Nguồn gốc ra đời của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 - Những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Chủ nhật - 10/10/2021 23:04 2.213 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp rực rỡ”(1). Người phụ nữ Việt Nam luôn có lòng yêu nước từ bao đời nay, ngày càng được cũng cố, bồi dưỡng và luôn có ý thức nâng cao tri thức, đảm việc nước, giỏi việc nhà, biết rèn luyện sức khỏe, thể hiện sự năng động và đầy sáng tạo, đặc biệt có một lối sống rất hiện đại và văn hóa, có lòng nhân hậu và lòng trắc ẩn, luôn biết cách quan tâm đến cộng động và lợi ích xã hội, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
1. Nguồn gốc ra đời của ngày phụ nữ Việt Nam 20/10
       Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò hết sức quan trọng. Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, nước ta luôn luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. 
       Theo truyền thuyết trong dân gian, thời kỳ đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Thái thú Tô Định, biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc, đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của Bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho Bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại, càng làm cho Bà thêm quyết tâm khởi nghĩa "Đền nợ nước, trả thù nhà". Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong ngày xuất quân, "cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng", nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
       Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội nhà Hán tan vỡ đến đó. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng,  Bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. Hai Bà Trưng chính là những nữ anh hùng dân tộc đầu tiên mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam,"giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Hàng nghìn năm qua, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn rất đáng tự hào vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước mà những tấm gương tiêu biểu được nhân dân ta muôn đời lưu danh. Trong cuộc chiến chống Pháp lâu dài của nhân dân ta dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong và các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
        Từ năm 1927, khi mà các tổ chức quần chúng bắt đầu xuất hiện với rất nhiều phụ nữ tham gia như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ… và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ. Năm 1928,  nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh. Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã có hàng nghìn phụ nữ tham gia giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết. 
         Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập, kể từ khi thành lập Hội liên tục phát triển và trưởng thành, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và chứng tỏ phụ nữ đã là một phần không thể thiếu, đóng góp to lớn vào thành công của cách mạng Việt Nam. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt Nam". Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trải qua chiều dài hình thành và phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, người phụ nữ Việt Nam yêu nước ngày càng có tri thức, có sức khoẻ, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng.
2. Những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước 
        Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu như ngành dệt, may mặc, du lịch, công nghệ, dịch vụ… Quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đặc biệt, hệ thống các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được thành lập ở hầu hết các bộ, ngành và toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường bằng Luật Bình đẳng giới. Phụ nữ đã chứng to vị trí và vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội…
       + Về chính trị, về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây. Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có 131/483 nữ đại biểu trúng cử, đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên 27,12%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước... Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội chiếm gần 40%. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội là nữ (hiện nay Chủ tịch Quốc hội là nam), chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội là nữ chiếm 22,22%; phó chủ nhiệm các ủy ban là 6,45%; tất cả các ủy ban đều có thành viên là nữ; tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh là 26,54%, cấp huyện là 27,85% và cấp cơ sở là 26,59%. Những kết quả đó đã đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
       + Về kinh tế, Việt Nam là một trong 20 thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có gần 285,7 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó có 50,8 nghìn doanh nghiệp là công ty cổ phần, gần 140 nghìn công ty TNHH một thành viên, hơn 93 nghìn công ty TNHH hai thành viên trở lên và trên 1,5 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Qua khảo sát trên doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, Báo cáo của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ có hoạt động kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Tỷ lệ có lãi ở doanh nghiệp do nữ làm chủ là 64%, cao hơn tỷ lệ 63% ở doanh nghiệp do nam làm chủ. Phụ nữ đủ năng lực trình độ để đảm trách các vị trí quản lý khi có 68,6% chủ doanh nghiệp nữ có trình độ học vấn từ trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 71,9%. Trong những năm qua, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước, các doanh nhân nữ là những người nắm bắt rất nhanh các cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sáng tạo trong kinh doanh. Họ là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
       + Về văn hóa – xã hội, phụ nữ đã có những đóng góp hết sức to lớn trong hoạt động xã hội, nhiều phụ nữ ngành y tế, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể dục thể thao... đã đạt những danh hiệu cao quý, rất nhiều tấm gương điển hình đã trở thành nhân tố truyền cảm hứng cho giới trẻ. Đặc biệt, vai trò và vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục đã được cải thiện đáng kể, phụ nữ có đầy đủ năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn cũng như đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, tỷ lệ lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật từ đại học trở lên là 11,3% (nam là 10,1%). Đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ ngày càng tăng. Trong 5 năm (2015- 2020), số lượng nữ được phong hàm Phó Giáo sư tăng hơn 2,6 lần; nữ được phong hàm Giáo sư tăng 1,6 lần. Cụ thể, 10 năm qua, giáo dục đại học và trên đại học Việt Nam đã có bước chuyển mình, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho đất nước trong đó có nguồn lao động nữ.
3. Một số giải pháp để tăng cường đảm bảo vai trò và quyền lợi cho phụ nữ hiện nay
       Trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về sự bất bình đẳng giới, nhiều nhất là việc “bạo lực gia đình” vẫn đang diễn ra rất thường xuyên trong gia đình Việt hiện nay. Người chồng trong gia đình còn cấm cản người vợ tham gia các hoạt động xã hội hay phát triển kinh tế, họ còn quan niệm người phụ nữ chỉ cần chăm lo công việc nội trợ trong gia đình, trong một số ít cũng đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và đã biết chia sẻ công việc nội trợ giúp đỡ vợ để họ có thời gian tham gia công tác xã hội. Để hiểu và giúp đỡ người phụ nữ như vậy thì người đàn ông trong gia đình phải có tư duy đổi mới, có tri thức và nhận thức tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Nước ta được đánh giá rất cao trong công tác bình đẳng giới tại Đông Nam Á, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công tác xã hội, chính trị, kinh tế và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước rất cao (cao nhất Đông Nam Á). Để có được thành tích như hiện tại thì cần đề cao vai trò của “Hội phụ nữ Việt Nam” đã đứng lên đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam. Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy được hết vai trò của mình trong xã hội, cần một số giải pháp sau:
       Một là, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ được tiếp cận các thành tựu khoa học cũng như sự thay đổi trong thời kỳ mới, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và giúp đỡ phụ nữ học tập, công tác và tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa. Tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khoá X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TƯ, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
       Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới từ đó tổ chức lãnh đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo bước chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị. Phải nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương nông thôn, tổ chức phổ cập giáo dục tới mọi miền trên Tổ quốc, tích cực tổ chức tuyên truyền về công tác bình đẳng giới. Đây là một việc làm hết sức thiết thực và cần thiết. Để phụ nữ tự tin phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội thì trước tiên người phụ nữ cũng cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình, nhất là những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, họ luôn cho rằng mình là phái yếu không thể gánh vác các công việc của gia đình, xã hội. Bên cạnh đó để phát huy được vai trò của phụ nữ trong xã hội, Đảng, nhà nước cùng các cơ quan chính quyền địa phương cũng cần phải làm tốt công tác chính sách về bình đẳng giới trong xã hội; làm tốt việc tuyên truyền chống các hiện tượng kỳ thị, coi thường, bạo lực, thiếu tôn trọng với phụ nữ trong nhận thức của nam giới.
       Ba là, tổ chức các buổi gặp mặt, các chương trình tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội mới, giúp mọi người hiểu rõ được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin để phụ nữ cống hiến cho xã hội; cũng như tổ chức các giải thưởng khen thưởng hằng năm cho những phụ nữ ưu tú trong thực hiện công tác xã hội, phát triển kinh tế… Việc tuyên dương sẽ góp phần to lớn cổ vũ tinh thần, sự tự tin của người phụ nữ trong toàn thể xã hội dám nghĩ, giám làm và thấy được vai trò của mình đủ sức gánh vác và thực hiện tốt những công việc như những nam giới trong xã hội.
       Bốn là, cần quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, theo đó, cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Sớm xác định những ngành, những lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ, những chức danh lãnh đạo và quản lý cần có cán bộ nữ, từ đó có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và sử dụng. Chú ý phát hiện tài năng trẻ và có quy trình đào tạo, bồi dưỡng thích hợp để sớm đề bạt, sử dụng. Phụ nữ hiện đại phải không ngừng phấn đấu, vươn lên, nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực, tự nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo nghề nghiệp để từ đó vươn lên và phát huy tiềm năng đóng góp tích cực vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
      Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện…Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Họ xứng đáng là những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"./.

Tài liệu tham khảo:
(1).  Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 6, tr.432.
1. http://consosukien.vn/phu-nu-ngay-cang-dong-gop-quan-trong-vao-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-dat-nuoc.htm
2.  https://hnmu.edu.vn/vi-su-tien-bo-cua-phu-nu/vai-tro-cua-phu-nu-trong-xa-hoi-hien-nay.html
3. http://www.xaydungdang.org.vn/Home/van-hoa-xa-hoi/2018/11347/Vai-tro-to-lon-cua-phu-nu-Viet-Nam.aspx
4. http://huyenuy.namtramy.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=1292&Group=210&NID=3078&vai-tro-cua-phu-nu-trong-xa-hoi-theo-tu-tuong-ho-chi-minh
5. http://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-lien-hiep-phu-nu-viet-nam-90-nam-truong-thanh-va-phat-trien-34908-1301.html
6. https://truyenhinhnghean.vn/xa-hoi/201303/vai-tro-quan-trong-cua-phu-nu-trong-doi-song-kinh-te-xa-hoi-623523/

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay4,518
  • Tháng hiện tại142,342
  • Tổng lượt truy cập8,914,389
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây