Chiến thắng Điện Biên Phủ - Đỉnh cao cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam

Thứ năm - 07/05/2020 00:06 6.938 0
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
 
 
Đến cuối năm 1953, tại chiến trường Đông Dương trong khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai), các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và nhiều khu vực ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngược lại thực dân Pháp sau 8 năm leo thang chiến tranh, ngày càng thiệt hại nặng nề, rơi vào thế bị động trên khắp các chiến trường; vùng chiếm đóng bị thu hẹp, quân Pháp trên chiến trường dần lâm vào thế phòng ngự bị động. Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến, nhưng mặt khác lại muốn duy trì quyền lợi của họ tại Đông Dương. Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự” nên đã phải cầu viện sự trợ giúp cả về kinh tế lẫn quân sự từ phía Hoa Kỳ.
Được sự đồng ý của Mỹ, ngày 07/5/1953, tướng Nava (Navarre) được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Nava đề ra kế hoạch quân sự với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Kế hoạch Navarre được thực hiện theo hai bước:
Bước một: Trong thu - đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược trên chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược để "bình định" miền Trung và miền Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa vùng tự do Liên khu 5, đồng thời ra sức mở rộng ngụy quân, tập trung binh lực, xây dựng quân đội cơ động chiến lược mạnh.
Bước hai: Từ thu - đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng nhằm "kết thúc chiến tranh".
Thực hiện kế hoạch Navarre, Pháp xin Hoa Kỳ tăng thêm viện trợ quân sự (gấp hai lần so với trước, chiếm 73% chi phí chiến tranh ở Đông Dương), tăng thêm ở Đông Dương 12 tiểu đoàn bộ binh, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động mạnh gồm 44 tiểu đoàn (trong tổng 84 trên toàn Đông Dương), ra sức tăng cường ngụy quân.
Về phía Việt Nam, sau khi đánh giá và phân tích bản kế hoạch quân sự quan trọng của Pháp đã có những chỉ đạo để đối phó. Vào mùa khô 1953 - 1954, bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược nhằm giải phóng đất đai và buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Trên chiến trường Bắc Bộ chuyển hướng tấn công lên Tây Bắc, tiêu diệt quân đồn trú đang đóng ở Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào, tiến đánh Trung Lào và Hạ Lào. Ở khu 5, đánh Bắc Tây Nguyên để tiêu diệt sinh lực quân đối phương và bảo vệ vùng khu 5 một cách hiệu quả. Các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ cũng được đẩy mạnh với các cuộc chiến tranh du kích. Hướng chính trong giai đoạn này là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên.
Như vậy, những tính toán để bảo vệ một số vùng chiếm đóng của Navarre đã không nhận được kết quả như mong muốn. Sự thất bại của cuộc hành binh Hải Âu làm cho Navarre bế tắc.
Sau khi khảo sát, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã quyết tâm biến Điện Biên Phủ thành một lô cốt chiến lược của quân đội Pháp. Pháp tập trung lực lượng tại đây lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại, chấp nhận một cuộc quyết chiến chiến lược tại đây và sẵn sàng “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Như vậy, từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Nava.
Vậy tại sao Pháp lại chọn Điện Biên Phủ thành nơi “quyết chiến” với bộ đội chủ lực của ta? Bởi vì chúng cho rằng: Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt. Theo đánh giá của Nava và nhiều nhà quân sự Pháp thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á - một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc”[1]. Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn, cách Hà  Nội khoảng 300 km đường chim bay, cách Luông Pha Băng khoảng 200 km điều này rất thuận lợi cho việc chi viện, tiếp tế bằng đường hàng không (có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889). 
Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp cùng với việc đã nắm chắc tình hình cũng như đánh giá tương quan lực lượng hai bên, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình nhằm tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương. Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng uỷ và Chỉ huy trưởng mặt trận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được"[2].
Trước thực tiễn chiến trường và quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến chiến dịch và chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi cuối cùng. 
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chiến lược đó, quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt mọi mặt và bước vào trận quyết chiến chiến lược bằng khát vọng độc lập dân tộc cháy bỏng cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.
Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 01/5 và kết thúc ngày 07/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. 
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý đó đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện sâu sắc, đậm nét trong các cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa toàn Đảng toàn dân và toàn quân ta thi đua lập nhiều thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2000. 
2. Lê Kim (dịch) Tướng Navarre với trận Điện Biên, Nxb. Công an nhân dân, 2004.
3. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Tác giả bài viết: Phạm Xuân Quyền - Trịnh Thị Hồng

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập179
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm178
  • Hôm nay3,821
  • Tháng hiện tại110,841
  • Tổng lượt truy cập9,312,498
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây