TÌM HIỂU ĐÔI NÉT VỀ KINH TẾ TRI THỨC, KINH TẾ SỐ, CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ NHẰM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2030

Thứ tư - 15/11/2023 08:33 4.408 0
Hiện nay, nhiều quốc gia đang chuyển sang thích ứng với xu hướng phát triển mới là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số và ứng dụng thành tựu công nhệ 4.0. Để phát triển bền vững, các quốc gia phải đẩy mạnh đầu tư phát triển và ứng dựng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao. Chuyển đổi số là phương thức thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới. Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng ta. Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng; công tác tuyên truyền, giáo dục về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho cán bộ, đảng viên, học viên và nhân dân có vai trò to lớn và cấp thiết.
TÌM HIỂU ĐÔI NÉT VỀ KINH TẾ TRI THỨC, KINH TẾ SỐ, CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ NHẰM PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2030
Chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Ảnh: internet

     Thứ nhất, về kinh tế tri thức 
     Trước hết chúng ta cần tìm hiểu kỹ về khái niệm tri thức, hay tri thức là gì? Theo Hội Khai Trí Tiến Đức trong từ điển tiếng Việt năm 1931 chỉ rõ: Tri thức hay kiến thức (tiếng Anh: knowledge) bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, cả "tri" lẫn "thức" đều có nghĩa là biết (1)
Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin (2). Trong kinh tế tri thức, các hoạt động sáng tạo, truyền bá và sử dụng tri thức được coi là động lực chủ yếu để tạo ra việc làm, của cải và tăng trưởng trong tất cả các ngành kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội. Hoạt động kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức; sáng tạo và đổi mới là động lực phát triển; Hoạt động kinh tế có tính toàn cầu hoá, mạng thông tin là kết cấu hạ tầng quan trọng nhất.  Kinh tế tri thức dựa trên tiềm năng trí tuệ con người đó là tiềm năng  và sức mạnh  của con người thể hiện ở phương diện: Óc quan sát, trí nhớ, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, kỹ năng thực hiện để con người có thể hoàn thành một hoặc một số công việc nhất định.
      Thứ hai, về kinh tế số:
     Vào đầu thế kỷ XIX, các nước bắt đầu chuyển sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hướng phát triển chính là các ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó phát triển kinh tế tri thức và kỹ thuật số là xu hướng lựa chọn phát triển của nhiều quốc gia.
     Kỹ thuật số là gì, Từ số (digital) bắt nguồn từ cùng nguồn với các từ chữ số (digit) và digitus (từ tiếng Latin cho ngón tay), vì ngón tay thường được sử dụng để đếm. Nhà toán học George Stibitz của Viện nghiên cứu Bell Telephone Laboratories đã sử dụng từ "số" trong việc chỉ các xung điện nhanh được phát ra bởi một thiết bị được thiết kế để ngắm và bắn pháo phòng không vào năm 1942( 3), thuật ngữ này thường được sử dụng trong lĩnh vực máy tính và điện tử, đặc biệt là khi thông tin thế giới thực được chuyển đổi thành dạng số nhị phân như trong âm thanh số và nhiếp ảnh số.
     Dữ liệu số (Digital data), trong lý thuyết thông tin và hệ thống thông tin, là thông tin được biểu diễn dưới dạng chuỗi các ký hiệu rời rạc, mỗi ký hiệu có thể nhận một trong số hữu hạn các giá trị từ một bảng chữ cái, chẳng hạn như chữ cái hoặc chữ số. Ví dụ là một tài liệu văn bản, bao gồm chuỗi các ký tự chữ và số. Hình thức phổ biến nhất của dữ liệu số trong hệ thống thông tin hiện đại là dữ liệu nhị phân (binary data), được biểu diễn bởi chuỗi các chữ số nhị phân (bit) mỗi chữ số có thể có một trong hai giá trị, 0 hoặc 1.
     Kinh tế số gọi là “kinh tế internet”, “kinh tế web” hay “kinh tế mới”(4),  nền kinh tế số là một nền kinh tế trong đó mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng và diễn ra trên nền tảng các hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông sử dụng các công nghệ kỹ thuật số. Đó là một nền kinh tế được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet, mạng di động và mạng cảm biến. Trong nền kinh tế số, một loạt các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối, lưu thông hàng hóa đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... đều phải coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin và kiến thức số hóa. Nó được phát triển dựa trên trình độ cao hơn hẳn so với các nền kinh tế trước đây.
     Con người đã bước đầu ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin và kỹ thuật số như: Chuyển tiền qua điện thoại di động, thông tin tài chính cá nhân, gửi, rút, nhận tiền; dùng mạng xã hội, gửi email điện tử, chat video, mua bán hàng online, chuyển tiền… thành lập những Group trên Zalo để  triển khai các nhiệm vụ, trao đổi, thảo luận của  cán bộ, công chức, viên chức, người lao động diễn ra nhanh chóng, thuận tiện; kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ, giúp cho hoạt động thông suốt. Ứng dụng tin học hoá trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể như: xây dựng các mạng máy tính nội bộ của từng cơ quan, kết nối thành mạng thông tin diện rộng từ Trung ương đến địa phương; xây dựng và sử dụng thống nhất phần mềm điều hành tác nghiệp (bao gồm thư điện tử, quản lý, xử lý, gửi nhận, lưu trữ văn bản); tập huấn sử dụng máy tính, mạng máy tính và phần mềm ứng dụng trong công tác văn phòng cho cán bộ, chuyên viên, v.v.
     Thứ ba, chuyển đổi số theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng ta.
     Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”(5). Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”( 6). Trong ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”( 7). Các văn kiện của Đảng tại Đại hội XIII cho thấy, chuyển đổi số quốc gia là vấn đề có tính chiến lược trong đường lối phát triển đất nước, là con đường, cách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam đến năm 2045.
     Thứ tư, cách mạng công nghiệp lần thứ tư
     Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều người đã được nghe nhưng muốn hiểu rõ về bản chất và những tác động to lớn của nó, thì không phải ai cũng biết, nó không đơn thuần chỉ là thay đổi phương thức sản xuất như 03 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi toàn bộ đời sống của con người với những thách thức và cơ hội mà nó mang lại vẫn còn là một câu hỏi  lớn. 
     Nguồn gốc thuật ngữ cách mạng 4.0 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất phát từ khái niệm Inductry 4.0 trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013, Inductry 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên dùng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, trong khi đó,  cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, cách mạng công nghiệp  lần thứ tư đang nẩy nở từ cuộc CMCN lần thứ 3, nó kết hợp các công nghệ với nhau làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. 
     Tốc độ đột phá của của CMCN 4.0 hiện không có tiền lệ trong lịch sử so sánh với các cuộc cách mạng công nghệ  trước đây, CMCN 4.0 tiến triển theo hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính, hơn nữa nó đang phá vỡ hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này bó trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, là 3 lĩnh vực chính của CMCN4.0. CMCN 4.0 diễn ra  trên 3 lĩnh vực chính gồm: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý đó là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là trí tuệ nhân tạo AI, Internet of things và dữ liệu lớn Big data, trong đó trí tuệ nhân tạo được hiểu như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, AI là trí tuệ  do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người, trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình ở việc ứng dụng các hệ thống để mô phỏng trí tuệ con người trong cách xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. 
     Cụ thể trí tuệ nhân tạo biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ tiếng nói, biết học và tự thích nghi. Còn  Internet of things  là mạng lưới vạn vật kết nối Internet, nỗi đồ vật được con người cung cấp một định danh riêng của mình và tất cả có khả năng truyền tải trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp  giữa người với người hay người với máy tính, IOT đã phát triển từ  sự hội tụ của công nghệ không dây, công ghệ vi cơ điện tử và internet. Nói đơn giản nó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện  một công việc nào đó. Bigdata là tài sản thông tin mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao và dữ liệu đa dạng đòi hỏi phải có công nghệ mới để  xử lý hiệu quả nhằm đưa ra được các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu  trong dữ liệu và tối ưu hóa được  quá trình xử lý dữ liệu. Lĩnh vực thứ hai chịu tác động  từ CMCN 4.0  là công nghệ  sinh học, cuộc cách mạng công nghệ sinh học tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo  vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. cuối cùng lĩnh vực thứ ba chịu tác động từ CMCN 4.0  là vật lý với sự ra đời của  robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới như công nghệ Nano. 
     Một doanh nghiệp, một hệ thống được coi là công nghiệp 4.0 khi có điều kiện về khả năng giao tiếp hoặc vạn vật kết nối, có nghĩa là mọi thiết bị máy móc, các cảm biến và con người phải được kết nối và liên lạc được với nhau đồng thời gắn với thông tin minh bạch một cách tạo ra bản sao của thế giới thật, bản sao này được định hình thông qua các dữ liệu thu thập được từ các hệ thống máy móc và bộ cảm biến bên cạnh đó hệ thống có thể tự đưa ra quyết định, giải quyết các vấn đề và giúp con người làm những công việc vất vả, nguy hiểm và độc hại. 
     Thứ năm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục- đào tạo ở tỉnh Bình Phước đến năm 2030 
     Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục- đào tạo, cụ thể như sau: 
     Mục tiêu cơ bản phát triển giáo dục- đào tạo đến năm 2025, 2030. 
     Đến năm 2025, tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%. Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%. 
     Nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số 
     Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Triển khai phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: giáo dục và đào tạo, bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng. Triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, nhằm kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu trong ngành, lĩnh vực, địa phương vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các  trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông. Hằng năm thực hiện sát hạch, đánh giá, công bố kỹ năng số cho từng đối tượng lao động, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh phù hợp chuẩn kỹ năng quốc gia. Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ cập kết nối số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị IoT để quan trắc, giám sát phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. 
    Một số giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số trong giáo dục đến năm 2030. 
     Một là, xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Triển khai  Nền tảng số dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn quá trình cho công tác giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra cho học sinh, sinh viên, giáo viên, học viên, từ đó, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc thi, kiểm tra trực tuyến. 
     Hai là, tìm kiếm và ứng dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech) vào giảng dạy.  Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về giáo dục và đào tạo số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành Giáo dục và Đào tạo. 
     Ba là, hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số vào tỉnh.
     Bốn là, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện về phát triển kinh tế số, xã hội số và kết quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch; lồng ghép nội dung về kinh tế số, xã hội số trong các sự kiện, triển lãm về phát triển kinh tế - xã hội. 
     Năm là, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. 
     Sáu là, triển khai các kênh tư vấn, hỏi đáp về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.
     Tài liệu tham khảo:
 (1). Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt-Nam Tự-Điển, Trung-Bắc Tân-Văn, 1931
(2).OCDE/GD(96), The Knowledge-Based Economy, Organisation For Economic Co-operation and Development, Paris 1996.
(3). Ceruzzi, Paul E (29. 6.2012). Computing: A Concise History. MIT Press. ISBN 978-0-262-51767-6
(4). OECD, The Digital Economy 2012.
(5), (6), (7). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.208
 

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay5,071
  • Tháng hiện tại142,895
  • Tổng lượt truy cập8,914,942
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây