thức không có được một tiêu chuẩn, giá trị nào trong hệ thống các giá trị chuẩn mực nêu trên.
   Từ xưa đến nay, trí thức tồn tại với tư cách là lực lượng xã hội đặc biệt. Số lượng trí thức không đông bằng giai cấp công nhân và nông dân, không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị - xã hội độc lập, không thể so với sự đông đảo của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Tuy nhiên trí thức lại có khả năng tư vấn, phản biện, giám định về mặt kinh tế - kỹ thuật và mặt chính trị - xã hội cho chính phủ như: tư vấn, phản biện, giám định về nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục - đào tạo, phát triển y tế, tài chính, ngân hàng, điều chỉnh giá xăng, giá điện, nước, chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại, điều chế vắcxin điều trị Covid -19, v.v. Mặt khác, trí thức còn có khả năng khái quát xây dựng hệ tư tưởng cho các giai cấp thống trị xã hội như: trí thức dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, trí thức phong kiến, trí thức tư sản và trí thức công nhân. Trên thực tế, trí thức chỉ tồn tại và phát triển dựa vào giai cấp công nhân hoặc nông dân, dựa trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đó là môi trường để trí thức có thể áp dụng các lý thuyết, phát minh, sáng chế, thiết kế của mình để kiểm nghiệm thực tiễn, đánh giá tính đúng – sai, kiểm tra chân lý, qua đó mà trí thức mới có thu nhập, được nuôi dưỡng, tồn tại và phát triển. 
   Qua thực tiễn hoạt động sản xuất vật chất, đấu tranh giai cấp và thực nghiệm khoa học đã làm cho đội ngũ trí thức ngày càng nhận rõ sứ mệnh lịch sử của của giai cấp công nhân và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung, thực hiện mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chủ nghĩa xã hội là mẫu số chung, để cho công nhân, nông dân, trí thức và các tầng lớp lao động gắn bó với nhau trong một khối liên minh thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vì thế, ngày càng có nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân, chấp nhận sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam.
   Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, số lượng người  lao động được  đào tạo ở trình độ, tay nghề cao ngày càng nhiều, do nhu cầu về việc làm, thu nhập mà những người có trình độ cao đã không ngừng tham gia vào phương thức sản xuất công nghiệp, bổ sung cho giai cấp công nhân, kể cả chuyên gia đầu ngành, làm cho giai cấp công nhân không ngừng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Kinh tế tri thức và kinh tế số là một trình độ mới của lực lượng sản xuất hiện đại mà vai trò của tri thức ở một số lĩnh vực sản xuất đã được khẳng định. Việc quan tâm phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số là xu thế chung hiện nay, nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất. Giai cấp công nhân Việt Nam vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng viên của Đảng hiện nay có sự đa dạng về thành phần xã hội, gồm công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, v.v. Để trở thành đảng viên, người vào Đảng phải nghiên cứu Điều lệ, giác ngộ giai cấp và tự nguyện đi theo lập trường của giai cấp công nhân, phải phấn đấu trưởng thành, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên khi được giao trọng trách, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, phải có bản lĩnh chính trị, lập trường, tư tưởng vững vàng, có phong cách, đạo đức tốt, phải nêu gương, có trí tuệ và tầm nhìn sâu rộng, có năng lực lãnh đạo, định hướng tầm nhìn cho quần chúng. 
   C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[2]. Do giai cấp công nhân có mối quan hệ khách quan với phương thức sản xuất công nghiệp, nên giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất hàng đầu, đại diện cho lực lượng sản xuất phát triển, phương thức sản xuất tiến bộ hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. 
   Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: "Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng"[3]. Giai cấp công nhân nước ta không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Hiện nay, giai cấp công nhân nước ta có khoảng 20,5 triệu người, có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu, lĩnh vực, ngành nghề; trình độ tay nghề, vai trò của giai cấp công nhân càng ngày được khẳng định. Giai cấp công nhân nước ta hiện chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng hằng năm đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách Nhà nước. Theo Tổng cục Thống kê:“ dịch Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp...nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020 [4].
    Điều đó chứng tỏ giai cấp công nhân nước ta không hề suy yếu, ngược lại giai cấp công nhân Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ vai trò của giai cấp lãnh đạo xã hội, trở thành nền tảng chính trị đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh Nhà nước. 
    Qua hơn 35 năm đổi mới, sự biến đổi của giai cấp công nhân là do tác động từ nhiều yếu tố,  nhất là các cuộc cách mạng công nghiệp có chu kỳ ngày càng ngắn, yêu cầu phát triển ngày càng cao. Công nghiệp hóa diễn ra theo kiểu rút ngắn, nhảy vọt, dựa trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của quốc gia gắn với việc ứng dụng công nghệ, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững về: xã hội, môi trường, nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế nhanh hơn. Cho dù sự biến đổi kinh tế, xã hội đến đâu, khoa học, công nghệ có phát triển tới mức nào, thì một thực tế không thể phủ nhận đó là: giai cấp công nhân Việt Nam vẫn giữ nguyên sứ mệnh lịch sử lãnh đạo xã hội, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam.
   Do vậy, quan điểm cho rằng, trước sự phát triển của kinh tế tri thức và kinh tế số giai cấp công nhân đã bị phân hóa, bị suy giảm về nhiều mặt không còn vai trò lãnh đạo xã hội, vai trò lãnh đạo ấy đã chuyển sang trí thức, là quan điểm sai trái, thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn, đó là chủ ý thổi phồng vai trò của trí thức, kích động đội ngũ trí thức, khơi dậy tham vọng quyền lực, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam./.
   Tài liệu tham khảo:
   [1].V.I.Lênin: Toàn tập, tập 1 (1893-1894), Nxb, Chính trị quốc gia, H,2005, tr.552.
   [2]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H,1995, t.19,  tr.38.
   [3]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X, Nxb, Chính trị quốc gia, H,2008. tr.15
   [4]. Tổng Cục Thống Kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2021

 

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay2,835
  • Tháng hiện tại140,659
  • Tổng lượt truy cập8,912,706
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây