Vận dụng Đường lối toàn dân kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Thứ năm - 01/07/2021 06:03 47.282 0
Một trong những nguyên nhân cơ bản, quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là đường lối kháng chiến toàn dân. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn những nguyên lý cơ bản về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin với truyền thống, tinh hoa và nghệ thuật đánh giặc giữ nước của ông cha và kinh nghiệm đấu tranh quân sự của một số nước trên thế giới, để giải quyết những vấn đề quân sự do thực tiễn cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đặt ra. Bài học này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng dịch bệnh COVID-19, biến khát vọng phát triển đất nước được đề ra từ Đại hội XIII của Đảng thành hiện thực.
Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội.      Ảnh: baochinhphu.vn
Cảm tử quân ôm bom ba càng chiến đấu trên đường phố Hà Nội. Ảnh: baochinhphu.vn
            Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp là một bộ phận quan trọng của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của. Đó là đường lối tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng chiến tranh cách mạng, trong điều kiện nhân dân ta đã giành được chính quyền để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
        Trong một thời gian ngắn và trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn, phức tạp, Đảng ta đã dựa vào đường lối cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh giải phóng dân tộc sớm đề ra được những vấn đề cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến 12-12-1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi là những văn kiện lịch sử quan trọng thể hiện đường lối kháng chiến của Đảng ta. Đường lối ấy không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh trong quá trình kháng chiến. Nó là ngọn đèn pha soi sáng, dẫn dắt nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. 
          Nội dung đường lối kháng chiến của Đảng bao gồm các vấn đề cơ bản: Phát động và tổ chức toàn dân kháng chiến; kháng chiến toàn diện trên tất cả các mặt trận: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế. Trong đó việc phát động toàn dân đánh giặc, biến “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” là nội dung quan trọng nhất của Đường lối kháng chiến. 

         Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định sức mạnh của cách mạng và chiến tranh là nhân dân. Bởi vì, “Sự đồng tâm của đồng bao ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”[1]. Đảng đã xây dựng quyết tâm chiến đấu cho toàn dân và củng cố niềm tin vào thắng lợi của cuộc chiến đấu ấy, “Có lẽ hiếm có ở đâu, chiến tranh nhân dân trong thực tế lại đúng với tên gọi của nó như vậy, thực sự sâu rộng trong nhân dân và thực sự vô địch như nhân dân” [2]
          Chủ trương kháng chiến toàn dân đã huy động lực lượng tổn hợp của cả dân tộc vào cuộc chiến đấu. Cho nên ta càng đánh càng mạnh, càng giành thắng lợi lớn, để cuối cùng làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Đường lối kháng chiến toàn dân là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới tư tưởng quân sự truyền thống của tổ tiên ta, là sự vận dụng lý luận chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. 
         Thắng lợi của cuộc chiến tranh yêu nước đã khẳng định đường lối kháng chiến do Đảng đề ra không những kịp thời mà còn đúng đắn và sáng tạo. Đường lối ấy không chỉ đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi, mà còn góp phần vào thành công của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng.
         Phát huy giá trị lịch sử của Đường lối Toàn dân kháng chiến gợi mở những ý nghĩa sâu xa đối với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Là một bộ phận trong đường lối chiến lược của Đảng, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc luôn bám sát và phục vụ mục tiêu chiến lược của Đảng. 
ttxvn dai bieu bieu quyet anh dh
                                    Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.      Ảnh: baochinhphu.vn
            Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [3]. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời với việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết tốt các mối quan hệ, xử lý hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai tầng xã hội, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
              Như vậy, để biến khát vọng của dân tộc ta thành hiện thực thì điều quan trọng nhất là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một nước phát triển, quốc gia phồn thịnh,  nhân dân hạnh phúc./.

--------------------------------------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG HN, 1995, tr. 151.
2. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 32.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Tác giả bài viết: Bùi Viết Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay7,563
  • Tháng hiện tại183,249
  • Tổng lượt truy cập7,359,216
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây