Đấu tranh phản bác các luận điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch

Thứ sáu - 28/05/2021 04:07 5.120 0
Quản Trọng, nhà chính trị, nhà quân sự và nhà tư tưởng thời Xuân Thu (774-476 trước công nguyên) là một "Cao thủ diễn biến hòa bình, không đánh mà thắng”. Ông chủ trương "Lấy mưu làm gốc, dùng trí thắng địch, diễn biến hòa bình, không đánh mà khuất phục được kẻ thủ". Chiến lược "không đánh mà thắng" của Quản Trọng chủ yếu thông qua hai con đường: một là, gây mâu thuẫn trong nội bộ và mâu thuẫn giữa các nước, hai là, "bóp" chết đối phương bằng kinh tế. Mục đích cuối cùng là khiến đối phương suy yếu, hoài nghi thù ghét, chia rẽ, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, phai nhạt ý thức hệ, tàn sát lẫn nhau…Ngày nay, các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục triển khai chiến lược diễn biến hòa bình với nội dung hình thức ngày càng tinh vi và khó lường để lại nhiều hậu quả và bài học to lớn cho nhiều quốc gia trong đó có Liên Bang Xô Viết và Trung Đông. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch bằng nhiều cách thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau luôn đẩy mạnh các hoạt động phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta xây dựng. Có rất nhiều khía cạnh các thế lực thù địch muốn tấn công để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết tác giả đề cập đến các nội dung cơ bản sau:
     Thứ nhất, luận điệu xuyên tạc “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch:
     Lợi dụng việc góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một số thế lực phản động đã viết cái gọi là “tâm thư” góp ý, kiến nghị và yêu sách đòi Đảng, Nhà nước phải sửa đổi Hiến pháp năm 2013; theo đó, phải có điều khoản hiến định kiểu “nhập khẩu” phương Tây, rằng “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào”, phải thực hiện “dân sự hóa” quân đội theo mô hình của quân đội các nước tư bản chủ nghĩa; “quân đội phải trung lập, phải đứng ngoài chính trị”, “quân đội chỉ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia”, “quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân, chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào”…Về bản chất, chúng tìm mọi cách để phủ nhận nguyên tắc “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội”, bằng việc đẩy mạnh thực hiện mưu đồ “phi chính trị hoá”, “trung lập hoá” và “dân sự hóa” quân đội, làm cho quân đội phai nhạt bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc. 
     Quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội là sai trái, hết sức phản động vì nó hướng đến mục đích: tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quân đội “bị lầm đường, lạc lối”, mất phương hướng chính trị, xa rời lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, không còn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là phương cách để chúng dễ bề thực hiện âm mưu, thủ đoạn chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Luận điệu và thủ đoạn “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội là sai lầm về nhận thức lý luận, không phản ánh đúng thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử hơn 70 năm chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của chúng hòng tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; gieo rắc sự hoài nghi, bi quan về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; kích động chống phá, gây rối loạn trận địa tư tưởng, lý luận, văn hóa của Đảng trong quân đội; làm cho quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, bản thân mỗi người lính, chiến sĩ bộ đội cụ Hồ và người dân Việt Nam cần không ngừng trau dồi ý thức hệ Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn mới có thể tạo ra “sức đề kháng” từ bên trong để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ của chúng ta.
     Thứ hai, về luận điệu đòi xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.
     Thời gian gần đây, các thế lực thù địch gióng lên luận điệu đòi xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta. Trong rất nhiều luận điệu đó, nổi lên là phủ nhận cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở nước ta. Họ cho rằng, kinh tế thị trường không thể gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa, hai thực thể này không thể song hành cùng nhau; kinh tế thị trường là tự do, hãy để nó hoạt động tự do. Đây là một luận điệu hoàn toàn sai trái.
     Tổng kết toàn diện 30 năm đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[1]. Chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học để khẳng định tính tất yếu, tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta gồm nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Về lý luận, kinh tế thị trường là bước phát triển cao của kinh tế hàng hóa, dựa vào thị trường để vận động và phát triển. Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản mà nó là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, ra đời trên cơ sở phân công lao động xã hội và sự tách biệt tương đối về kinh tế của những người sản xuất, gốc rễ của vấn đề đó chính là sự xuất hiện của chế độ tư hữu.
     Sự ra đời của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Ban đầu là đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[2]. Phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vừa là sự lựa chọn phù hợp với xu hướng phát triển khách quan của thời đại, vừa là sự tiếp thu các giá trị truyền thống của đất nước và những thành tựu cả về lý luận và thực tiễn trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tồn tại khách quan trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu nhưng dựa trên cơ sở chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu; đa dạng hóa các hình thức phân phối, trong đó phân phối theo lao động là đặc trưng cơ bản nhất.
     Thứ ba, luận điệu tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
     Cùng với đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, các thành phần kinh tế đã cùng nhau phát triển. Kinh tế tư nhân được Nhà nước chú trọng hỗ trợ bởi các quyết sách, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, trong quá trình phát triển bên cạnh những thành tựu nổi bật cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Thực tế này, làm xuất hiện luận điệu trái chiều là tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ở các nước tư bản, chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa giữ vai trò thống trị của quan hệ sản xuất, là cơ sở nảy sinh những bất bình đẳng về kinh tế và áp bức về xã hội. 
     Ở nước ta, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là đúng đắn, hợp quy luật. Kinh tế tư nhân là một chủ thể vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường, không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tuy nhiên, tự thân khu vực kinh tế tư nhân không giúp khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và do đó không thể gắn sứ mệnh là chủ thể dẫn dắt, có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011  - 2020, Đảng ta khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” [3]. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trên các phương diện kinh tế, chính trị và xã hội đều khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt các hoạt động của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước còn là cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì không thể nói tới định hướng, giữ vững, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
     Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay kinh tế nhà nước vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định như: hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất của một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước còn thấp; sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, thất thoát và thua lỗ còn lớn; tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu... Những yếu kém trên diễn ra trong trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh bắt nguồn từ những sai lầm, yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp... chứ không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Vậy nên, một số luận điệu cho rằng phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam không nên để thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo mà hãy để kinh tế tư nhân dẫn dắt, định hướng, kiểu như ở các nước tư bản là hoàn toàn sai trái. Đây là  mưu đồ của các thế lực thù địch, sâu xa họ muốn phá hoại thành quả cách mạng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
      Thứ tư, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền gây mất ổn định trật tự xã hội và làm lung lay nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị ở nước ta.
     Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Bên cạnh những cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để tăng cường năng lực bảo đảm các quyền của người dân, còn nảy sinh những thách thức từ việc một số thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta, nhất là trong vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Thực tế, việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người liên quan đến dân tộc, tôn giáo, nhân quyền là yêu cầu có tính tất yếu khách quan, dân chủ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thông qua các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo luôn tiềm ẩn và hiện hữu những âm mưu và ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng nhằm can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia, vi phạm và chà đạp nghiêm trọng luật pháp và đạo lý quốc tế. Đồng thời, các thế lực thù địch thường sử dụng các vấn đề này để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục đích lật đổ chế độ chính trị, chính quyền hợp hiến, hợp pháp của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Âm mưu, ý đồ thâm độc của các thế lực thù địch là sử dụng chiêu bài “dân tộc”, “tôn giáo”, “nhân quyền”, “dân chủ” đối với nước ta nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách kích động chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, phủ nhận các giá trị đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về những vấn đề này.
     Đấu tranh, phản bác có hiệu quả với luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi công dân. Chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh tính chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “phòng còn hơn chống”. Để giữ vững, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch,  bằng nhiều cách thức và biện pháp mang tính tổng thể đó là: xây dựng, phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn và tác hại của các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước luôn xuất phát từ dân, vì dân, mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân, ngoài ra không có lợi ích nào khác; đồng thời giúp nhân dân hiểu rõ những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường theo dõi, thanh tra, kiểm tra, định hướng với các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên; chủ động trong quản lý, nắm bắt tình hình, phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm đấu tranh của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các cơ quan, đơn vị chức năng; chủ động và tích cực trong đấu tranh ngoại giao trên lĩnh vực nhân quyền nói chung, dân tộc, tôn giáo nói riêng là phương thức hiệu quả trong tình hình hiện nay, đặc biệt thông qua các kênh ngoại giao chính thức (ngoại giao nhà nước), ngoại giao Đảng (đối ngoại Đảng) và ngoại giao nhân dân; chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh chung về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, nhằm góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam; trên hết là xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng thế trận “lòng dân”, thế trận an ninh nhân dân vững chắc nhằm tăng sức đề kháng cho nhân dân vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
     Từ khi đổi mới đất nước đến nay, với sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục ráo riết chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh, đường lối phát triển đất nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc để khẳng định tính tất yếu thành công của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là rất cần thiết. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), chúng ta càng thấm thía bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [4] vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định sự trung thành tuyệt đối của Đảng và nhân dân ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động ./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102.
[2]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 97.
[3]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 101
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 289

Tác giả bài viết: TS. Hoàng Thị Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay2,952
  • Tháng hiện tại100,592
  • Tổng lượt truy cập8,404,319
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây