Vai trò của đoàn viên, thanh niên Bình Phước trong phong trào cách mạng giải phóng tỉnh Bình Phước, góp phần vào Đại thắng mùa xuân năm 1975

Chủ nhật - 19/03/2023 22:26 722 0
Trong thời kỳ đấu tranh gian khổ và quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ, sự đùm bọc thương yêu của nhân dân, đoàn viên, thanh niên Bình Phước đã từng bước khẳng định mình, ngày càng bản lĩnh và trưởng thành. Trong những năm tháng lịch sử đó, đoàn viên, thanh niên Bình Phước đóng vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng giải phóng Tỉnh nhà, góp phần vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Thanh niên Bình Long làm nghĩa vụ dân công hỏa tuyến. Nguồn: Báo Bình Phước
Thanh niên Bình Long làm nghĩa vụ dân công hỏa tuyến. Nguồn: Báo Bình Phước
     Đoàn viên, thanh niên Bình Phước với tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bám trụ, bám dân, xung kích, đi đầu trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần cùng quân và dân trong tỉnh và cả nước tạo nên Đại thắng mùa Xuân 1975 nước nhà được độc lập, thống nhất. Vai trò đó, được thể hiện qua những dấu ấn nổi bật sau:
     Một là, đoàn viên, thanh niên Bình Phước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố “hậu phương tại chỗ” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ - Nguỵ
     Sau Hiệp định Paris, Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, Trung ương cục quyết định chuyển Bộ chỉ huy các lực lượng quân giải phóng miền Nam về căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh) để thuận tiện trong chỉ đạo, lãnh đạo. Với vị trí địa quan trọng - Bình Phước đã hình thành khu căn cứ địa liên hoàn từ Bắc vào Nam.
     Tháng 7/1973, Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại chiến khu R Tân Biên (Tây Ninh); Đại hội quyết định phát động phong trào thanh niên “Ba xung phong giành, giữ hòa bình”, bao gồm:  1) xung phong đấu tranh chính trị, 2) xung phong tham gia xây dựng lực lượng vũ trang; 3) xung phong xây dựng vùng giải phóng và căn cứ cách mạng. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương Cục, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn miền và Nghị quyết của Tỉnh ủy, trong những năm 1973- 1975 hoạt động của Tỉnh Đoàn Bình Phước được đẩy mạnh về mọi mặt, soi rọi tình hình địa phương, đề ra nhiệm vụ mới, tiếp tục tiến công cách mạng; tăng cường lực lượng thanh niên cho các đội công tác, các huyện, xã, lực lượng vũ trang lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tham gia đường vận tải 559 đoạn cuối ở Bình Phước, tạo điều kiện về vật chất, vũ khí cho lực lượng ta đóng trên địa bàn tỉnh tiến công địch.
     Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt tham gia củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp, xây dựng lực lượng vũ trang và an ninh địa phương; tham gia tích cực các phong trào do Đoàn phát động. Nhiều nơi trước kia đội du kích còn yếu và thiếu, qua các đợt hoạt động, lực lượng thanh niên được tăng cường, có khả năng độc lập tác chiến.
     Đoàn viên thanh niên cùng với lực lượng du kích tăng cường tuần tra canh gác, gương mẫu trong sản xuất để vận động bà con làm theo. Ở các vùng địch đánh phá hủy diệt, biến thành đồng hoang, nhà riêng…đoàn viên thanh niên đến xung phong để sản xuất làm gương cho mọi người làm theo.
     Hai là, đoàn viên, thanh niên Bình Phước là lực lượng góp phần tích cực trong các chiến thắng quan trọng để giải phóng tỉnh nhà tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
     Trong chiến dịch đường 14- Phước Long đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Phước được giao trọng trách bám địa bàn cùng với các lực lượng địa phương đẩy mạnh ba mũi giáp công, kiềm địch, tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ gìn bí mật an toàn cho các lực lượng triển khai kế hoạch tấn công.
     Bên cạnh đó, ra sức củng cố thực lực cách mạng bên trong tạo thế cho quần chúng trong vùng bị kiềm sẵn sàng nổi dậy phá ấp chiến lựợc với tinh thần ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã.
     Đối với vùng căn cứ, vùng giải phóng lực lượng thanh niên là nòng cốt thổ tải vũ khí, lương thực đến nơi tập kết, chuẩn bị hậu cần tại chỗ, huy động đoàn viên thanh niên phục vụ hỏa tuyến. Tiểu đoàn thanh niên xung phong cùng với hàng ngàn đồng bào, hàng chục voi mở đường, làm cầu, thổ tải lương thực, đạn dược, phục vụ hỏa tuyến, phục vụ các yêu cầu của chiến trường.
     Ngoài ra, lực lượng thanh niên Bình Phước phối hợp với hậu cần Miền, hậu cần của các sư đoàn chủ lực, xây dựng kho tàng, hầm chống bom pháo, dẫn dân ra vùng an toàn, chuẩn bị căn cứ cho các đội phẫu thuật, các trạm xá cứu chữa quần chúng và nhân dân bị thương. Xây dựng chuẩn bị vùng an toàn ở Tây Nam Phước Bình, Bù Đăng và dọc sông Đồng Nai để đón dân vùng chiến ác liệt bung ra, chuẩn bị các trại tạm giam tù binh, hàng binh. Đến ngày 6/1/1975 ta tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền ở Phước Long, thu 5.000 súng các loại, bắn rơi 5 máy bay, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng hơn 50.000 dân[1]. Chiến thắng Phước Long là đòn trinh sát chiến lược; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.
     Sau giải phóng Phước Long (6/1/1975) quân địch ở An Lộc - Bình Long hoang mang, ngày 23/3/1975, địch rút chạy khỏi Bình Long. Được tin giặc tháo chạy, quân ta tiến hành truy kích sau đó bao vây chi khu Chơn Thành. Địch co cụm về chi khu Chơn Thành, coi đây trận địa tiền tiêu án ngữ trên đường 13, cửa ngõ trấn giữ Tây Bắc Sài Gòn. Quân dân Bình Phước trong đó có đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng với bộ đội chủ lực vây ép chặt và tấn công Chơn Thành, ngày 2/4/1975, ta giải phóng hoàn toàn Chơn Thành, cũng là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Phước. Chiến thắng Phước Long, Chơn Thành và toàn tỉnh Bình Phước được giải phóng đã phá vỡ một trong những tuyến phòng ngự kiên cố của địch ở phía Tây Bắc Sài Gòn, bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực hành quân vào vị trí tập kết lực lượng và chiếm lĩnh bàn đạp tấn công Sài Gòn.
     Ba là, đoàn viên, thanh niên Bình Phước tích cực tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử góp sức giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam
     Sau khi Bình Phước hoàn toàn giải phóng, quân và dân trong tỉnh chủ yếu một mặt ra sức ổn định tình hình, xây dựng và bảo vệ vùng mới giải phóng; mặt khác, hăng hái tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần vào thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975. Lực lượng đoàn viên, thanh niên Bình Phước đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc để bảo vệ quê hương và giải phóng miền Nam; quân dân các tỉnh miền Nam cũng sôi sục khí thế tiến công vào các sào huyệt địch để giải phóng địa phương và tiến tới giải phóng Sài Gòn để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu giang sơn về một mối. Trên tinh thần và khí thế ấy, hơn 2000 đồng bào tỉnh Bình Phước chủ yếu là đoàn viên, thanh niên đã nô nức tình nguyện đi dân công phục vụ tiền tuyến với khẩu hiệu “đâu còn giặc là ta cứ đi”.
     Như vậy, cùng với cả nước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bình Phước diễn ra dưới hình thức của một cuộc chiến tranh nhân dân, là một quá trình đấu tranh liên tục, quyết liệt, kết hợp tiến công và nổi dậy tiêu diệt, đánh tan sinh lực địch, từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Góp phần vào chiến thắng này, đoàn viên, thanh niên Bình Phước luôn thể hiện bản lĩnh xung kích đi đầu trong các mặt trận công tác; xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đoàn viên thanh niên Bình Phước đã lập nhiều chiến công, thể hiện nổi bật phẩm chất của cả một thế hệ có giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, dám chấp nhận hy sinh gian khổ, ác liệt, sẵn sàng xả thân vì quê hương đất nước.
anh 2
Thanh niên tiên tiến học và làm theo lời Bác tỉnh Bình Phước chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại
Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Nguồn: Tỉnh Đoàn Bình Phước

 
     Từ thời khắc lịch sử thiêng liêng của mùa xuân năm ấy, đất nước Việt Nam trong đó có quê hương Bình Phước đã bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; tiếp tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Mỗi đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn hiện nay cần chuẩn bị nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ và nhất là phẩm chất đạo đức cách mạng và niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành tốt trọng trách là “chủ nhân tương lai” của đất nước. Để đạt được điều đó, đoàn viên, thanh niên cần thực sự nỗ lực, tích cực, tự giác trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, thấm nhuần tinh thần của đoàn viên, thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị nòng cốt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tỉnh Bình Phước cần quan tâm, tạo cơ hội, điều kiện và môi trường cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, trưởng thành, khơi dậy tiềm năng và phát huy vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé, Lịch sử Đảng bộ Sông Bé tập 1 (1930 – 1954).
2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé, Lịch sử Đảng bộ Sông Bé tập 2 (1954 – 1975).
3. Tỉnh Đoàn Bình Phước, Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bình Phước 1931 – 2012.
4. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Phước (2015), Địa chí tỉnh Bình Phước tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[1] Lịch sử Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bình Phước 1931 - 2012, trang 55, năm 2013.
 

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay6,525
  • Tháng hiện tại201,788
  • Tổng lượt truy cập7,579,537
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây