Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Với sứ mệnh tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam cùng sự chi viện của miền Bắc XHCN để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

Thứ hai - 13/12/2021 05:05 3.543 0
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam với mục tiêu đoàn kết nhân dân chống lại đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Việt Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
111
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập Mặt trận. Ảnh tư liệu (baotanglichsu.vn)
        Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với những nhiệm vụ đặt ra là hết sức cấp bách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân miền Bắc từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng, cơ sở cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta về sau. Tại miền Nam, Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai Ngô Đình Diệm. Chính quyền này, ngay từ đầu đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, mở các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, tàn sát những người kháng chiến cũ, những người đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cách mạng miền Nam chịu tổn thất hết sức nặng nề, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc và tay sai ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cần phải có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng.
         Đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và đòi hỏi của cách mạng, tháng 01-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) tiến hành kiểm điểm tình hình trong nước từ khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đề ra nhiệm vụ, đường lối cách mạng chung của cả nước và miền Nam. Tại Hội nghị, Đảng ta chỉ rõ: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”(1). Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề ra một cách toàn diện đường lối cách mạng; đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, tạo bước nhảy vọt của phong trào cách mạng ở miền Nam.
         Tại Đại hội III (9-1960) Đảng tiếp tục vạch ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(2). Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về bạo lực cách mạng, đồng thời căn cứ vào thực tiễn cách mạng miền Nam, để tập hợp lực lượng, thực hiện nhiệm vụ cách mạng đề ra, trên cơ sở Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9-1960) khẳng định, ở miền Nam phải “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công-nông làm cơ sở”(3).
          Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các đảng phái đã tổ chức đại hội và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Quyết định đó thể hiện tư duy tầm nhìn chiến lược của Đảng ta đối với cách mạng miền Nam.

       Chủ trương của Mặt trận là: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ; thành lập một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách tập trung, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”(4).
       Đại hội đã ra Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam, thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và đô thị lớn tham gia mạnh mẽ vào phong trào cách mạng miền Nam.

         Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, thì các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng nhanh chóng ra đời như: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng; Hội Liên hiệp thanh niên học sinh; Hội Nông dân giải phóng; Hội liên hiệp phụ nữ giải phóng; Hội Lao động giải phóng (sau đổi thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng); Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam.
         Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I đã cử ra Ủy ban Trung ương chính thức gồm 52 đại biểu. Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch. Ngày 11/11/1964 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ II. Mặt trận đã không ngừng cũng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt: quân sự, chính trị và ngoại giao, uy tín của Mặt trận được nâng cao trên trường quốc tế. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Với ý nghĩa là nữa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập, nữa dưới (màu xanh dương) tượng trung cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách độ hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
        Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Quốc hội thành lập Nhà Nước, Chính phủ thống nhất, đồng thời quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thức của nước Việt Nam, điều đó thể hiện hai miền đã được thống nhất, non sông thu về một mối. Từ khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, cách mạng miền Nam ở thế tiến công mạnh mẽ, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng. Đứng trước nguy cơ sụp đổ, Mỹ - ngụy buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Nhân dân miền Nam miền Nam bước vào giai đoạn đấu tranh mới đầy gay go, quyết liệt. Với thế mới, lực mới và trong thế trận chung cả miền Nam. 
           Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã thể hiện được tầm quan trọng, cũng như vai trò của của Mặt trận đối với cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ngọn cờ của Mặt trận, nhân dân miền Nam đã sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng phong phú, đa dạng và hết sức mềm dẻo, linh hoạt, qua đó khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Sự ra đời đó đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khát vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận đã khẳng định vai trò to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết mợi lực lượng, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ để tiến tới hòa bình thống nhất đất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 20, tr.82.
(2) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, tập 20, tr.81.
(3) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, tập 21, tr.920.
(4) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Trọng Tân, Tạp chí Mặt Trận, số 86, 12/2010.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Phương Nhung

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay4,056
  • Tháng hiện tại141,880
  • Tổng lượt truy cập8,913,927
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây