Ảnh hưởng của Khởi nghĩa Nam Kỳ đối với phong trào cách mạng Bình Phước

Chủ nhật - 15/11/2020 20:40 1.763 0
Trước diễn biến thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, năm 1940 Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tinh thần, khí thế của cuộc khởi nghĩa đã lan rộng khắp các tỉnh miền Nam, trong đó có tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một (một phần là tỉnh Bình Phước hiện nay).
5 2 39 10 59 39 788
Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tranh vẽ - Ảnh TLBTLSQG (dangcongsan.vn)
          Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 của Đảng Cộng sản Đông Dương họp (11/1939) nhận định điều kiện cách mạng chưa chín muồi, hội nghị đi đến nhất trí thông qua chủ trương kế hoạch khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa của Xứ ủy và Ban Quân sự các cấp. Hội nghị bầu ra Xứ ủy mới do đồng chí Tạ Uyên làm Bí Thư và đề cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc dự hội nghị Trung ương 7 (11/1940), xin chỉ thị của Trung ương về chủ trương khởi nghĩa. Sau hội nghị đồng chí Phan Đăng Lưu mang chỉ thị của Trung ương hoãn cuộc khởi nghĩa về Sài Gòn thì bị địch bắt và chưa kịp phổ biến lệnh hoãn khởi nghĩa thì cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Chính quyền cách mạng được thành lập ở một số nơi và đã bắt đầu ngay một số cải cách dân chủ. Riêng ở Sài Gòn, kế hoạch bị lộ, Pháp kịp đề phòng, và khởi nghĩa không thực hiện được.  
         Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, chủ yếu là vùng nông thôn đông dân của các tỉnh Miền Đông, miền Tây. Trung tâm khởi nghĩa ở miền tây là Cai Lậy, Vĩnh Kim của Mỹ Tho. Chính quyền cách mạng Mỹ Tho tồn tại 40 ngày đã tịch thu ruộng đất của địa chủ phản động chia cho dân nghèo, lập lại toàn án nhân dân trừng trị những tên phản cách mạng. Đây là một thành tích quan trọng của khởi nghĩa Nam Kỳ. Ở miền Đông, trung tâm khởi nghĩa là vùng Hóc Môn – Bà Điểm, tỉnh Gia Định. 
       “ Ở tỉnh Thủ Dầu Một, khởi nghĩa đã nổ ra ở các nơi: Dầu Tiếng, Dĩ An, thị xã Thủ Dầu Một, Bến Súc, ấp Kiến Điền (Bến Cát)…ở Biên Hòa, khởi nghĩa nổ ra ở Mỹ Lộc, Uyên Hưng, Thường Lang…tại căng Bà Rá (Phước Long), ngày 12/12/1940, 4 chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở trại C nổi dậy giết 1 lính gác, lấy 1 súng 5 viên đạn rồi bỏ trốn, làm cho Pháp phải lo sợ. Nam Kỳ khởi nghĩa ở Hớn Quản – Bà Rá, tuy không có nổi dậy như các nơi khác, nhưng những tấm gương chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa đã gây một ảnh hưởng sâu sắc đối với công nhân cao su Hớn Quản – Bà Rá. Theo gương các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa, công nhân các đồn điền cao su Quản Lợi, Lộc Ninh, Thuận Lợi…đã nổi dậy đấu tranh chống đế quốc và tư bản Pháp đòi quyền dân sinh và đòi một số yêu sách”(1) .
        Trước khí thế quật khởi của nhân dân Nam kỳ, thực dân Pháp đã  thẳng tay đàn áp phong trào khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị giết và bị bắt, nhiều làng mạc bị triệt phá, nhiều cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...) bị giết hại. Lực lượng khởi nghĩa một số rút được về U Minh, Đồng Tháp.       
       Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại là do khi tình thế cách mạng đã xuất hiện nhưng chưa chín muồi cho một tổng khởi nghĩa trong phạm vi cả nước hoặc cả Nam Kỳ. Mâu thuẫn của đế quốc dẫn tới xung đột, nhưng chúng vẫn còn mạnh và còn dễ dàng dàn xếp với nhau. Chủ trương chọn Sài Gòn – Chợ Lớn làm nơi phát lệnh và đóng vai trò quyết định trong cuộc tổng khởi nghĩa, thực tế cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra mạnh ở vùng nông thôn. Quyết tâm phát lệnh khởi nghĩa nhưng chủ quan đơn giản, chỉ có một phương án, thiếu phương án dự phòng để duy trì cuộc nổi dậy lâu dài, chờ thời cơ. Thiếu cảnh giác cách mạng để cho kẻ địch chui vào hàng ngũ của ta, kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ.
      Khởi nghĩa Nam Kỳ là tuy thất bại nhưng nó thể hiện thực tiễn sinh động về các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và để lại mốt số bài học kinh nghiệm như sau:
     Một là, bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa các địa phương trong cả nước. Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc.
     Hai là, bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa.
    Ba là, bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông.
    Bốn là, bài học về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng, khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng.
   Năm là, bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ, dự trù các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại, kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.
   Tại Bình Phước, sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, các đồn điền cao su và vùng nông thôn, các vùng dân tộc ở khu vực Hớn Quản – Bà Rá trở thành nơi ẩn náu của cán bộ, đảng viên trước sự truy lùng, bắt bớ của thực dân Pháp, trở thành miếng đất giữ gìn và ươm trồng hạt giống cách mạng. “Tại Nhà tù Bà Rá, 400 quần chúng yêu nước và những người cộng sản , phần lớn bị bắt vì tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, đã bí mật liên lạc, thông báo tin tức cho nhau, kiên trì làm công tác binh vận, liên lạc với người nhà để nhận sách báo và tin tức hình ảnh. Ngoài ra còn có một số cán bộ , đảng viên ở các nơi khác tìm về đồn điền cao su ở quận Bà Rá tìm cách hoạt động, móc nối, gây dựng cơ sở”(2). Trong hai năm 1941 -1942, một số đảng viên từng tham gia Mặt trận dân chủ và khởi nghĩa Nam Kỳ ở các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Sài Gòn, Chợ Lớn…như đồng chí Lê Đức Anh, Nguyễn Xang, Nguyễn Văn Tảng…, lần lượt quy tụ về các đồn điền cao su Hớn Quản, Lộc Ninh. Từ khi các đồng chí Cộng sản về hoạt động trong phong trào công nhân, các cơ sở cách mạng được xây dựng và phát triển nhanh. Nhiều cuộc đấu tranh đã mang đậm màu sắc dân tộc và giai cấp với khẩu hiệu “Tổ quốc và sự giải phóng cần lao”(3). Tại đồn điền Quản Lợi, Lộc Ninh, Đakia, công nhân đòi thực dân Pháp và tư bản Pháp cút về nước, trả lại đồn điền cho người Việt Nam quản lý.
         Khởi nghĩa Nam kỳ tuy thất bại, nhưng sự thất bại ấy lại càng làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân ta nói chung, công nhân cao su tại Bình Phước nói riêng dâng cao hơn, nhờ những hoạt động của số cán bộ đảng viên chuyển vùng về các đồn điền. Điều đó cho thấy  tinh thần quật khởi và quyết tâm của nhân dân tỉnh Bình Phước trong đấu tranh cách mạng. Nhân dân ta đã không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để nổi dậy đánh đổ ách thống trị của bọn thực dân. Khởi nghĩa Nam kỳ đã cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Bình Phước trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, góp phần viết nên những trang sử hào hùng, sáng chói của vùng đất Bình Phước gian lao mà anh dũng./.
 
(1) Tổng hợp tài liệu tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương, (tuyengiao.vn).
(2) Địa chí Bình Phước, Nxb Chính trị quốc gia, tr362.
(3) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước, Sơ thảo 1930-1975, Nxb Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước,  tr.67.

Tác giả bài viết: Vũ Hữu Hải - Nguyễn Minh Huệ

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại185,121
  • Tổng lượt truy cập9,147,483
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây