Hàng năm, cứ vào tháng 3, hòa trong không khí vui tươi, ấm áp của mùa xuân, chị em phụ nữ nói riêng và mọi người nói chung lại háo hức đón chào kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ và kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40. Đây là dịp để cùng nhau ôn lại những giá trị tốt đẹp, những truyền thống quý báu của phụ nữ trên thế giới, phụ nữ Việt Nam; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ trên khắp năm châu đã không ngừng hy sinh xương máu để đấu tranh giành độc lập, hòa bình dân chủ vì sự tiến bộ của xã hội nói chung, bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em nói riêng.
1. Từ lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ 08/3 và truyền thống hào hùng của phụ nữ Việt Nam
Trước đây, do tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nên phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Trong nhiều thế kỷ, hàng triệu phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã không ngừng đứng lên giành sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực. Lịch sử ngày 08/3 bắt đầu từ phong trào công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư sản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 08 tháng 3 năm 1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và New York. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (người Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có sự lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư. Năm 1910, Đại hôi phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Co-pen-ha-gen (thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 08/3 làm “Ngày Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ - Việc làm ngang nhau - Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó, ngày 08/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Năm 1975, Liên Hiệp quốc đã lấy ngày 08/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”; công nhận vai trò của phụ nữ trong các nỗ lực hòa bình và phát triển và kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử và tăng hỗ trợ cho sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ. Hai năm sau, Liên Hiệp quốc thông qua Nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 08/3 như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới. Hàng năm, cứ đến ngày 08/3 phụ nữ toàn thế giới, trong đó có phụ nữ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”.
Ở nước ta, vào ngày 08/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị, quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa: bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)… Ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:
“Một xin rửa sạch nước thù.
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng.
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”(1)
Thời nhà Lý, Nguyên phi Ỷ Lan hai lần buông rèm nhiếp chính, cứu đói hàng nghìn dân thường trong giai đoạn tai ương. Xuyên suốt giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những ký ức anh hùng gọi tên người nữ chiến sỹ cộng sản Việt Nam đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai, nữ tình báo, Anh hùng, Đại tá Đinh Thị Thanh Vân; nữ tướng Nguyễn Thị Định và bóng hình của những phụ nữ ở hậu phương hăng say lao động sản xuất, gồng gánh gia đình - những người phụ nữ của tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. "Đến giữa thời bình, người phụ nữ lại bắt tay vào xây dựng đất nước giàu mạnh, tự tin bước vào chốn thương trường, tạo dựng thương hiệu, chịu khó học hỏi, trở thành những cán bộ chủ chốt, nhiều người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới"(2). Hiện nay, ở Việt Nam, "phụ nữ chiếm khoảng 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Việt Nam có tỷ lệ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sỹ 33,95% và tiến sỹ 25,96%"(3).
2. Đến quyền tham gia vào các cơ quan dân cử ở Việt Nam
2.1. Quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử
Quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử là một nội dung quan trọng trong quyền chính trị, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát triển trong suốt 91 năm qua. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã đề cao tư tưởng “nam nữ bình quyền”(4), coi việc thực hiện tư tưởng đó là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam; đồng thời nêu rõ “giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp”. Đảng luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ nữ và coi đó là bộ phận quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua việc ban hành những văn bản chỉ đạo, trong đó ban hành những văn bản chỉ đạo về công tác phụ nữ. Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vai trò to lớn của phụ nữ cũng như công tác cán bộ nữ được Đảng ta rất quan tâm thông qua việc ban hành các nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 152-NQ/TW “Về một số vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận” và 153-NQ/TW, ngày 10/01/1967 “Về công tác cán bộ nữ”. Sau năm 1975, Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 07/6/1984 của Ban Bí thư “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 “Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994 “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến lần thứ XIII. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị các cấp hiện nay.
Về phía Nhà nước, văn bản luật cao nhất là Hiến pháp qua các lần ban hành đều khẳng định về quyền bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực của phụ nữ luôn được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ; Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020… đã được các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương tới địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đạt được những kết quả tích cực trên các mặt, nhiều cấp ủy đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để chị em phát huy vai trò, năng lực của mình. Do đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý là nữ không ngừng tăng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.
2.2.Thực trạng thực hiện quyền của phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử
Quốc hội khóa XIV (2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. "Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65 trên 162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội"(5). Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007-2011. "Tỷ lệ nữ Quốc hội của Việt Nam đạt 26,80%, cao hơn mức trung bình 23,40% toàn cầu và 18,60% của Châu Á. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này"(6).
Trong Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ tăng 1-2% mỗi khóa (cấp tỉnh), đặc biệt cấp huyện và xã tăng 2-4%. "Ở nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ hội đồng nhân dân là 26,72% (cấp tỉnh); 27,50% (cấp huyện); 26,59% (cấp xã). Chất lượng nữ đại biểu dân cử được nâng lên. Nhiều nữ đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân có năng lực, bản lĩnh, có tiếng nói ảnh hưởng trong việc ra quyết định, được cử tri tin tưởng"(7).
Riêng ở Bình Phước, "số lượng nữ đại biểu Quốc hội khoá XIV là 2/6 người, đạt tỷ lệ 33,3% (không tăng, không giảm, so với nhiệm kỳ trước). Song song đó, số lượng và tỷ lệ nữ đại biểu tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (số liệu đầu nhiệm kỳ), bao gồm: ở cấp tỉnh có 23/65 đại biểu, đạt tỷ lệ 35,38% tăng 3,63% so với nhiệm kỳ trước; ở cấp huyện có 97/373 đại biểu, đạt tỷ lệ 26% tăng 4,62% so với nhiệm kỳ trước; và cấp xã có 822/3148 đại biểu, đạt tỷ lệ 26,1% tăng 4,4% so với nhiệm kỳ trước"(8).
Để tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ trong thực hiện quyền tham gia vào các cơ quan dân cử, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ như nâng cao nhận thức, quan điểm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới một cách rộng rãi, thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách về bình đẳng giới theo hướng thống nhất, liên thông để đảm bảo quyền lợi một cách thực sự cho phụ nữ. Cần làm tốt công tác tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ ở tất cả các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương, trong đó chú trọng cấp chiến lược, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp, trong đó lấy quy hoạch cấp ủy là cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội. Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và các tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị nhằm tăng cường tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý cũng như tạo điều kiện để phụ nữ chủ động khắc phục khó khăn của bản thân, tự vươn lên để khẳng định mình trong công tác và cuộc sống./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013;
2. Luật Luật Bình đẳng giới năm 2006;
3. Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi bổ sung 2019);
4. Luật Viên chức 2010 (sửa đổi bổ sung 2019);
5. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015;
6. Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 152-NQ/TW “Về một số vấn đề tổ chức, lãnh đạo công tác phụ vận” và 153-NQ/TW, ngày 10/01/1967 “Về công tác cán bộ nữ”.
7. Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994 “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”;
8. Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
9. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đến lần thứ XIII.
(1) Trích từ tài liệu tuyên truyền về lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
(2)Trích bài viết:“Phụ nữ làm chủ tương lai tươi sáng”, Thông tin Phụ nữ 8/3/2021 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, NXB. Phụ nữ Việt Nam, tr.1.
(3)Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam, “Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và cuộc khỏi nghĩa Hai BàTrưng”,http://congdoangdvn.org.vn/index.aspx?def=556&ID=4750&CateID=541#:~:text=N%C4%83m%201910%2C%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%99i%20ph%E1%BB%A5,b%C3%A0%20m%E1%BA%B9%20v%C3%A0%20tr%E1%BA%BB%20em.
(4) Cương lĩnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930).
(5) Trích bài viết: “Khẳng định vai trò quan trọng của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam.”, http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/khang-%C4%91inh-vai-tro-quan-trong-cua-nu-%C4%91ai-bieu-quoc-hoi-trong-su-phat-trien-cua-viet-nam-37637-6101.html.
(6) Trích từ bài viết “Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cao hơn mức trung bình toàncầu”,https://www.msn.com/vi-vn/news/techandscience/t%E1%BB%B7-l%E1%BB%87-n%E1%BB%AF-%C4%91%E1%BA%A1i-bi%E1%BB%83u-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-vi%E1%BB%87t-nam-cao-h%C6%A1n-m%E1%BB%A9c-trung-b%C3%ACnh-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u/ar-AAIVpzL
(7) Trích bài viết: “Tăng số lượng và chất lượng nữ đại biểu dân cử khóa 2021-2026”, http://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/tang-so-luong-va-chat-luong-nu-%C4%91ai-bieu-dan-cu-khoa-2021-2026-37564-6101.html
(8) Theo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.