Tìm hiểu một số nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ năm - 21/05/2020 01:24 2.018 0
     
      Đã có rất nhiều sách, báo, tạp chí và bài viết của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, tư duy Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong bài viết này, người viết xin chọn và phân tích một số nội dung sau:
    - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Kế hoạch phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
    - Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm
    - Tư tưởng Hồ Chí Minh về sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

     1. Hồ Chí Minh với kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
      Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn dân, toàn Đảng ta trước lúc đi xa Bác đã thiết tha căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta đề ra nhiều luận điểm, tư tưởng chỉ đạo sáng suốt, có tính nguyên tắc về phát triển kinh tế ở Việt Nam.
      Quan điểm về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, thể hiện tư tưởng nhất quán xuất phát từ thực tiển, tôn trọng thực tiển, cụ thể hóa thành kế hoạch chương trình phát triển cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.
       Tại Hội nghị phổ biến kế hoạch nhà nước năm 1965, ngày 19/01/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch mười phần thì biện pháp cụ thể phải hai mươi lần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải ba mươi phần, có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch.
       Khi đặt kế hoạch phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là ‘một bộ ba’ để hoàn thành tốt kế hoạch. Để hoàn thành tốt kế hoạch, điều quan trộng bậc nhất là bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ và quần chúng. Phải làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, ý chí cần kiệm xây dựng nước nhà”1. Kế hoạch thật tốt, được xây dựng trên cơ sở khoa học, đảm bảo các nguồn lực phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế sẽ được đồng thuận và quyết tâm thực hiện, chắc chắn sẽ thành công. Kế hoạch tốt phải được tính toán và tiên liệu, giải quyết hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đối với nước ta hiện nay là vấn đề hội nhập quốc tế sâu, rộng; là vấn đề hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đai để tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng cao chất lượng tăng trưởng phát triển bền vững.

      Mục đích của phát triển kinh tế là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh “chỉ có một ham muốn ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Để đạt được mục đích đó, để hiện thực hóa kế hoạch thành công phải “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.
       2. Tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm
       Theo Hồ Chí Minh kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiết kiệm phải đi đôi gắn liền với nhau. Người nói “kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là một kế hoạch dân chủ, nghĩa là từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nghĩa là Chính phủ trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, và địa phương căn cứ theo kế hoạch toàn quốc mà đặt ra kế hoạch thích hợp với địa phương mình, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình, mỗi người sẽ có kế hoạch của riêng mình, ăn khớp với kế hoạch chung”2.  Hồ Chí Minh chỉ rõ: “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”, “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sản xuất và tiết kiệm gắn với nhau như một phương châm. Phải luôn thực hành trong một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu lại phải chịu nhiều bom đạn chiến tranh, chịu nhiều thiên tai bất thường. Phát triển sản xuất để tăng sản phẩm xã hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hai mặt biện chứng trong các chặng đường phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
      Đồng thời, Người căn dặn trong phát triển kinh tế phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu là những “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm  mang súng, mà nó nằm trong các  tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám”.
        3. Quan điểm về sản xuất: nhiều, nhanh, tốt rẻ.

     Để tăng gia sản xuất tốt cần phải quyết tâm cao, nổ lực lớn, hăng hái sản xuất, thi đua sản xuất,quán triệt phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bốn bài báo đăng trên báo Nhân Dân vào tháng 3/1960 dưới bút danh C.K. Mở đầu bài báo Bác viết “ Nhiều, nhanh, tốt, rẻ là phương châm chung của chúng ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội” Bác giải thích cặn kẻ: “Trước hết phải nói đến nhiều. vì có làm ra nhiều của cải, vừa có thể tích lũy để mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của nhân dân lao động”. Bàn về chữ nhanh, Hồ Chí Minh viết: “nhanh không phải chỉ là gắng sức lên từng lúc, từng đợt. Nhanh là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng”3.  
 “Nhanh” không phải là đốt cháy giai đoạn mà tiến bước vững chắc, nhanh không phải chủ quan phiến diện, không phải làm bừa làm ẩu, nhanh là tinh thần tiến công, cầu thị tìm giải pháp hiệu quả, “nhanh” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một chiến lược phát triển mang tính đột phá, mang tính cách mạng không ngừng.
 “Nhanh” theo Hồ Chí Minh bao quát mọi vấn đề, mọi khía cạnh một cách thấu đáo, tuy những câu chữ giản dị, súc tích nhưng hàm chứa bao điều sâu sắc
   Mục đích ta phải làm nhiều làm nhanh được Bác giải thích: “Chúng ta thi đua làm nhiều, làm nhanh là cốt tăng mức sống của nhân dân lao động và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp mở mang kinh tế. cho nên nhiều nhanh phải đi đôi với tốt rẻ. Nếu chỉ vì nhiều nhanh mà không nghĩ đến tốt rẻ thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh”4.

     4. Nhận thức và vận dụng trong nghiên cứu giảng dạy
      Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải hiểu sâu sắc rằng sau những câu từ giản dị, súc tích là cả hệ thống quan điểm cực kỳ sâu sắc, càng đọc kỹ, càng nghiền ngẩm ta mới nhận thức được ý nghĩa, giá trị và sự minh triết của Hồ Chí Minh. Bác của chúng ta là vậy. Tư duy của Người là vậy. Nhân cách và phong cách của Bác là vậy, giản dị nhưng sâu lắng và sức mạnh lan tỏa vô cùng.
     Nội dung quan điểm: về kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, về Tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, về sản xuất nhiều, nhanh, tốt rẻ. của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đây là những nội dung có giá trị cốt lõi để phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần phải nhận thức thật sâu sắc, vì đã thể hiện đầy đủ vấn đề cơ bản của chiến lược phát triển, mục tiêu phát triển, giải pháp và phương châm hành động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.
      Trong giảng dạy hiện nay chúng ta có điều kiện tiếp cận với nhiều quan điểm, nhiều học thuyết kinh tế học hiện đại, nhiều tiêu chí để đánh giá, đo lường sự phát triển kinh tế của các quốc gia, được tham khảo nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước, đôi khi ta lạm dụng những kiến thức này để vận dụng vào phân tích, giải thích các biểu hiện của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta không phủ nhận giá trị khoa học của các học thuyết, lý thuyết, quan điểm, kinh nghiệm phát triển của các nước; Nhưng chúng ta đã có những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiển phát triển của nước ta, mà tính phù hợp, đúng đắn đã được chính lịch sử khẳng định. Đặc biệt tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ quá độ, đây là nguồn tài nguyên vô hạn, là tài sản vô giá mà Bác Hồ kính yêu để lại cho chúng ta. Nhận thức sâu sắc, vận dụng tốt vào nghiên cứu giảng dạy là góp phần tạo nên sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ những giá trị và tài sản vô giá này, tạo nên nền tảng nhận thức quan trọng để hình thành những ý tưởng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế cho đội ngũ cán bộ quản lý tương lai.

 

 

Tài liệu tham khảo:
  1. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Hà Nội, tập 11, năm 1995.
  2. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Hà Nội, tập 6, năm 1995.
  3. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Hà Nội, tập 10, năm 1995.
  4. Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Hà Nội, tập 10, năm 1995.

Tác giả bài viết: Ngô Hoàng Kiệt

Nguồn tin: Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay4,962
  • Tháng hiện tại130,973
  • Tổng lượt truy cập7,508,722
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây