Một vài suy nghĩ về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong tác phẩm “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm - 31/03/2022 04:01 8.819 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc, theo con đường của cách mạng vô sản thông qua tác phẩm “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt”. Sự vận dụng sáng tạo ấy đã góp phần đưa đến những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam, trước hết là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính khoa học và cách mạng của những tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm quan trọng này.
        Tác phẩm “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt” ra đời trong bối cảnh đất nước đang lâm vào sự khủng hoảng nghiêm trọng về đường lối cứu nước. Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi tư bản chủ nghĩa chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền (chủ nghĩa đế quốc), chủ nghĩa đế quốc tăng cường sự bóc lột đối với người lao động và nhân dân ngay tại chính quốc, ngoài nước thì chúng bắt đầu đi xâm lược và áp bức các dân tộc trên thế giới, biến những nước nhỏ yếu và phụ thuộc trở thành thuộc địa của chúng với mục đích là nhằm biến những nước này thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của chúng. Sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc làm cho đời sống của nhân dân lao động trên thế giới nói chung và nhân dân lao động ở các nước thuộc địa nói riêng trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, thực dân ngày càng gay gắt. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia đang bị chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là yêu cầu căn bản, là nguyện vọng thiết tha của các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam.
       Trong bối cảnh đó, hàng loạt các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổi lên với những nhà yêu nước lớn, nhưng đều lần lượt thất bại, bế tắc và khủng hoảng về đường lối chính trị, cách mạng nước ta đang chìm trong bóng tối, thì chính lúc này ngôi sao sáng mang tên Nguyễn Tất Thành xuất hiện. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành khi ấy mới 21 tuổi với tên gọi Văn Ba, rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, tư tưởng cứu nước của Người được hình thành từ rất sớm, sau này khi Người kể lại “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ của Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái…Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” (1).
      Qua những năm tháng, miệt mài tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người đã đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân Đạo vào tháng 7/1920. Bản Luận cương đó đã đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết mà Nguyễn Ái Quốc đang ấp ủ, giúp người tìm ra phương hướng đúng đắn để giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào là theo con đường cách mạng vô sản, con đường có mục đích cao cả là giải phóng dân tộc để tiến tới giải phóng con người.
       Từ khi trở thành Người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam, bằng thiên tài và hoạt động cách mạng nhạy bén của mình, Người đã lựa chọn đúng con đường cách mạng vô sản, con đường duy nhất đúng đắn phù hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
      Thể hiện niềm tin tuyệt đối của Người vào chủ nghĩa Mác - Lênin, những tư tưởng của Người đều phản ánh bản chất cách mạng theo thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam đang là quốc gia thuộc địa nữa phong kiến, được thể hiện một cách rõ nét và sáng tạo nhất thông qua tác phẩm “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt” trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 như sau:
      Thứ nhất, nếu xét về lí luận kinh điển ta sẽ thấy không có khái niệm “tư sản dân quyền cách mạng”, nhưng khi Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin thì khái niệm đó đã ra đời. Khi Người nói tới phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(2), vì mục đích cuả Người là để vận động quần chúng làm cách mạng, đối tượng đó lại là nông dân nên không thể không đề cập đến quyền lợi của bộ phân dân chúng đông đảo này trong xã hội tức là quyền lợi về ruộng đất để thu hút họ theo cách mạng, vì vậy khi đường lối vừa ra đời đã được nhân dân hưởng ứng ngay.
      Thứ hai, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã nói nhiều về vấn đề dân tộc, nhưng chủ yếu là dân tộc phương Tây, dân tộc Châu Âu tư bản, coi dân tộc như là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản và phê phán chủ nghĩa dân tộc tư sản, đó là quan điểm đúng. Tuy nhiên nếu áp dụng vào thuộc địa thì nó không đúng nữa. Người đã rút ra những điểm riêng về kinh tế, xã hội của các nước thuộc địa khác các nước phương Tây tư bản, quan điểm đó thể hiện sự sáng tạo trong vấn đề vận dụng có chọn lọc của Người. Để từ đó Người còn xác định thế nào là một nước thuộc địa là một nước bị đế quốc bên ngoài câu kết với bọn phản động bên trong xâm lược và thống trị, biến thành nơi đầu tư khai thác, bóc lột và đó là những nước nghèo, lạc hậu, kinh tế tự nhiên, phần lớn cư dân là nông dân, vốn trước đó là nước phong kiến hoặc tiền phong kiến. Từ đó Người đã xác định tính chất xã hội Việt Nam trong Cương lĩnh là xã hội thuộc địa nữa phong kiến, tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc xâm lược (Pháp) và mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với nông dân, trong đó mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn cơ bản nhất.
      Thứ ba, chủ nghĩa Mác - Lênin coi trọng vấn đề giai cấp và giải phóng giai cấp, giải quyết vấn đề dân tộc giành độc lập dân tộc phải đứng trên quan điểm của một giai cấp nhất định vì giai cấp vô sản là một giai cấp cụ thể luôn gắn với một dân tộc nhất định, chụi trách nhiệm trước hết với dân tộc mình, góp phần vào sự nghiệp chung của nhân loại. Trên cơ sở tiếp thu những quan điểm đó của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Người không học tập một cách máy móc và có sự sáng tạo ở chỗ đặt vấn đề dân tộc cao hơn vấn đề giai cấp. Bởi vậy, trong nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người đã nói rõ “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”(3) , song nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc. Quan điểm này của Hồ Chí Minh đối lập với quan điểm của Quốc tế Cộng sản coi vấn đề giai cấp là trên hết và của Đảng ta thời kỳ đầu nên gây ra sự bất đồng và hiểu lầm. Nhưng thực tế đã cho thấy quan điểm này của Người hoàn toàn đúng đắn, bởi Việt Nam lúc này đang là thuộc địa của Pháp, nếu không đánh đuổi Pháp, giành độc lập thì làm sao có thể giành quyền lợi cho giai cấp. Do vậy, Hồ Chí Minh đã khẳng định “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, nếu không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể dân tộc còn chụi mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (4).
      Thứ tư, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là động lực của cách mạng vô sản, vận dụng quan điểm đó vào cách mạng Việt Nam được thể hiện qua Sách lược vắn tắt của Đảng “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ”(5) . Trên cơ sở liên minh công nông vững chắc thì thành lập mặt trận đoàn kết dân tộc chống kẻ thù chung. Mặt trận là thể thống nhất mâu thuẫn gồm những giai cấp, nhiều dân tộc liên hiệp lại với nhau trên cơ sở một hành động chung. Thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, giai cấp trong một quốc gia dân tộc là cơ sở xã hội - chính trị để thực hiện đoàn kết các quốc gia dân tộc trong sự nghiệp chung.
      Thứ năm, chủ nghĩa Mác - Lênin coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng quần chúng phải được tập hợp lại theo sự chỉ đạo của một tổ chức, đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh hoàn toàn tiếp thu quan điểm đó và thực tế Người đã có vai trò to lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt ở chỗ, Người không chỉ coi Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là đội tiên phong của cả dân tộc thể hiện trong Sách lược vắn tắt của Đảng “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”(6) .
      Tác phẩm “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt” trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo thể hiện sự kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, được chứng minh qua những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Toàn bộ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Mậu Hãn: Các cương lĩnh cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
2. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương – Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (Sơ thảo), tập 1 (1920 - 1945), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981.
3. Hồng Quảng - Luận cương chính trị 1930 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982.
4. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 13.
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập. Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 10, tr.5.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.1998, t.2, tr.2.
(3). Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.1.
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1998, tập 7, tr. 113.
(5). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.
(6). Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.3.

 

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay5,583
  • Tháng hiện tại189,120
  • Tổng lượt truy cập7,365,087
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây