Quốc tế thiếu nhi 1/6: Tìm hiểu quy định pháp luật của Việt Nam về bảo vệ trẻ em

Thứ tư - 27/05/2020 18:58 4.776 0
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Trẻ em là người dưới 16 tuổi được quy định tại điều 1 Luật Trẻ em Việt Nam. Tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%).[1]

 

Trong thời gian qua, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em... đã được nêu trong Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, trẻ em cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt bởi vì họ là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần.
Pháp luật về bảo vệ trẻ em được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thể hiện như sau:
Thứ nhất, quyền trẻ em đã được Hiến pháp 2013 quy định trực tiếp tại khoản 1, Điều 37: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Thứ hai, Luật Trẻ em năm 2016 đã mở rộng phạm vi trẻ em được bảo vệ là trẻ em dưới 16 tuổi nói chung trong đó bao gồm cả trẻ em có quốc tịch Việt Nam và trẻ em là người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, quyền được bảo vệ được quy định tại các điều: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em (Điều 27); trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt (Điều 28); trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 29); trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác (Điều 30); trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang (Điều 31). Luật cũng chỉ rõ 14 hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm, như: nghiêm cấm hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em... (Điều 10).
Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền được khai sinh, quyền được có họ, tên, quyền xác định lại dân tộc của trẻ em (từ Điều 26 đến Điều 30). Bên cạnh đó, quy định năng lực hành vi dân sự của người dưới 18 tuổi; giao dịch dân sự của trẻ em chưa đủ 06 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật của trẻ em xác lập, thực hiện; quyền bí mật đời tư; người giám hộ cho người chưa thành niên; đại diện cho người chưa thành niên trong giao dịch dân sự; giá trị pháp lý của giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập và những trường hợp giao dịch dân sự có hiệu lực hoặc vô hiệu; quyền thừa kế tài sản của người con chưa thành niên…
Thứ tư, Bộ luật Lao động năm 2012 dành riêng một số quy định về lao động chưa thành niên như: cấm nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định… (Điều 120); cấm sử dụng người lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành (Điều 121). 
Thứ năm, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chú ý bảo vệ quyền của trẻ em trong những vụ việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật và trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn (Điều 12 và Điều 14). Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em, Luật còn ghi nhận nguyên tắc giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trẻ em từ đủ 7 tuổi có quyền được bày tỏ ý kiến mong muốn được sống chung với cha hoặc mẹ trong trường hợp cha mẹ ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con (Điều 81). Đặc biệt, Luật Hôn nhân và gia đình quy định người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
Thứ sáu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định quyền được bảo vệ về sức khỏe: Trẻ em là một đối tượng đặc biệt trong vấn đề bảo đảm chăm sóc sức khỏe. xác định trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là một nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 3); và chính sách của nhà nước cần quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em (Điều 4). Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với vấn đề bảo đảm chăm sóc sức khỏe của trẻ em.
Thứ bảy, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và nhiều nghị định của Chính phủ quy định biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em trong các lĩnh vực, như: an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình; bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công nghệ thông tin; văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, giáo dục...
Thứ tám, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đối với tất cả các trẻ em. Theo đó, trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Hình thức trợ giúp pháp lý đối với trẻ em bị xâm hại gồm: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
Thứ chín, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017- một văn bản quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em. Cụ thể, hành vi mua bán người dưới 16 tuổi có thể bị xử lý với mức cao nhất là tù chung thân (Điều 151); hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152) và hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS) đều được xác định mức cao nhất là loại tội rất nghiêm trọng; hành vi xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của trẻ em bị xử lý theo các tội như tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142), tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” (Điều 144), tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 145), tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” (Điều 146), tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” (Điều 147), tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi” (Điều 329). Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mới thể hiện rõ hơn quan điểm bảo vệ quyền tự do và an ninh cá nhân cho trẻ em. Trong đó, đáng chú ý là các quy định như bổ sung hành vi “vứt bỏ con mới đẻ” là dấu hiệu định tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” (Điều 124), bổ sung “thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác” bên cạnh hành vi giao cấu trong dấu hiệu định tội của các tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) và hành vi “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” (Điều 147)...
Ngoài ra, Quốc hội còn ban hành nhiều đạo luật, trong đó có nhiều quy định bảo vệ trẻ em như: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia… 
Tóm lại, bảo vệ trẻ em được coi là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Điều này đã được quy định trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay góp phần quan trọng bảo vệ trẻ em trong thực tiễn. 
 
[1] Trích Báo cáo 69 /BC-ĐGS ngày 19/5/2020 về kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
 

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay3,705
  • Tháng hiện tại110,541
  • Tổng lượt truy cập9,312,198
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây