1. Nhận diện âm mưu và thủ đoạn
Hiện nay, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ở cả trong nước và nước ngoài thường xuyên xuyên tạc, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hòng làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa, làm cho kinh tế Việt Nam lệ thuộc các trung tâm kinh tế quốc tế, từ đó đặt ra những điều kiện ràng buộc, gây sức ép chính trị, tạo sự chuyển hóa theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Âm mưu thâm độc đó được biểu hiện cụ thể thông qua các quan điểm, luận điệu sai trái, bịa đặt một cách vô lý.
Một là, họ cố tình đồng nhất khái niệm kinh tế thị trường với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; kinh tế thị trường là thành tựu của chủ nghĩa tư bản; không thể có kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ đưa ra luận điểm thiếu căn cứ rằng về thực chất nền kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa như nước với lửa, không thể kết hợp; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế không có thật, không tưởng.
Hai là, họ ngang ngược cho rằng nền kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay thực chất là nền kinh tế tư bản, do đó thời kỳ đổi mới ở Việt Nam hiện nay thực chất là đang quá độ lên chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa xã hội.
2. Lật tẩy thủ đoạn, đập tan âm mưu; tiếp tục hoàn thiện và kiên trì thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
* Thứ nhất, về mặt lý luận
Theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, giữa kinh tế và chính trị (biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng) có mối quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau. Trong mối quan hệ này, kinh tế đóng vai trò quyết định nhưng chính trị cũng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại kinh tế, nhất là chính trị có thể lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của kinh tế. Do đó, không có bất kỳ một nền kinh tế nào trong bất cứ một xã hội nào khi đã xuất hiện giai cấp, nhà nước, chính trị lại không chịu sự định hướng của nền chính trị nhất định với những mục tiêu nhất định. Đây là cơ sở lý luận quan trọng để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Thứ hai, về mặt thực tiễn
Một là, từ thực tiễn phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử cho thấy, kinh tế thị trường ra đời là một quá trình lịch sử tự nhiên, không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Nó là một hình thức tổ chức kinh tế tồn tại qua nhiều phương thức sản xuất xã hội: đã có mầm mống từ trong xã hội chiếm hữu nô lệ; hình thành trong xã hội phong kiến và phát triển trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Thực tế, ngay trong xã hội tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường cũng phát triển từ thấp đến cao hơn: kinh tế thị trường tự do cạnh tranh; kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa độc quyền và độc quyền nhà nước và hiện nay là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không phải là vạn năng và chỉ có màu hồng. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng bộc lộ sâu sắc, đặc biệt là các vấn đề xã hội, tính bất công và bất ổn của xã hội, hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo... Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã và đang tìm mọi cách để tự điều chỉnh, tự thích nghi với những tên gọi khác nhau như: “nền kinh tế thị trường - xã hội”, “chủ nghĩa tư bản nhân dân”,… nhưng, những mâu thuẫn từ trong bản chất của chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được. Nền kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản hiện đại đang ngày càng thể hiện xu hướng tự phủ định mình. Đây là tất yếu khách quan, là quy luật phát triển của xã hội. Như vậy, nhân loại muốn tiến lên, xã hội muốn phát triển thì dứt khoát không thể dừng lại ở kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Hai là, bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khác hoàn toàn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Sự khác biệt đó, thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể, hướng tới phục vụ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động và các giai cấp, tầng lớp trong xã hội trên cơ sở xoá bỏ tận gốc mọi chế độ áp bức, bóc lột, nô dịch trong lịch sử. Còn kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ và bảo vệ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản trong xã hội.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một đặc trưng cơ bản là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; coi tiến bộ và công bằng xã hội là mục tiêu phát triển của kinh tế chứ không phải là phương tiện phát triển kinh tế như trong chủ nghĩa tư bản. Ngược lại, trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, việc phân phối chủ yếu quan tâm đến lợi ích của các tập đoàn kinh tế tư bản, các ông chủ tư bản chứ không phải lợi ích của toàn dân; việc thực hiện phúc lợi xã hội không phải là mục tiêu mà là phương tiện nhằm điều tiết, điều hoà tạm thời những mâu thuẫn vốn có của trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa nhằm tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đều có sự can thiệp, điều tiết của nhà nước nhưng ở những mức độ khác nhau và theo những mục đích khác nhau. Trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà nước quản lý, điều tiết xuất phát từ mục đích chính là để hạn chế tối đa nhưng khuyết tật vốn có của cơ chế thị trường, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và điều kiện phát triển một cách bình đẳng, đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm đảm bảo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, hiện thực hoá mục tiêu của chủ nghĩa xã hội: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ngược lại, trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, sự can thiệp của nhà nước chủ yếu nhằm mục đích tạo điều kiện cho kinh tế phát triển mạnh mẽ theo các quy luật vốn có của thị trường, đảm bảo môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự thống trị của giai cấp tư sản và bảo vệ cho sự bền vững của chế độ áp bức bóc lột tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa luôn tìm mọi cách để kìm chế, điều hoà mâu thuẫn nhằm xoa dịu xung đột giữa các giai tầng trong xã hội để hạn chế tối đa những nguy cơ đe doạ đến sự phát triển và vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử kinh tế thị trường, là một đột phá cơ bản và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất phất từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Đây là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân trong nhiều năm. Mô hình kinh tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này đã góp phần tạo nên những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Như vậy, cả về mặt lý luận và thực tiễn đã chứng minh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mô hình kinh tế đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại chứ không phải mô hình không có thật, không tưởng hay chúng ta đang ngả sang con đường tư bản chủ nghĩa nhằm phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
2. Đặng Quang Định, (2022), Triết học Mác – Lênin trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Nguyễn Phú Trọng, (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.