Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, một xã hội mới tươi đẹp trên nước Nga được dựng xây, đất nước Nga đã đứng vững trong những cơn phong ba bão táp của cuộc bao vây từ 14 nước đế quốc, đứng vững trong Thế chiến II và trở thành lực lượng chủ yếu nhất tiến công diệt trừ chủ nghĩa phát xít thế giới. Từ nước Nga (và sau này mở rộng ra là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết), CNXH đã mở rộng ra nhiều nước thành hệ thống XHCN thế giới.
Đêm 7/11/1917 (25/10 theo lịch Nga cũ), quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Đối với Việt Nam, cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra trong bối cảnh phong trào đấu tranh thoát khỏi ách áp bức, bóc lột dân tộc ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đó đều đi đến thất bại; do chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. Trong đêm đem khủng hoảng, bế tắc của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng dẫn đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Trong bài thơ Bài ca Tháng Mười, cố nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Từ khi anh đứng dậy
Trái đất bắt đầu cười
Và loài người, từ đấy
Ca bài ca Tháng Mười!”
Trong suốt hơn một thế kỷ qua, lý tưởng và tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đã và đang tiếp tục là ngọn cờ dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; với những giá trị vĩ đại và trường tồn, đó là:
Thứ nhất, thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga là cơ sở thực tiễn khách quan sinh động trong việc lựa chọn con đường cứu nước, thoát khỏi ách áp bức, nô lệ của dân tộc Việt Nam. Hành trình vĩ đại và lựa chọn đúng đắn ấy gắn liền với công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người tìm thấy đồng minh của cách mạng Việt Nam, giúp xác định những mục tiêu, lý tưởng của cách mạng đó là chân lý “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1].
Cách mạng Tháng Mười Nga và “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đã giải đáp cho Người những vấn đề cơ bản nhất về mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam. Người tìm thấy ở Luận cương của V.I.Lênin con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản; tìm thấy tấm gương nước Nga qua cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga không những giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động nước mình thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của phong kiến, tư sản mà còn sẵn sàng giúp tất cả các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên tháo bỏ gông cùm nô lệ, tiến bước trên con đường văn minh. Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[2]. Theo Người:“Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[3]. Đây là cuộc cách mạng thành công triệt để nhất, cuộc cách mạng lấy dân chúng làm gốc, mang lại tự do, hạnh phúc, bình đẳng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Thứ hai, thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga là những bài học thực tiễn quan trọng giúp cách mạng Việt Nam xác định được mục tiêu, phương pháp cách mạng, tình thế cách mạng, thời cơ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đảng và Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga về khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, lãnh đạo toàn dân xây dựng lực lượng cách mạng, chớp thời cơ làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Cuộc cách mạng đó đã đi đúng con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga với mục tiêu tiến lên chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người bônsêvích và của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam đã có một đảng mácxít lêninnít và Cách mạng Tháng Tám của chúng tôi đã giành được thắng lợi”[4].
Tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2 và kháng chiến chống Mỹ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện sáng tạo, xuất sắc tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm thuộc địa với cả hai hình thức chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về giành và giữ chính quyền, về xây dựng khối liên minh công – nông - trí làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, về đấu tranh trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… đã được Đảng, nhân dân Việt Nam vận dụng thành công. Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về xây dựng CNXH ở miền Bắc và sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 xây dựng đất nước thống nhất đi theo con đường XHCN - con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn - đó là con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Thứ ba, thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập và xây dựng thành công CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”[5].
Việt Nam đang tiến bước trên con đường đổi mới của thời kỳ quá độ lên CNXH. Mục tiêu và con đường phát triển của cách mạng Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu và con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ dẫn là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay đang ở vào một bối cảnh quốc tế đặc biệt mà nổi bật nhất là ở chỗ tình hình thế giới biến động rất khó lường; đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp với nhiều hình thức khác nhau; đồng thời thế giới cũng đang diễn ra một cục diện của quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; các thế lực phản động hằng ngày, hằng giờ luôn tìm cách lái đất nước ta ra khỏi con đường XHCN mà Bác Hồ, Đảng và Nhân dân đã lựa chọn.
Trong bối cảnh đó, cần phải phát huy một trong những bài học quý báu Cách mạng Tháng Mười Nga đối với các Đảng Cộng sản và các quốc gia – dân tộc đó là phải kiên định, vững tâm tiến bước với bản lĩnh chính trị và tầm cao trí tuệ. Không ít nhà nước được giải phóng sau Cách mạng Tháng Mười Nga, lựa chọn con đường xây dựng nhà nước đi theo con đường XHCN đã bị đổ sập không phải do xe tăng, đại bác mà bằng nhiều thủ đoạn xuyên tạc, lừa lọc bằng các thủ đoạn trong âm mưu “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là phải nắm bắt thời cơ, chấp nhận vượt qua thách thức, nguy cơ, nâng cao năng lực cầm quyền, tư duy, bản lĩnh phải sáng suốt và kiên định mục tiêu; mọi sự xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hạ thấp, phủ nhận ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga phải được nhận diện và đấu tranh gạt bỏ triệt để.
Đã 105 năm trôi qua kể từ khi cuộc khởi nghĩa đánh chiếm Cung điện Mùa Đông ở Xanh Pêtécbua của công nông Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I.Lênin, giành được thắng lợi nhưng lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam đi đến tương lai, xây dựng thành công xã hội Xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhân dân Việt Nam cần tiếp tục kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, kiên định độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là định hướng, là khát vọng phát triển một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo những nguồn giá trị trường tồn từ cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại./.
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.12, tr.30.
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.2, tr.304
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.2, tr.304.
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.11, tr.190.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.11, tr.180.