TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON TỪ RỪNG CÂY TẠI BÌNH PHƯỚC

Thứ sáu - 17/05/2024 18:59 11 0
Bình Phước là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, sở hữu diện tích rừng lớn với trữ lượng carbon tương đối lớn. Điều này mang lại tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Bài viết phân tích tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon từ rừng cây tại Bình Phước, đồng thời đề xuất một số giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng này.

Từ khóa: Bình Phước, rừng cây, tín chỉ carbon, tiềm năng, phát triển, môi trường.

        

          Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên 6.873,56 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia. Tỉnh Bình Phước là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 2 khu vực Đông Nam bộ với 159.502 ha, tỷ lệ che phủ 22,57%. Rừng Bình Phước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước và cung cấp các sản phẩm từ cây lâm nghiệp.

          1. Tìm hiểu một số thuật ngữ

          Tín chỉ carbon là gì? Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển[1].

          Thị trường tín chỉ Carbon là gì? Thị trường tín chỉ Carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính. Một khoản tín dụng carbon có thể trao đổi được tương đương với một tấn carbon dioxide hoặc lượng tương đương của một loại khí nhà kính khác được giảm thiểu. Khi một khoản tín dụng được sử dụng để giảm thiểu, cô lập hoặc tránh phát thải, nó sẽ trở thành một khoản bù đắp và không thể mua bán được nữa.[2]

          2. Tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Bình Phước:

          Diện tích rừng lớn với trữ lượng carbon cao: Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Bình Phước công bố năm 2023, diện tích đất có rừng của tỉnh Bình Phước là 155.173,54 ha, trong đó rừng tự nhiên là 55.977,26 ha; rừng trồng thành rừng là 99.196,28 ha. Diện tích đất chưa có rừng là 16.534,52 ha, trong đó diện tích đất đã trồng rừng nhưng chưa đủ các tiêu chí thành rừng là 4.328,90 ha; diện tích đất có cây rừng tự nhiên tái sinh đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 844,49 ha;diện tích đất khác là 11.361,13 ha.

Hình 1. Biểu đồ tỷ lệ che phủ rừng của các huyện, thị tỉnh Bình Phước năm 2023

%

 

          Hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách hỗ trợ: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi quốc gia, địa phương phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển thị trường tín chỉ carbon, như: Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

          Nhu cầu thị trường: Nhu cầu về tín chỉ carbon trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển, đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nguyên nhân chính cho xu hướng này bắt nguồn từ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính: Nỗ lực chung nhằm hạn chế biến đổi khí hậu thúc đẩy các quốc gia áp dụng thị trường carbon, qua đó doanh nghiệp mua bán tín chỉ để bù đắp lượng khí thải vượt hạn ngạch. Doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, biến việc sử dụng tín chỉ carbon thành công cụ hữu hiệu để thể hiện cam kết bảo vệ môi trường. Thị trường carbon tạo nguồn vốn cho các dự án năng lượng sạch, góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động môi trường. Bên cạnh đó xu hướng gia tăng giá tín chỉ carbon dự kiến tiếp tục tăng do nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giải pháp giảm thiểu khí thải để tiết kiệm chi phí.

         

3. Giải pháp phát triển thị trường tín chỉ carbon

          Bình Phước, với tiềm năng to lớn về rừng và nông nghiệp, được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

          Một là, hoàn thiện khung pháp lý: Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ carbon phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình xác lập, phát hành, giao dịch, quản lý và sử dụng tín chỉ carbon.

          Hai là, nâng cao nhận thức: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của thị trường carbon và lợi ích của việc tham gia thị trường này; Tổ chức các hội thảo, Hội nghị tập huấn để cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các bên liên quan về thị trường carbon.

          Ba là, phát triển nguồn cung tín chỉ carbon: Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính, tạo nguồn cung tín chỉ carbon cho thị trường. Khuyến khích thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của tỉnh. Áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

          Bốn là, phát triển cơ sở hạ tầng: Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát và xác minh phát thải khí nhà kính hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch cho thị trường carbon; Phát triển hệ thống giao dịch tín chỉ carbon trực tuyến an toàn, tin cậy và tiện lợi; Hỗ trợ các tổ chức trung gian tham gia vào thị trường carbon, cung cấp dịch vụ tư vấn, phát triển dự án và giao dịch tín chỉ carbon.

          Năm là, hỗ trợ tài chính: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính: Phát triển các chương trình khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon quốc tế.

          Sáu là, phát triển nguồn nhân lực và Hợp tác quốc tế: Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực biến đổi khí hậu và thị trường carbon; Nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian tham gia vào thị trường carbon; Nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cộng đồng về thị trường carbon và lợi ích của việc tham gia thị trường này. Hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các mô hình phát triển thị trường carbon hiệu quả; Tham gia các diễn đàn quốc tế về thị trường carbon để quảng bá tiềm năng của tỉnh Bình Phước và thu hút đầu tư vào các dự án phát triển thị trường carbon.

         

4. Kết luận:

          Bình Phước có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon rất lớn. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính, thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân địa phương. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường này, mang lại lợi ích cho tỉnh và người dân trong tương lai.

          Tài liệu tham khảo:

         
         
[1] Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.    
         
         
[2] Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.          
         
         
[3] Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023.

          [4] https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/tin-chi-carbon-va-loi-ich-cua-thi-truong-tin-chi-carbon-662025.html (ngày truy cập 14/5/2024)



[1],2 https://dangcongsan.vn/xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai/tin-chi-carbon-va-loi-ich-cua-thi-truong-tin-chi-carbon-662025.html

 

Tác giả bài viết: T.Tuấn

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay6,790
  • Tháng hiện tại173,958
  • Tổng lượt truy cập8,946,005
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây