Nhận thức tốt việc học tập lý luận chính trị góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ hai - 17/08/2020 21:51 10.402 0
       Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng và cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, nếu không học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không nắm vững lý luận chính trị sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, coi thường lý luận, không đủ sức bảo vệ chính mình và dễ ảnh hưởng bởi tư tưởng tiêu cực, phản động của các thế lực thù địch.
       Lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng về lý luận trong lĩnh vực chính trị; mang tính Đảng, tính giai cấp; đồng thời, có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[1]. Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”[2] nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng.
       Lý luận quan trọng như vậy, là vì lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v.. phù hợp với quy luật khách quan. Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động, kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
       Với những cán bộ, đảng viên ngại, lười học lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng, trong khi đó thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ[3]. Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của lý luận chính trị đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận chính trị và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn đường. Lối làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính mà nguyên nhân là do “kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”[4]đã khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít sai lầm, khuyết điểm.
      Vì thế, Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận... Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn. Đồng thời, phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào thực tiễn.
       Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cán bộ, đảng viên là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng và Chính phủ, để đề ra chính sách cho đúng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nỗ lực học tập, phấn đấu về mọi mặt “để làm việc, làm người, làm cán bộ”, “để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Một trong những yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với người cách mạng là phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của lý luận chính trị, yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu, học tập lý luận chính trị để rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, năng lực trí tuệ, đảm bảo hoàn thành trọng trách vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục gắn liền với quá trình tu dưỡng về mọi mặt. Đồng thời, khi học và vận dụng lý luận chính trị vào thực tiễn, phải thấm nhuần sâu sắc tính sáng tạo của lý luận Mác - Lênin để bổ sung lý luận bằng những kết luận đúc rút được từ thực tiễn sinh động, nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, chủ động và dũng cảm bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, để phòng và chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
       Trên thực tế, nhiều năm qua, ở các địa phương, cơ quan, đơn vị và không ít cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn, học không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Đã có không ít cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị mà còn mượn nhiều lý do để trốn tránh hoặc xin thôi không tham gia học tập lý luận chính trị. Có người, khi đi học, thì “chỉ lo điểm danh”, vừa học vừa tham gia giải quyết các công việc khác hoặc đến điểm danh rồi về nghỉ giữa chừng, học nửa chừng rồi nghỉ; học không nghiêm túc, gượng ép, học kiểu đối phó, thậm chí vi phạm quy chế học tập như nhờ học hộ, nhờ thi hộ, bỏ học, bỏ thi…
       Như vậy, việc ngại, lười học tập lý luận chính trị là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” cho chính mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng
       Theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và lý luận chính trị, lười học lý luận chính trị chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động.
       Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế trị trường; một số yếu kém trong quản lý, điều hành của Nhà nước; tình trạng ô nhiễm môi trường và các vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền..., lợi dụng vào tình hình trên các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
       Các đối tượng ra sức xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong quá trình lãnh đạo của Đảng; lợi dụng những hạn chế, sai sót trong công tác lãnh đạo, quản lý để xuyên tạc, bôi nhọ, thổi phồng khuyết điểm, quy chụp về bản chất của Đảng, của Nhà nước, chế độ; chúng tăng cường tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; dùng nhiều thủ đoạn làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mất phương hướng về chính trị, tư tưởng, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ.  Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực phản động, thù địch điên cuồng chống phá Đảng, ra sức bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
       Trước tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải ra sức học tập lý luận chính trị để trau đồi kiến thức cho bản thân, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác – lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có cơ sở lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị trước mọi cảm dỗ về vật chất, cũng như tinh thần để dập tan những âm mưu của các thế lực thù địch.
        Để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của việc học tập lý luận chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi “bệnh” ngại, lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
       Một là, Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò của việc học tập lý luận chính trị. Cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý... đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học lý luận chính trị.
       Hai là, thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc.
      Ba là, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị. Đội ngũ này phải là những người đủ phẩm chất, năng lực, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó mới truyền cảm hứng, niềm tin cho người học, gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào lĩnh vực công tác và cuộc sống; có kỹ năng sư phạm, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, phương tiện hiện đại…
       Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại của cán bộ, đảng viên. Sau mỗi đợt học tập, cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng, cần nghiêm túc làm tốt công tác đánh giá theo hướng thực chất.
       Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị theo phương châm “học đi đôi với hành”.
     Sáu là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, tránh trùng lắp giữa các chương trình (sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị…). Vì như thế dễ dẫn đến nhàm chán, không tạo sức hấp dẫn, hứng thú với người học.
      Bảy là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Xem đây là điều kiện không thể thiếu, góp phần nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy về lý luận chính trị./.
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273-274
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H , 2011, t. 8, tr. 279
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 274
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273

Tác giả bài viết: Trần Thị Quỳnh

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay8,159
  • Tháng hiện tại96,507
  • Tổng lượt truy cập9,058,869
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây