Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, chuẩn bị chu đáo và sáng suốt tận dụng thời cơ của Đảng.

Thứ hai - 17/08/2020 11:50 46.366 0
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và kịp thời của Đảng Cộng sản Đông Dương với đỉnh cao là nghệ thuật chớp thời cơ gành chính quyền. Thế nhưng, hiện nay các thế lực thù địch lại cho rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công là một “sự ăn may”(!) Vậy đâu là sự thật?
Các thế lực thù địch đưa ra lập luận rằng: sở dĩ Đảng Cộng sản Đông Dương có thể lãnh đạo quần chúng có thể tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được là do phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tơi tả, đặc biệt là khi Nhật bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố là Hiroshima (06/9/1945) và Nagasaki (09/8/145) buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng lực lượng Đồng minh vô điều kiện. Như vậy, lúc này ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi (?). Từ cách nhìn như vậy, họ cho rằng “Cách mạng Tháng Tám là một sự ăn may”. Mục đích của các thế lực phản động, thù địch đưa ra quan điểm như trên là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng và đi đến phủ nhận sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta. 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi, ngoài nguyên nhân chủ quan thì còn có nguyên nhân khách quan. Nếu nguyên nhân khách quan (điều kiện quốc thế thuận lợi - Phát xít Nhật đầu hàng lực lượng Đồng Minh không điều kiện) đóng vai trò quan trọng thì nguyên nhân chủ quan đóng vai quyết định đó là sự lãnh đạo của Đảng; Đảng đã dự đoán thời cơ chính xác, chớp thời cơ kịp thời để phát động tổng khởi nghĩa thành công. Nếu điều kiện chín muồi đã đến mà không nắm lấy thời cơ, chần chừ thì thời cơ “ngàn năm có một” sẽ qua đi, Cách mạng Tháng Tám sẽ không thể xảy ra. Vậy, Bác và Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định về thời cơ cho cách mạng Đông Dương nổ ra như thế nào? 
Sau khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ 01/9/1939, tại các Hội nghị Trung ương 6,7 nhất là Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Đông Dương đã dự đoán ngày càng cụ thể triển vọng thắng lợi của cách mạng: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.[[1]]. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp ở làng Đình Bảng (Bắc Ninh), ra chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12/9/1945 nêu rõ: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thật sự chín muồi; “phải phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa”.[[2]]
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, phát xít Nhật trở thành kẻ thù cụ thể trước mắt-duy nhất của nhân dân Đông Dương. Đảng nhận định thời cơ chín mùi khi: Nhật đầu hàng Đồng minh - Đảng ta dự tính quân Nhật sẽ thua vào mùa Thu năm 1945 (Căn cứ vào thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 10/1944 và ngày khai mạc Đại hội toàn quốc Tân Trào).
Đúng như dự đoán của Đảng, ngày 12/8/1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng lực lượng Đồng minh không điều kiện. Lúc này thời cơ cách mạng chín muồi và đây là cơ hội “ngàn năm có một”. Vậy, tại sao lúc này thời cơ cách mạng chín muồi và đây là cơ hội “ngàn năm có một”? 
Khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng lực lượng Đồng Minh không điều kiện thì thời cơ cách mạng đã chín muồi. Bởi vì: theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì thời cơ trong cách mạng hay tình thế cách mạng có ba nhân tố chủ yếu sau:
Thứ nhất, giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa.
Thứ hai, các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng.
Thứ ba, tầng lớp, bộ phận trung gian, những người trí thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng, tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng. Đội tiên phong của cách mạng, tức Đảng lãnh đạo đã sẵn sàng.
 Phân tích kỹ Cách mạng Việt Nam năm 1945, chúng ta thấy: khi Nhật tuyên bố đầu hàng lực lượng Đồng Minh không điều kiện thì thờ cơ cách mạng mới chín mùi bởi vì lúc này đã xuất hiện đầy đủ cả ba nhân tố: (1) phát xít Nhật, kẻ thù cụ thể, duy nhất của nhân dân Đông Dương đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện; (2) phong trào cách mạng phát triển đến đỉnh cao, các lực lượng trung gian ngã về phía cách mạng, đặc biệt là sau khi Đảng chủ trương phát động phong trào “phá kho thóc”;  (3) Đảng Cộng sản Đông Dương đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, sẵn sàng lãnh đạo quần chúng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đây là thời cơ “ngàn năm có một”, chúng ta phải tiến hành Tổng khởi nghĩa ngay lúc đó? Bởi vì: khi Nhật đầu hàng lực lượng Đồng Minh thì thời cơ cách mạng xuất hiện, nhưng thời cơ này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn đó là: Khi Nhật đầu hàng lực lượng Đồng minh (12/8), nhưng trước khi lực lượng Đồng Minh kéo vào nước ta (Theo thỏa thuận Potsdam, thời gian quân Anh sẽ giải giáp cho quân Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 về phía Nam và quân Trung Quốc sẽ giải giáp cho quân Nhật từ vĩ tuyến 16 về phía Bắc sẽ bắt đầu từ ngày 05/9/1945). Dù mang danh nghĩa là quân Đồng minh vào làm nhiệm vụ giải giáp vũ khí quân đội Nhật nhưng thực chất dù chúng khác màu da, khác tiếng nói đều chung một mục đích là "Diệt Cộng cầm Hồ" tức là "Diệt Cộng sản, bắt Hồ Chí Minh". Vì vậy, chúng ta phải giành được chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta. 
Vì vậy, khi thời cơ “ngàn năm có một” xuất hiện, ngày 13/8/1945 Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Vào lúc 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. 
Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945) đã nhất trí với quyết định Tổng khởi nghĩa của Thường vụ Trung ương. Tiếp đó Đại hội Quốc dân diễn ra tại Tân Trào, Tuyên Quang) (ngày 16/8/1945). tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, thành lập Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trong thời điểm lịch sử nóng bỏng đó, mặc dù đang ốm nặng, song Hồ Chí Minh vẫn luôn theo dõi sát tình hình và khẳng định: “đây là một thời cơ quý và hiếm nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, và ra lời hiệu triệu: “Dù có phải thiêu cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lến! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên! ”[3].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945). Trong đó, thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định.
Ngày 02/9/1945, trong cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
          Như vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra và giành thắng lợi đúng như chủ trương và quyết tâm của Đảng. Nếu Tổng khởi nghĩa diễn ra trước ngày 12/8/1945 sẽ không được vì khi ấy phát xít Nhật vẫn còn khá mạnh, chưa chịu ngừng bắn và đầu hàng quân Đồng minh. Còn nếu Lễ Độc lập tuyên bố và khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra muộn hơn sau ngày 2/9/1945 cũng không được vì khi ấy quân Anh và quân Tưởng đã vào nước ta giải giáp, tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật. 
Qua thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chứng tỏ Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chuẩn bị chu đáo, toàn diện, bền bỉ và nhạy bén nắm bắt thời cơ mà thực chất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan; giữa nội lực và ngoại lực; giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,…đã đóng vai trò là yếu tố nòng cốt, góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chứ không phải là một sự “ăn may” như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đưa ra. Đây là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó, thành công của cách mạng là triệt để, là "đến nơi" như Hồ Chí Minh khẳng định. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ định được. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.
Bài học về vấn đề chớp thời cơ còn tiếp tục được các thế hệ về sau vận dụng thành công. Đó là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, chính thức đặt dấu chấm hết cho gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước về sau này, chúng ta cũng đều nhiều lần vận dụng thành công bài học về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng văn minh, giàu đẹp, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác và Đảng đã lựa chọn cho dân tộc./.
 
[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc, H,2000, T.7, tr100.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc, H,2000, T7, tr367.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập: Nxb.Chính trị quốc gia,H2011,t3,tr.596.

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Xuân Quyền

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay5,827
  • Tháng hiện tại94,646
  • Tổng lượt truy cập8,866,693
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây