Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước” tại các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính

Thứ năm - 09/07/2020 01:00 1.650 0
Với những dấu son chói lọi như: là một trong những địa phương có Chi bộ cộng sản sớm nhất ở Nam bộ, Chiến thắng “Đồng Xoài rực lửa chiến công”, chiến thắng Phước Long – tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng… thời kỳ cách mạng do Đảng lãnh đạo đã ghi thêm những trang sử vẻ vàng cho vùng đất Bình Phước “gian lao mà anh dũng”. Để nhắc nhở cho các thế hệ cách mạng đời sau, để tiếp nối và phát huy những truyền thống bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh, việc giảng dạy, học tập lịch sử địa phương nói chung và lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước nói riêng sớm được quan tâm, trong đó, Trường Chính trị cũng đã góp phần không nhỏ.
      Thực hiện Hướng dẫn số 167/HD-HVCTQG, ngày 6-114-2015 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc biên soạn “Tình hình nhiệm vụ địa phương (hoặc ngành)” thuộc chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính; Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Đảng bộ sẽ giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn những truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân của tỉnh nhà, nâng cao hơn nữa niềm tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá của lịch sử vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của địa phương, Trường Chính trị đã tổ chức biên soạn chuyên đề Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước trong phần học Tình hình và nhiệm vụ địa phương và được Hội đồng thẩm định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thông qua[1] đã đưa vào giảng dạy tại các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính của Trường từ năm 2017 đến nay.
      Chuyên đề có thời lượng giảng bài là 08 tiết. Tài liệu tham khảo chính để biên soạn là công trình Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước sơ thảo (1930 -1975)[2], Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1975 -2005)[3] do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước chỉ đạo biên soạn và công trình Lịch sử tỉnh Bình Phước (Tài liệu dung giảng dạy tại các trường ở địa phương) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn. Ngoài ra còn tham khảo Nghị quyết của một số Đại hội Đảng bộ tỉnh và các công trình nghiên cứu có liên quan. Nội dung chuyên đề gồm 3 mục lớn: 1. Khái quát vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, 2. Khái quát truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa tỉnh Bình Phước, 3. Đảng bộ tỉnh Bình Phước lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cách mạng qua các thời kỳ. 

7576c1b74110bc4ee501
 Lớp Trung cấp LLCT - HC mở tại Trại giam An Phước nghiên cứu, tham quan Khu Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Tà Thiết
      Kết quả đánh giá thông qua các bài thi, các học viên đều có nhận thức tốt, điểm bình quân đạt yêu cầu cao. Qua việc học tập, nghiên cứu chuyên đề, học viên đã được củng cố thêm nhiều kiến thức, hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng bộ tỉnh từ đó bồi dưỡng thêm về tình yêu quê hương, quyết tâm để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
      Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi cũng nhận thấy những hạn chế: Trong chương trình mới, thời gian giảng dạy chỉ còn 8 tiết, không có tiết thảo luận nên giảng viên và học viên không đủ thời gian phân tích sâu, làm rõ nội dung bài học; Một số học viên chưa nắm chắc nội dung bài học, đặc biệt là trong sự vận dụng những bài học, kinh nghiệm mà Đảng bộ đã rút ra được trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng vào thực tiễn công tác.
      Qua thực tiễn giảng dạy chuyên đề Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước tại Trường Chính trị, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa việc giảng dạy và học tập chuyên đề này:
      Thứ nhất, cần chỉnh lý lại chuyên đề Lịch sử Đảng bộ Bình Phước trong tập bài giảng Tình hình nhiệm vụ địa phương. Chuyên đề cần cập nhập đến năm 2020 (giáo trình hiện tại mới dừng lại đến năm 2015); tăng thêm thời gian 04 tiết thảo luận cho chuyên đề.
      Thứ hai, giảng viên cần làm nổi bật được trong dòng chảy chung của phong trào cách mạng của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh vận dụng đường lối, quan điểm của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, cũng như những “nét son” nổi bật trong phong trào cách mạng tỉnh nhà. Đặc biệt phân tích sâu những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh đã đạt được từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay: Từ xuất phát điểm thấp, đến nay tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả, đúng định hướng; Văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển; chất lượng đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ; Quốc phòng, an ninh, đối ngoại ổn định. Đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng vươn lên của Đảng bộ tỉnh, góp phần khẳng định vị thế Bình Phước trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
      Thứ ba, học viên cần chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức, không chỉ dừng lại ở mức độ “biết”, “hiểu” lịch sử Đảng bộ tỉnh, mà còn cần vân dụng những bài học, kinh nghiệm lịch sử đã được rút ra qua các giai đoạn lịch sử. Tùy vào thực tiễn công tác, mỗi học viên vận dụng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khắc phục những quan niệm và nhận thức không đúng về lịch sử, đấu tranh phê phán và vạch trần những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng nói chung, lịch sử Đảng bộ tỉnh nói riêng.
      Thứ tư, nhà trường cần sự phối hợp và hợp tác giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và lãnh đạo các cấp, nhất là phòng chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch để công tác nghiên cứu và giảng dạy, truyên truyền lịch sử Đảng bộ ngày càng chất lượng và hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường.
      Tái hiện khách quan quá trình Đảng bộ lãnh đạo cách mạng, tổng kết rút ra bài học, kinh nghiệm lịch sử và đưa vào giảng dạy trong Trường Chính trị là rất hữu ích, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết về lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, nâng cao ý chí, tình cảm cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, làm sáng tỏ và bổ sung cơ sở lịch sử xây dựng và tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
---------------------------------------------------
[1] Nhà xuất bản Lý luận chính trị 
[2] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước sơ thảo (1930 - 1975), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ấn hành.
[3] Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2008), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước (1975 -2005), Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 

Tác giả bài viết: Bùi Viết Trung - Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm182
  • Hôm nay3,722
  • Tháng hiện tại110,742
  • Tổng lượt truy cập9,312,399
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây