Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự lựa chọn lịch sử của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”

Thứ hai - 13/12/2021 02:12 17.817 0
Vào đêm 19/12/1946 với Lời thề “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chụi mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Tiếng súng toàn quốc kháng chiến thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mở đầu thiên hùng ca bất diệt nêu cao lời thề hợp với “Ý Đảng, Lòng Dân” bằng ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước vận mệnh lịch sử của dân tộc.
 
toan quoc khang chien 1
 Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (baotanglichsutphcm.com.vn)
          Toàn quốc kháng chiến là sự kiện mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trên phạm vi cả nước của quân và dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.  Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh đất nước cùng một lúc phải đối phó với ba loại giặc là “giặc ngoại xâm”, “giặc đói”, “giặc dốt, để đối phó với giặc ngoại xâm, cùng việc ra sức cũng cố chính quyền cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt tư tưởng vũ trang toàn dân của chủ nghĩa Mác – Lênin, triển khai mạnh mẽ việc quân sự hóa các đoàn thể cứu quốc ra cả nước. 
        Với một chính quyền mới còn non trẻ phải đương đầu với  muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài đe dọa. Từ vĩ tuyến 16 trở ra là 20 vạn quân Tưởng, từ vĩ tuyến 16 trở vào có hơn 2 vạn quân Anh và hơn 6 vạn quân Nhật cùng nhiều đảng phái phản động lăm le lật đổ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập lại chính quyền tay sai hòng cuớp nước ta một lần nữa. Khi nhận sự cấu kết của các nước đế quốc và thế lực thù địch hòng lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để dựng lên một chính phủ bù nhìn của Mỹ - Tưởng, mặt khác bọn phản động trong nước đang ra sức chống phá hoạt động cách mạng của nước ta thì Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt  nhận định kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh cách mạng vào chúng.
       Từ bối cảnh đó, Đảng ta đã thực hiện khôn khéo sách lược hòa hoãn và nhân nhượng với kẻ thù với chủ trương “Tạm hòa hoãn với Tưởng để rãnh tay đối phó với Pháp” được thể hiện qua việc chúng ta đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước Việt – Pháp 14-9-1946. Bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 thể hiện chủ trương sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là sự cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về phương pháp, biết lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù, không cho chúng tập trung lực lượng chống ta trong hoàn cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thù trong, giặc ngoài phức tạp, chính quyền cách mạng còn  non trẻ. Với chủ trương đó ta đã phá được âm mưu liên minh của kẻ thù, tiêu diệt bọn tay sai của chúng, nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị để cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn của đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức ở miền Nam, thực dân Pháp đã tráo trở, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định đã ký mà tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Đúng như nhận định của Thường vụ Trung ương Đảng tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất (19-10-1946) “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”(1).
          Ngày 18-12-1946, thực dân Pháp chính thức gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Với khát vọng hòa bình, độc lập, dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể, nhân nhượng và kiềm chế hết mức, nổ lực đàm phán với chính quyền Pháp, nhưng không thành công. “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” (2). 
        Trước nguy cơ không tránh khỏi chiến tranh, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, từ ngày 18 đến ngày 19-12-1946, Hội nghị Ban Thường vụ trung ương (mở rộng) Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (này là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội) phát động toàn quốc kháng chiến. Trong đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một lời hịch cứu nước, như tiếng gọi của non sông. Tất cả hãy đứng lên, quyết tử để tổ quốc quyết sinh, để tổ quốc ta trường tồn cùng muôn đời con cháu mai sau. Lời kêu gọi ấy đã thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc và chính thức mở đầu cuộc kháng chiến thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. 
         Lời kêu gọi viết : “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!...” (4).
        
Anh Bai Kao Dan
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến tại các cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu (baohaiquanvietnam.vn)
       Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước với ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta tại các thành phố, thị xã ở bắc vĩ tuyến 16 có quân Pháp chiếm đóng đồng loạt nổ súng đánh địch. Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là trong các thành phố lớn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức đồng lòng với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra (tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài), lực lượng ta chủ động rút về hậu phương an toàn.
        Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ra đã giành thắng lợi hoàn toàn mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là kết quả từ một quá trình đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết. Kết quả đem lại là chúng ta từng bước loại bỏ bớt kẻ thù, tranh thủ được thời gian chuẩn bị tiềm lực để bước vào kháng chiến. 
        Quyết định phát động toàn quốc kháng chiến thể hiện rõ sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam, sức mạnh ấy được tạo ra từ truyền thống yêu nước nồng nàn kết hợp với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, nhờ đó mà ngay từ đầu chúng ta đập tan âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, mở ra thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bao trùm hơn tất cả, quyết định ấy góp phần khẳng định cho đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến đó còn là sự tiếp nối truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc Việt Nam tự bao đời nay. Mỗi khi bị ngoại bang xâm lược, ý chí tự chủ dân tộc, tinh thần không khuất phục đã thôi thúc nhân dân ta đứng lên chiến đấu chống lại các thế lực xâm lược bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
           Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là sự lựa chọn lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng là lời thề hợp với “Ý Đảng, Lòng Dân” trước vận mệnh lịch sử của cả dân tộc, đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá về phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, cũng là lời cảnh báo cho các thế lực ngoại xâm rằng, mỗi khi dân tộc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chụi mất nước, nhất định không chụi làm nô lệ”. Kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021) là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những giá trị  truyền thống lịch sử của dân tộc, qua đó phát huy tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, phát huy tinh thần đoàn kết chung sức, đồng lòng của dân tộc, xây dựng một đất nước ngày càng thịnh vượng và phát triển./
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.8, tr.133.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534.


 

Tác giả bài viết: Phạm Minh Triều

Nguồn tin: Trường Chính trị

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại183,122
  • Tổng lượt truy cập9,145,484
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây