TỪ KẾ THỪA LÝ TƯỞNG TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI TRONG CÁCH MẠNG TƯ SẢN ĐẾN VIỆC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” CỦA HỒ CHÍ MINH
ThS.Vũ Minh Thanh
2021-06-06T22:42:53-04:00
2021-06-06T22:42:53-04:00
https://truongchinhtri.edu.vn/home/thong-tin-nghien-cuu-trao-doi/ly-tuong-tu-do-binh-dang-bac-ai-trong-van-hoa-tu-san-voi-viec-hinh-thanh-tu-tuong-khong-co-gi-quy-hon-doc-lap-tu-do-cua-ho-chi-minh-1245.html
/home/themes/egov/images/no_image.gif
Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
https://truongchinhtri.edu.vn/home/uploads/lg.png
Tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ của cách mạng tư sản đã được Hồ Chí Minh kế thừa, nâng lên thành một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập, tự do cũng là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Đây cũng chính là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy Người ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 17-7-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam đã vang lên Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời hịch non sông ấy có câu câu: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Không có gì quý hơn độc lập, tự do – câu nói ngắn gọn đó chứa nội dung tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, cũng là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Đây là chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là tư tưởng chi phối mọi suy nghĩa và hành động của Người.
Để hiểu được những giá trị tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do trong lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu toàn diện quá trình hình thành và phát triển tư tưởng đó. Có thể thấy rằng đây chính là sự kế thừa và kết nối giá trị lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong cách mạng tư sản mà Người đã được tiếp xúc học hỏi.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị đô hộ, mất hết quyền độc lập tự chủ, nhân dân sống cơ cực lầm than. Đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam khủng hoảng đường lối, các phong trào yêu nước theo những khuynh hướng khác nhau đều bị đàn áp đẫm máu, thất bại nặng nề. Yêu cầu đặt ra lúc này là phải tìm được con đường cứu nước mới và phương pháp tập hợp lực lượng đúng đắn để giải phóng dân tộc ra khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Năm 1905 năm Người cùng anh trai Nguyễn Tất Đạt được gia đình cho đến học ở trường tiểu học Vinh, tại đây Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ được sơn vào gỗ gắn ở phía bảng đen là: Tự do, bình đẳng, bác ái. Người tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Đối với Người, đó là những điều hoàn toàn mới lạ khác hẳn với những điều mà trước đây đã được học trong sách thánh hiền. Vì vậy mà rất tự nhiên Người có ý muốn tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.
Năm học 1908 – 1909, Nguyễn Tất Thành vào học trường Quốc học Huế. Chính ở ngôi trường này, Người đã được học với những thầy giáo tân học, được tiếp xúc với sách giáo khoa. Người thầy tiêu biểu nhất phải nhắc đến đó là thầy Lê Văn Miến - đã từng học ở trường thuộc địa Trường Mỹ thuật Paris - có vốn tri thức và vốn sống khá phong phú về phương Tây. Thầy đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ và văn minh của phương Tây. Những điều thầy kể là những điều rất mới là nên đã thu hút được sự chú ý của học sinh, làm cho các học sinh tò mò muốn được tìm hiểu muốn được sang phương Tây. Nguyễn Tất Thành cũng vậy, anh muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước, học hỏi văn minh nhân loại để về giúp đồng bào.
Năm 1910 trên bước đường vào Nam, Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian dừng chân ở Phan Thiết, làm trợ giảng môn thể dục tại trường Dục Thanh. Cũng trong thời gian này tại nhà cụ Nguyễn Thông, thầy giáo Thành đã có dịp đọc những tác phẩm của Ru-xô,Mông-te-xki-ơ,Vôn-te... những văn hào Pháp Pháp đã khởi sướng các thuyết nhân quyền, dân quyền tự do, bình đẳng, bác ái,... càng thôi thúc Người muốn ra đi để tìm hiểu sâu sắc về các thuyết đó.
Sau này, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí ngọn lửa nhỏ của Liên Xô, tháng 12 năm 1939 Người đã giải thích rõ như sau: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng,Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Quả thật đó là sự bộc lộ suy nghĩ của một thiên tài, với phương pháp tư duy đúng đắn mong muốn đi tìm những giá trị thực sự của tư tưởng mới đó lúc bấy giờ.
Tháng 6 năm 1911 từ cảng Nhà Rồng Nguyễn Tất Thành lên tàu sang Pháp với một tên mới - Văn Ba và với một công việc mới: phụ bếp. Sự kiện này chính là bước khởi đầu cho thời kỳ tìm đường để đến với tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Người.
Đặt chân tới phương Tây, một nơi hoàn toàn xa lạ, Nguyễn Tất Thành lần đầu được tiếp xúc với văn hóa tư sản không phải bằng con đường nghiên cứu sách vở mà bằng cuộc sống lao động. Nguyễn Tất Thành đã tranh thủ những lúc tàu dừng ở bến để đi tìm hiểu cuộc sống của nhân dân. Chính từ thực tế cuộc sống đó anh đã tận mắt thấy được nền văn hóa phương Tây - nơi mà anh muốn tìm hiểu thực sự như thế nào, con người sống ra sao, đối xử với nhau như thế nào. Bước chân của Nguyễn Tất Thành đã in dấu trên nhiều nước từ Châu Âu đến Châu Phi, châu Mỹ. Tất cả những gì Người thấy đều khiến cho Người phải trăn trở suy nghĩ và nhận ra rằng đằng sau những từ ngữ mỹ miều: tự do, bình đẳng, bác ái là gì.
Bảy năm sống và hoạt động ở Paris thủ đô nước Pháp đã để lại cho Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc nhiều ấn tượng và bài học sâu sắc trong hành trình tìm đường cứu nước của mình (1917 - 1923). Chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong các tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng của thế kỷ thứ sáng của các văn hào nổi tiếng, rồi những tư tưởng mới mẻ của cách mạng tư sản Pháp năm 1789…. đặc biệt những tư tưởng của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền đã được Người đi sâu nghiên cứu và phân tích. Trong đó đề cập đến quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Nguyễn Ái Quốc khâm phục ý chí giành độc lập tự do của nhân dân Mỹ, khâm phục những tư tưởng vĩ đại của Oa-sinh-tơn, Linh-côn, nhưng đồng thời cũng phát hiện ra những nghịch lý đằng sau những lời lẽ hoa mỹ về tự do bình đẳng. Đó chính là sự bất bình đẳng và nghèo đói của hàng trăm triệu người lao động, là điều kiện sống khủng khiếp của người lao động da đen, là nạn phân biệt một chủng tộc ghê gớm.
Trong khi khẳng định những giá trị chân chính, những nhân tố tích cực tiến bộ của cách mạng dân chủ tư sản nhất là tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng nhân văn giải phóng con người khỏi thần quyền và sự thống trị của những quan hệ phong kiến, Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời đánh giá đúng những hạn chế của nó. Người đã nhanh chóng nhận ra được hạn chế của hai cuộc cách mạng này đó là tính không triệt để của nó. Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp là những cuộc cách mạng không đến nơi, cách mạng Việt Nam cần nhìn vào đó để làm một cuộc cách mạng đến nơi, một cuộc cách mạng triệt để để thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân tránh hy sinh nhiều lần.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2 tháng 9 năm ấy, trong cuộc mít-tinh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trang trọng tuyên bố nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Và đặc biệt là quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc - quyền được tạo hóa sinh ra, được thừa nhận và đề cao trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 đã được Người nâng lên thành quyền độc lập, tự do thiêng liêng của mỗi dân tộc. Thay mặt cho nhân dân Việt Nam,Người cũng đã khẳng định trước quốc dân và thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Như vậy, ở Hồ Chí Minh đã có sự tiếp thu kế thừa những giá trị tiến bộ của cách mạng tư sản phương Tây đó là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng đề cao con người, đấu tranh cho quyền tự do của con người. Đồng thời Hồ Chí Minh Cũng vận dụng và phát triển những tinh hoa văn hóa đó nâng lên một tầm cao mới.
Trong điếu văn tiễn biệt Người về cõi vĩnh hằng về thế giới của người hiền, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Hồ Chí Minh chính là người xác lập lại vị trí của nước Việt Nam trên bản đồ thế giới một cách trang trọng. Nhân loại thế kỷ XX biết đến Việt Nam qua Hồ Chí Minh và nhắc đến Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất một con người có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa phương Đông với tinh hoa văn hóa phương Tây.
Thay cho lời kết, xin mượn lời đánh giá của nhà nghiên cứu Ba Lan Hélène Tourmaire, là đánh giá tiêu biểu nhất về sự kết hợp văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây trong con người Hồ Chí Minh: “Ở con người Hồ Chí Minh mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất,bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình... Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin…”.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, HN, 2011, t.4, tr.64.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, HN, 2011, t.1, tr.641.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, HN, 2011, t.4, tr.3.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, HN, 2011, t.15,tr.627.
Trích theo: Thu Hạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người vĩ đại từ những điều giản dị, Thanhtra.com.vn, 14/5/2020.
Tác giả bài viết: ThS.Vũ Minh Thanh
Nguồn tin: Trường Chính trị