Nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước hiện nay..

Thứ hai - 31/08/2020 00:08 3.683 0
Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và coi đạo đức là gốc của người cán bộ. Đối với người cán bộ, đảng viên nói chung, học viên Trường Đảng nói riêng, nâng cao đạo đức cách mạng luôn là việc vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết
         Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và coi đạo đức là gốc của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người.”[1]. Cũng chính nhờ làm tốt công tác này nên Đảng ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, đảng viên hùng hậu lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, học viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
         Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước trong thời gian qua đã thường xuyên coi trọng đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học viên, do đó phần đông cán bộ, đảng viên, học viên đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, giữ gìn được phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường và do một số cán bộ, đảng viên, học viên chưa thực sự quan tâm, coi trọng đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng, nên tình trạng “nói nhiều làm ít”, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân có xu hướng trỗi dậy. Vì vậy, phải coi đạo đức cách mạng và nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên là vấn đề cơ bản và cấp bách hiện nay tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.
        1. Vai trò của đạo đức cách mạng đối với hoạt động của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
         Một là, đạo đức cách mạng là động lực, sức mạnh tinh thần thôi thúc cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị ra sức thi đua dạy tốt, nghiên cứu tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt; chống lại bệnh lười học tập lý luận chính trị. Đạo đức cách mạng góp phần vào việc xây dựng môi trường làm việc, học tập, rèn luyện đoàn kết, sáng tạo, đổi mới; xây dựng hình mẫu người cán bộ, đảng viên, học viên trường Đảng. Bên cạnh đó, đạo đức cách mạng sẽ giúp người cán bộ, đảng viên, học viên xác định đúng đắn động cơ học tập và vận dụng sáng tạo, có ý nghĩa những tri thức được trang bị vào trong thực tiễn công tác để xây dựng, phát triển cơ sở, địa phương, tỉnh giàu đẹp.
           Hai là, đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị không sợ sệt, rụt rè lùi bước khi gặp khó khăn, gian khổ và thất bại.
          Trong cuộc sống, công tác, không chỉ có thuận lợi, mà còn có khó khăn. Nhiều khi có rất nhiều khó khăn, thậm chí có thất bại nặng nề. Nếu không có đạo đức cách mạng, có thể sẽ mềm lòng, nản chí, xuôi tay. Song, những cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị nếu có đạo đức cách mạng sẽ sống, làm việc và cống hiến vì lý tưởng, lợi ích chung, quyết không lùi bước. Họ không ngần ngại hy sinh lợi ích của riêng mình để bảo vệ, phát triển lợi ích chung của địa phương và toàn xã hội.
          Ba là, đạo đức cách mạng giúp cho cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị khi thành công không say sưa, kiêu ngạo, công thần, xa rời quần chúng.
          Người ta khi thành đạt, thành công, nếu không có sự tu dưỡng tốt sẽ dễ sinh bệnh tự cao, tự đại. Trong thực tế, có người chỉ mới làm được một số việc ở địa phương, đã tự cho mình là tài giỏi, cái gì cũng hay, cái gì cũng biết, đáng làm lãnh đạo. Khi thành công, nếu không có đạo đức cách mạng, dễ lên mặt, dạy đời và ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình, ưa sai khiến người khác; hay khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không giỏi bằng mình, ai cũng không làm bằng mình; không thèm học hỏi quần chúng, đồng nghiệp, không muốn cho người khác phê bình mình; việc gì cũng muốn làm thầy người khác. Cán bộ khi mắc bệnh trên, dù đã thành công, cũng bị quần chúng nhân dân xa rời, chán ghét. Vì vậy, mà từ thành công đến thoái hoá, thất bại không xa. Cho nên, khi thành công hay thắng lợi, cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị càng phải chú ý rèn luyện đạo đức cách mạng.
      Bốn là, đạo đức cách mạng giúp cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
        Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là nhằm xây dựng một xã hội trong đó tự do của mỗi cá nhân là điều kiện cho tự do của tất cả mọi người. Một xã hội trong đó lợi ích cá nhân được thoả mãn hài hoà với lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội. Như vậy,  trong chủ nghĩa xã hội cơ bản là có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợí ích tập thể, lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được đảm bảo thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện được thoả mãn.
       Song, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không phải bao giờ cũng có sự thống nhất, trùng khít hoàn toàn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Khi đó, đòi hỏi một sự tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân của người cách mạng, vì lợi ích chung của tập thể, của giai cấp, nhân dân và dân tộc.
Có đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị  tự nguyện hy sinh lợi ích riêng của cá nhân mình vì lợi ích chung của tập thể. Và nhờ có đạo đức cách mạng người cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị  luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và xác định được mình là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định trong xã hội thì phải đóng góp một phần công lao trong xã hội.
      2. Giải pháp để nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh
         Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Đảng ủy, các chi ủy, chi bộ về tầm quan trọng của việc nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, học viên hiện nay
         Đảng ủy, các chi ủy, chi bộ phải nhận thức rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng triệt để, khó khăn và lâu dài, vì vậy công tác giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên không phải chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà phải là một quá trình hết sức khó khăn và lâu dài. Khi mà tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, trì trệ, ích kỷ cá nhân vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, học viên thì họ không dễ từ bỏ những thói quen xấu, chưa thể hết lòng vì tập thể, vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, phải tiến hành giáo dục đạo đức một cách thường xuyên, liên tục, mọi lúc mọi nơi mới có thể hình thành và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học viên. Việc giáo dục đạo đức phải được lồng ghép trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cơ quan, khoa phòng và sinh hoạt lớp. Ngoài ra, công tác này không chỉ tiến hành một cách riêng lẻ mà cần phải có sự quan tâm phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, cơ quan nơi học viên công tác và các đơn vị liên kết đào tạo. Hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên, học viên phải tự ý thức, tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng mình mới mang lại hiệu quả cao và vững chắc.
        Việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chính trị cần phải thực hiện một cách nghiêm túc nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, học viên nhận rõ ưu điểm để phát huy, chỉ ra khuyết điểm để sửa chữa. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, học viên phải trung thực, tự giác, lấy phẩm chất và danh dự người cộng sản để soi xét bản thân, đánh giá trung thực về mình, tranh thủ sự phê bình góp ý của đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng đối với mình. Đồng thời, khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang để lấy lòng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thậm chí tìm cách bao che cho nhau, hoặc lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, thiếu tính xây dựng, thiếu tình thương yêu đồng chí giúp đỡ lẫn nhau.
            Thứ hai, nâng cao tính tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, học viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
         Tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng hàng ngày là chớ tự kiêu, tự đại mà người cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị cần tâm niệm rằng mình hay nhưng còn nhiều người hay hơn mình, mình giỏi nhưng còn nhiều người giỏi hơn mình. Phải yêu quý, kính trọng giúp đỡ người, phải tự răn mình “chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới”, thái độ phải luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, phải học người và giúp người.
          Tính tự giác rèn luyện đạo đức cách mạng ở người cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị phải gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình trong Đảng và trước quần chúng nhân dân ở cơ quan, đơn vị, địa phương là biện pháp tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả quá trình tự giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, học viên. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi học viên “cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.[2]
         Thứ ba, phát huy vai trò của dư luận xã hội trong việc nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị
         Sống trong cộng đồng xã hội, tư tưởng, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị đều chịu sự chi phối của dư luận xã hội. Dư luận xã hội là sự thống nhất đánh giá của tập thể, cộng đồng đối với hành vi đạo đức của mỗi con người, là một bộ luật không thành văn nhắc nhở, khuyên nhủ, giáo dục, điều chỉnh hành vi của mỗi con người theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong giáo dục đạo đức, dư luận tập thể, dư luận xã hội có vai trò và sức mạnh to lớn, điều chỉnh nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân; là cầu nối giữa giáo dục của tập thể, của tổ chức với tự giáo dục của cán bộ, đảng viên, học viên. Dư luận lành mạnh, tích cực là dư luận luôn ủng hộ, đề cao cái đúng, cái tốt, cái thiện, các giá trị đạo đức mới; phê phán cái xấu, cái ác, các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
         Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng dư luận tập thể, dư luận xã hội rộng rãi hãy còn yếu đuối trước một số hiện tượng vi phạm đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị như với các biểu hiện cụ thể như: làm việc thiếu trách nhiệm, không chịu nhận trách nhiệm và thường đổ lỗi cho người khác,… Thậm chí, có những trường hợp cá nhân cán bộ, đảng viên, học viên coi thường, bất chấp dư luận, vì chính dư luận ấy chưa đủ sức mạnh phê phán; hoặc có dư luận khác bênh vực, bảo vệ lại mạnh hơn.
          Muốn ngăn đà suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, học viên, Đảng ủy, chi ủy chi bộ, các đoàn thể quần chúng cần tạo dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đề cao các phẩm chất, chuẩn mực đạo đức cách mạng và kiên quyết chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, bảo thủ, những biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, học viên; bằng cách định hướng dư luận đúng đắn, bảo vệ và làm cho dư luận lành mạnh tác động mạnh tới cán bộ, đảng viên, học viên. Đồng thời, ngăn chặn, loại trừ dư luận không lành mạnh, nhất là với các biểu hiện bênh vực cái sai, dung hòa tốt, xấu. Việc tạo ra dư luận xã hội đúng đắn, lành mạnh không chỉ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong các đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình ở các cơ quan, tổ chức, lớp học mà còn phải thực hiện việc đó trong đời sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên, học viên. Chú trọng xây dựng lẽ sống tập thể, có tình người, mình vì mọi người. Dư luận xã hội có định hướng sẽ tạo nên ở mỗi cán bộ, đảng viên, học viên tình cảm, ý thức, hành vi đạo đức mới, đạo đức cách mạng, nhận rõ trách nhiệm thiêng liêng và quan hệ chân chính của mình với cộng đồng xã hội. Đây là giải pháp tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả để nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, học viên Trường Chính trị hiện nay.
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, tr. 399, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.2011.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr. 302, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.2011.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Khuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại184,657
  • Tổng lượt truy cập9,147,019
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây