ĐỂ BÀI GIẢNG TRÌNH CHIẾU TRỰC TUYẾN CÓ SỨC HẤP DẪN

Thứ hai - 28/03/2022 06:10 1.494 0
Trong hơn 01 năm qua, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và ở Trường Chính trị Bình Phước nói riêng chuyển dần từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, đòi hỏi người giảng viên phải chuẩn bị bài giảng thật chu đáo, trong đó có bài giảng trình chiếu.
ĐỂ BÀI GIẢNG TRÌNH CHIẾU TRỰC TUYẾN CÓ SỨC HẤP DẪN
Có thể nói, tính năng và hiệu quả của bài giảng trình chiếu là rất lớn trong công tác giáo dục nói chung, giáo dục lý luận chính trị nói riêng, nó góp phần làm tăng hiệu quả giờ giảng một cách rõ rệt và giảm rất nhiều chi phí cho công tác thiết kế bài giảng. Nó cho phép đưa văn bản, tranh ảnh, âm thanh, các đoạn video minh họa cho bài giảng, các bài tập trắc nghiệm, các mô hình động ... có tính linh hoạt hơn và dễ làm, ít tốn kém về kinh tế. Đặc biệt hữu dụng hơn rất nhiều khi giảng viên biết khai khác thông tin qua mạng Internet để đưa vào bài giảng.
Tuy nhiên, để thiết kế một bài giảng trình chiếu thêm sinh động, nhất là khi thực hiện giảng dạy trực tuyến thì việc thiết kế bài giảng trình chiếu trực tuyến phải khoa học và hấp dẫn, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, người giảng viên phải có sự đầu tư, tìm tòi, suy nghĩ. Xuất phát từ thực tế và kinh nghiệm của bản thân, xin được nêu ra một số những điểm cần chú ý để bài giảng trình chiếu trực tuyến có thêm sức hấp dẫn, rất mong các đồng nghiệp cho ý kiến thêm.
Một là, giảng viên cần chú ý cách phối màu nền và màu chữ
Trong một số bản trình chiếu, để bắt mắt hơn đôi khi chúng ta hay lạm dụng những hình ảnh quá sặc sỡ, quá nhiều chi tiết cầu kỳ, hoặc phối màu nền và màu chữ không bảo đảm quy tắc tương phản nên khi chiếu rất khó quan sát nội dung. Do đó, chỉ nên sử dụng chữ màu đậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền đậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu trắng hay vàng. Nền nên sử dụng màu đơn sắc, không nên sử dụng các bức tranh có quá nhiều các gam màu khác nhau hoặc có quá nhiều chi tiết vẽ cầu kỳ, dễ dẫn đến khó phối màu chữ phù hợp cho tất cả chi tiết bức tranh và gây ra phân tán cho đối tượng người học. 
Hai là, cần chú ý đến font chữ và cỡ (size) chữ trên slide
Giảng viên thường có khuynh hướng dùng cỡ chữ nhỏ để chứa thật nhiều thông tin trên một slide. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không phù hợp vì mặc dù là giảng trực tuyến, học viên ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại nhưng chữ nhỏ nhìn lâu sẽ mỏi mắt, hơn nữa do dùng cỡ chữ nhỏ nên lượng chữ trên một slide nhiều, nhìn sẽ rối. Vì vậy, font chữ phù hợp là font chữ đậm, rõ và gọn, hạn chế dùng các font chữ mảnh dễ mất nét khi trình chiếu; cỡ chữ phù hợp là 28 trở lên.
Ba là, cần chú ý về hiệu ứng
Các hiệu ứng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, chuyển động được sử dụng có mức độ, hợp lý, tránh lạm dụng, không gây nhiễu loạn làm mất tập trung vào bài học. Đối tượng học viên học lý luận chính trị là cán bộ, công chức, viên chức, những người có độ tuổi nhất định. Do đó, việc sử dụng hiệu ứng quá nhiều sẽ làm học viên phân tán sự chú ý, mất tập trung đến kiến thức chính trong bài học dẫn  đến ảnh hưởng bất lợi. Chẳng hạn, hiệu ứng cho con chữ xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc, chuyển động bay bướm, vòng vèo, chậm chạp, các dòng chữ chuyển động quá cầu kỳ hoặc rời rạc; màu sắc sặc sỡ, loè loẹt; âm thanh ồn ào chối tai khi chuyển slide… đều không phù hợp với lứa tuổi học viên học lý luận chính trị.
Bốn là, về nội dung trên mỗi slide 
Một trong những nhược điểm khá lớn mà một số giảng viên thường mắc phải khi thiết kế các slide trình chiếu là mỗi slide chứa đựng quá nhiều thông tin, quá nhiều chữ. Do đó, khi học viên theo dõi bài giảng không biết ghi cái gì và không ghi cái gì. Thực tế cho thấy, nếu học viên chú ý đến những slide để ghi chép thì không kịp và không nghe được lời giảng viên đang giảng, còn nếu không ghi chép để chú ý nghe thì hết cả bài giảng học viên cũng không ghi chép được gì cả.     
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để học viên có thể ghi chép được những nội dung cơ bản của bài học. Theo tôi, dù phương tiện có hiện đại đến mấy, máy móc cũng không thể thay thế được con người. Do đó, người giảng viên không được biến phương tiện máy chiếu, máy tính trở thành phương pháp giảng dạy. Muốn vậy, nội dung trên mỗi slide chỉ nên là những nội dung rất cơ bản đã được giảng viên chắt lọc, khái quát, hệ thống. Cùng với nó là những slide chứa đựng hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, video… minh họa cho những nội dung mà giảng viên đang phân tích. Những nội dung mang tính diễn giải, phân tích cần được giảng viên thiết kế bằng những slide theo sơ đồ tư duy để học viên dễ ghi, dễ nhớ, dễ theo dõi (thay vì nếu giảng trực tiếp thì việc này sẽ thực hiện trên bảng đen, phấn trắng). 
Năm là, không nên chèn ảnh động chỉ mang tính trang trí trong bản trình chiếu
Việc chèn các ảnh động hoặc sử dụng hiệu ứng cho một đoạn hay một dòng văn bản luôn chuyển động trong suốt thời gian trình chiếu sẽ gây nên sự phân tán cho học viên bởi tính mới lạ của nó. Thay vì tập trung vào nội dung bài giảng, học viên sẽ cố quan sát chuyển động để tìm ra quy luật chuyển động của bức ảnh hoặc của dòng chữ đó mà quên đi mục đích của việc đang ngồi nghe giảng vấn đề gì.
Sáu là, cần có bản thiết kế những slide dự phòng linh hoạt cho bài giảng
Khi thiết kế bài giảng điện tử trực tuyến, để bảo đảm tính cơ động ta cũng nên thiết kế thêm một số các phương án phụ có thể giải quyết khi còn thời gian hoặc khi áp dụng bài giảng cho các đối tượng có trình độ, công tác ở những lĩnh vực khác nhau. Hoặc cũng có thể kết hợp với một số tính năng khác của Google Meet, trong đó tính năng thiết kế biểu mẫu để làm câu hỏi trắc nghiệm, khảo sát học viên rất phổ biến và hữu ích. Làm tốt điều này sẽ tránh được sự bị động trong giảng dạy và tạo sự khác biệt trong mỗi giờ giảng với từng đối tượng học viên.
Bảy là, một bài giảng trình chiếu trực tuyến được thiết kế rất công phu, có sự đầu tư bài bản của người giảng viên đem đến sự thành công trong mỗi bài giảng trực tuyến khi người giảng viên hiện mới đang chỉ dùng một phương tiện duy nhất là máy tính. Tuy nhiên, một bài giảng trình chiếu thực sự hấp dẫn khi người giảng viên biết dùng nó theo đúng nghĩa một phương tiện hỗ trợ trong giảng dạy chứ không phải là một phương pháp. 
Như vậy, có thể thấy rằng, để có một bài giảng trình chiếu trực tuyến hấp dẫn và hiệu quả, đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức về trình chiếu; đồng thời phải có một phông kiến thức rộng, sự hiểu biết phong phú, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp giảng dạy và phương tiện là các slide trình chiếu. Có như vậy, việc sử dụng các slide trình chiếu mới có ý nghĩa, hiệu quả và bài giảng trình chiếu trực tuyến mới thực sự hấp dẫn người học. Nhất là trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp phải chuyển qua hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến thì bài giảng trình chiếu càng cần phải được giảng viên đầu tư nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả cao.

Tác giả bài viết: ThS.Nguyễn Thị Khuyến

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,040
  • Tổng lượt truy cập9,145,402
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây