Nâng cao năng lực tư duy biện chứng cho học viên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
P.A.Trà
2022-03-18T03:13:04-04:00
2022-03-18T03:13:04-04:00
https://truongchinhtri.edu.vn/home/thong-tin-nghien-cuu-trao-doi/nang-cao-nang-luc-tu-duy-bien-chung-cho-hoc-vien-truong-chinh-tri-tinh-binh-phuoc-1535.html
/home/themes/egov/images/no_image.gif
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
https://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/2023_1.png
Tư duy biện chứng và năng lực tư duy biện chứng giữ vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động thực tiễn cũng như nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, tư duy biện chứng khoa học còn là một trong những phương pháp chủ yếu để các nhà khoa học tiến tới các chân lý khoa học; không có tư duy biện chứng khoa học thì việc tìm kiếm nguồn tri thức khoa học, vượt qua định kiến, cách suy nghĩ theo thói quen, giáo điều, v.v.. sẽ khó khăn; việc loại trừ, phản bác những hạn chế, sai lầm trong tranh luận trở nên không hiệu quả.
Giảng dạy và học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị có mục tiêu chung là trang bị kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo quản lý; kỹ năng lãnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Để đạt được mục tiêu đó, học viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về nhiều lĩnh vực, như kinh tế; chính trị; pháp luật…. Đặc biệt là năng lực tư duy biện chứng. Bởi vì năng lực tư duy biện chứng là sức mạnh không thể thiếu được của mỗi con người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận” [1]. Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [2]. Như vậy, tư duy và năng lực tư duy trong mọi thời đại luôn có vai trò to lớn, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Năng lực tư duy biện chứng là một bộ phận cấu thành năng lực tư duy, nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Năng lực tư duy biện chứng đòi hỏi chủ thể nhận thức không chỉ có tri thức khoa học sâu rộng mà còn phải biết vận dụng linh hoạt, mềm dẻo những tri thức đó vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Nhưng để có khả năng vận dụng những tri thức chung nhất của phép biện chứng duy vật vào giải quyết những vấn đề cụ thể, đòi hỏi chủ thể nhận thức phải hiểu biết sâu sắc và nắm vững được phép biện chứng duy vật. Có như vậy mới hình thành được năng lực tư duy biện chứng.
Như vậy, năng lực tư duy biện chứng là khả năng nắm bắt và vận dụng tri thức vào cuộc sống của con người, là khả năng phản ánh ở mức độ cao bằng suy nghĩ, liên tưởng, phát hiện và xử lý thông tin trong những tình huống những hoàn cảnh cụ thể.
Thực chất của nâng cao năng lực tư duy biện chứng thực chất là nâng cao trình độ hiểu biết về tư duy biện chứng duy vật và vận dụng các phương pháp của tư duy biện chứng duy vật để giải quyết những vấn đề nhận thức và thực tiễn đang đặt ra.
Nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp, con đường khác nhau, nhưng thông qua con đường giảng dạy, học tập phần nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê nin là chủ yếu. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy phần nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin (Triết học Mác- Lênin) cần rèn luyện phương pháp biện chứng cho học viên thông qua các nội dung sau.
Một là, rèn luyện cho học viên có quan điểm toàn diện trong nhận thức và hành động. Quan điểm toàn diện đòi hỏi học viên nhận thức sự vật phải đặt trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật để hiểu rõ bản chất của sự vật. Từ đó giúp cho học viên có thể nhận diện và phê phán quan điểm phiến diện trong nhận thức và hành động.
Hai là, rèn luyện cho học viên có quan điểm phát triển trong nhận thức và hành động. Quan điểm phát triển đòi hỏi học viên không chỉ nắm bắt cái hiện đang tồn tại của sự vật, mà còn phải thấy rõ khuynh hướng phát triển trong tương lai của chúng; phải thấy được những biến đổi đi lên cũng như những biến đổi có tính chất thụt lùi. Cần giúp học viên nhận diện và phê phán quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến trong nhận thức và hành động.
Ba là, rèn luyện cho học viên có quan điểm lịch sử – cụ thể trong nhận thức và hành động. Quan điểm lịch sử – cụ thể đòi hỏi học viên khi nhận thức sự vật và tác động vào sự vật phải chú ý điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, môi trường cụ thể mà trong đó sự vật sinh ra, tồn tại, phát triển.
Bốn là, rèn luyện phương pháp biện chứng cho học viên qua nghiên cứu các mối quan hệ biện chứng giữa “cái riêng” và “cái chung”, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, khả năng và hiện thực.
Năm là, rèn luyện phương pháp biện chứng cho học viên qua nghiên cứu những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Giúp học viên thấy được phương thức, nguồn gốc, khuynh hướng vận động phát triển của sự vật, hiện tượng.
Sáu là, rèn luyện phương pháp biện chứng cho học viên qua con đường nhận thức chân lý, mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận; đồng thời học tập các phương pháp nhận thức khoa học, như phương pháp thu nhận tri thức kinh nghiệm, các phương pháp xây dựng và phát triển lý thuyết khoa học: phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, lịch sử và lôgíc, từ trừu tượng đến cụ thể…
Nội dung giáo dục nhằm rèn luyện phương pháp biện chứng cho học viên rất phong phú. Mỗi một nội dung trên cũng bao gồm nhiều khía cạnh có tác dụng giúp học viên rèn luyện phương pháp biện chứng đây là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực tư duy biện chứng.
Tính hiệu quả và thiết thực trong dạy học được đánh giá bằng sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng, nhân cách và năng lực tư duy của người học. chính vì vậy tất cả giảng viên không ngừng tích lũy kinh nghiệm và tích cực trao dồi kỹ năng giảng dạy, có kiến thức thực tế sâu rộng, thường xuyên thực hiện dạy học theo phương pháp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, đáp ứng được nhiệm vụ ngày cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường chính trị tỉnh Bình Phước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. C.Mác – Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr 489
[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr 233
Tác giả bài viết: P.A.Trà
Nguồn tin: Trường Chính trị