Ảnh: Tư liệu – Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ nhất, về cơ sở lý luận
Chủ nghĩa Mác – Lênin luôn quan tâm và xem trọng vai trò của trí thức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên trí thức cũng có ưu điểm và hạn chế, trong lúc đánh giá nhận xét về trí thức phải thật sự khách quan, tránh cả hai xu hướng quá thổi phồng hoặc xem nhẹ, chỉ có như vậy mới phát huy được vai trò, năng lực của trí thức phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen mỗi chế độ xã hội khác nhau, vai trò của trí thức cũng được phát huy ở những mức độ khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của chế độ xã hội cụ thể:
Dưới chế độ tư bản, trí thức được sử dụng vì mục tiêu làm giàu của giai cấp tư sản, duy trì chế độ tư bản để bóc lột lao động làm thuê, tăng lợi nhuận tối đa với hình thức làm công ăn lương. Trải qua các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, một mặt được giai cấp vô sản giác ngộ, mặt khác bản thân nhiều trí thức đã giác ngộ và tự nguyện gia nhập vào giai cấp sản. C.Mác chỉ rõ: “chỉ có giai cấp công nhân mới có thể giải phóng trí thức khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, tạo ra những điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của trí thức đạt hiệu quả. Khi trí thức của xã hội cũ được giác ngộ ý thức của giai cấp công nhân, đi theo và thấm nhuần thế giới quan của giai cấp công nhân thì họ sẽ trở thành “giai cấp vô sản lao động trí óc”(1).
V.I.Lênin phát triển quan điểm C.Mác - Ph.Ăngghen về trí thức và đưa ra những luận điểm bổ sung quan trọng về trí thức. Theo V.I.Lênin, trí thức không phải là một giai cấp độc lập vì họ không có quan hệ sở hữu riêng và trực tiếp đối với tư liệu sản xuất. Trong các xã hội có đối kháng và khác biệt giai cấp, trí thức luôn mang tính chất trung gian. Họ sẽ nghiêng về giai cấp nào mà đáp ứng lợi ích thiết thân cho họ. Trong một chế độ xã hội cụ thể, trí thức luôn thuộc về giai cấp thống trị do hệ thống giáo dục của nhà nước, của thể chế chính trị ấy tạo ra. Chính vì vậy, trí thức dù tự giác hay không đều phục vụ cho giai cấp thống trị. Bởi lẽ, “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(2). Nhưng trong một chế độ áp bức, bóc lột trí thức không thể không nhập cục với giai cấp thống trị. Theo V.I.Lênin lao động của trí thức mang tính độc lập cao và đậm dấu ấn cá nhân. V.I.Lênin viết: “so với giai cấp vô sản thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức”(3).
C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đều khẳng định trí thức có vai trò to lớn đối với phát triển xã hội. V.I.Lênin viết: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được”(4). Bởi lẽ, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. V.I.Lênin cho rằng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng của giai cấp công nhân nhất thiết phải “phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tư sản”(5) và đào tạo trí thức của mình; Đảng của giai cấp công nhân phải biết “tạo ra tầng lớp trí thức riêng của mình”(6). V.I.Lênin căn dặn Đảng của giai cấp công nhân cần phải đào tạo cho được ngày càng nhiều chuyên gia, trí thức, tạo điều kiện làm việc, phát huy sức sáng tạo của trí thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của trí thức được thể hiện cả trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người xác định: "Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến lên chủ nghĩa xã hội"(7). Vai trò của trí thức vô cùng to lớn trong cách mạng Việt Nam, đây là vai trò của những trí thức chân chính, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986) đã định ra đường lối đổi mới toàn diện, và vấn đề trí thức được mở ra với những điểm sáng mới, trong đó xác định cần cải tiến phương thức lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ phải quán triệt quan điểm của Đảng đối với trí thức xã hội chủ nghĩa và phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ: “Đối với trí thức, điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo, đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển. Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân, nông dân”(8).
Cương lĩnh chính trị Đại hội VII (1991) có đoạn viết: “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”(9) . Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra quan niệm về trí thức: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội"(10).
Thứ hai, cơ sở thực tiễn
Lịch sử xã hội loài người đã chỉ rõ, sự xuất hiện các giai cấp, tầng lớp trong xã hội là khách quan do mối quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất quy định như: công nhân gắn liền với công nghiệp, nông dân với nông nghiệp, trí thức với khoa học công nghệ. Mỗi giai cấp, tầng lớp đều có đặc điểm, vai trò riêng đối với sự phát triển của xã hội và có nhu cầu lợi ích chung là được giải phóng, được ấm no, tự do hạnh phúc trên cơ sở xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính vì vậy mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Trí thức có các đặc điểm cơ bản về: phương thức sản xuất; chính trị; văn hóa- xã hội; hệ tư tưởng. Phương thức sản xuất của trí thức là độc lập, nghiên cứu, sáng tạo cá nhân. Sản phẩm của trí thức chủ yếu tồn tại dưới dạng các giá trị lý thuyết, tinh thần, mà chưa phải là sản phẩm tiêu dùng tồn tại dưới dạng vật chất, vật thể.
Trí thức không có hệ tư tưởng riêng, tư tưởng của trí thức phụ thuộc vào tư tưởng của các giai cấp thống trị xã hội như: giai cấp( chủ nô; phong kiến; tư sản và giai cấp công nhân), nên trí thức không có lập trường tư tưởng vững vàng. Tuy không có hệ tư tưởng riêng nhưng trí thức lại có một năng lực đặc biệt là khả năng khái quát xây dựng hệ tư tưởng cho các giai cấp thống trị xã hội. Chính vì vậy, các giai cấp thống trị xã hội luôn quan tâm đào tạo cho được một đội ngũ trí thức nhằm phục vụ cho sự lãnh đạo của giai cấp thống trị. Đại biểu cho trí thức của các giai cấp thống trị xã hội như: Đại biểu cho trí thức chủ nô là Aristote, platon; đại biểu cho trí thức phong kiến: Khống Tử, Lão Tử, Tuân Tử, Mạc Tử, Hàn Phi Tử; đại biểu cho trí thức tư sản: Adam Smith, David Ricardo; đại biểu cho trí thức công nhân là: C.Mác-Ăngghen, Lênin.
Thứ ba, phát huy vai trò của trí thức nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, liên hệ địa phương và đề xuất giải pháp.
Phát huy vai trò của trí thức đối với sự phát triển của xã hội nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân:
Trong lịch sử nhân loại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Tri thức ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thời gian từ nghiên cứu lý thuyết, phát minh, sáng chế đến thời điểm ra đời của các sản phẩm tiêu dùng xã hội ngày càng được rút ngắn. Trong kinh tế tri thức, các hoạt động sáng tạo, truyền bá và sử dụng tri thức được coi là động lực chủ yếu để tạo ra việc làm, của cải và tăng trưởng trong tất cả các ngành kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội. Tri thức hay kiến thức (tiếng Anh: knowledge) bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, cả "tri" lẫn "thức" đều có nghĩa là biết(11). Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin (12).
Trí thức Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều trí thức đã trở thành những tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, thương dân, hy sinh vì dân như: giáo sư Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, Bác sĩ Tôn Thất Tùng,v.v. Vì vậy, Nhân dân đã ghi công và tôn vinh trí thức “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và sức mạnh của tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sự phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, vừa có thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, đặt ra yêu cầu cao về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt tham gia nghiên cứu nghiên cứu, phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ, đồng thời áp dụng những tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trí tuệ, năng lực của đội ngũ trí thức vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tư vấn, phản biện, giám định trên các lĩnh vực, các phương diện của đời sống xã hội; góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của trí thức cho thấy, trí thức Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa có sư mệnh lịch sử là giai cấp tiên phong trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công nhân- nông dân- trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Liên hệ địa phương và đề xuất giải pháp:
Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về xây dựng đội ngũ trí thức. Đảng bộ tỉnh Bình Phước luôn quan tâm đến công tác giáo dục – đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ, xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tỉnh. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị, Trường Cao đẳng Bình Phước; tăng cường liên kết đào tạo đại học, sau đại học; xây dựng Trường Cao đẳng Bình Phước đào tạo đa ngành, gắn đào tạo nghề với nhu cầu nguồn nhân lực của các lĩnh vực” (13) ; theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X: “ đội ngũ trí thức từng bước lớn mạnh”(14), góp sức cho lĩnh vực khoa học, công nghệ của tỉnh phát triển. Muốn phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh, đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh đến năm 2030; cần xây dựng chiến lược phát triển, có kế hoạch, quy hoạch cụ thể; thực hiện đồng bộ ba giải pháp chính đó là: đào tạo, tự đào tạo và thu hút trí thức. Có cơ chế quy hoạch đào tạo - bồi dưỡng gắn liền với sử dụng đúng người, đúng việc, đúng sở trường năng lực; tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần đối với trí thức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, Sự Thật, Hà Nội, 1995, tập 17, tr.732
2. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 35, tr.552
3 . V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 51, tr.18.
4. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 49, tr.217.
5 .V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 50, tr.170
6. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1977, tập 39, tr.480
7. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 6, tr.203
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI, 1987, tr.115.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII, 1991, tr.15
10. Đảng Cộng sản Việt Nam(2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.81 – 82
11. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt-Nam Tự-Điển, Trung-Bắc Tân-Văn, 1931
12. OCDE/GD(96), The Knowledge-Based Economy, Organisation For Economic Co-operation and Development, Paris 1996.
13. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tr. 104 -105.
14. Sdd. Tr.118.