Kỉ niệm 202 năm Ngày sinh C.Mác (5/5/1818 - 5/5/2020): Tư tưởng của C.Mác về liên minh giai cấp và sự vận dụng ở nước ta hiện nay

Thứ hai - 04/05/2020 10:28 28.272 0
Theo lý luận về giai cấp của C.Mác, sự hình thành các giai cấp trong xã hội là khách quan, do quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất chủ yếu quy định. Mỗi giai cấp đều có vị trí, vai trò khác nhau đối với sự phát triển của xã hội, có nhu cầu lợi ích riêng, nhưng trong cuộc sống và sản xuất, các giai cấp thường nảy sinh nhu cầu, lợi ích chung như: chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, vươn tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nếu không đoàn kết, hợp tác, hợp lực, thì các giai cấp không thể thực hiện được nhu cầu, lợi ích khách quan của mình vì thiếu sức mạnh. Để thực hiện lợi ích của mình buộc các giai cấp, tầng lớp phải gắn bó với nhau trong khối liên minh thống nhất, đặc biệt là trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, lý luận về liên minh giai cấp được C.Mác - Ph.Ăngghen quan tâm nghiên cứu.
Xét về thuật ngữ, C.Mác - Ph.Ăngghen sử dụng thuật ngữ: liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đây là hai lực lượng xã hội đông nhất, cơ bản nhất lúc bấy giờ. Lúc này ở các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển thì công nhân chiếm đa số, tiếp đến là nông dân, chỉ có một bộ phận trí thức được chủ nghĩa tư bản đào tạo nhằm phục vụ cho giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng liên minh công nhân - nông dân được thể hiện rõ khi C.Mác - Ăngghen tổng kết cuộc cách mạng Pháp 1848 - 1850 và Công Xã Paris 1871: nếu giai cấp công nhân liên minh được với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác để cùng đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản thì cách mạng vô sản sẽ thắng lợi.
Kế thừa và phát triển tư tưởng về liên minh giai cấp của C.Mác, trong quan niệm về chuyên chính vô sản, tư tưởng liên minh giai cấp của V.I.Lênin thể hiện: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giữa giai cấp vô sản, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản để cùng đấu tranh chống lại giai cấp tư sản thì cách mạng vô sản sẽ thắng lợi”[1] . Lúc khẳng định vai trò quan trọng của khoa học công nghệ V.I.Lênin chỉ rõ: “Trước sự liên minh của các đại biểu khoa học, giai cấp vô sản và giới kỹ thuật, không một thế lực đen tối nào đứng vững được” [2]. Như vậy, xét về tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin, lý luận liên minh thể hiện, đó là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác.
Xét theo sự phân chia giai cấp thì, trong các xã hội có giai cấp, đã có sáu giai cấp cơ bản tương ứng với ba chế độ xã hội có sự phân chia giai cấp khác nhau đó là chế độ chiếm hữu nô lệ, có chủ nô và nô lệ; chế độ phong kiến có địa chủ phong kiến và nông dân; chế độ tư bản chủ nghĩa có giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Xét theo sự phân tầng xã hội, thì trong một xã hội cụ thể ngoài các giai cấp, còn có nhiều tầng lớp xã hội nảy sinh, như: tiểu thương, tiểu chủ, trí thức, v.v. Nếu trong cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ coi trọng việc liên minh giai cấp, mà không chú ý đến liên minh các tầng lớp, có nghĩa là đã bỏ qua những lực lượng xã hội to lớn, mà trong đó trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, đặc biệt là thời đại công nghệ 4.0 đã quyết định tới tốc độ và trình độ phát triển của xã hội, thì đó là một thiếu sót nghiêm trọng.
Trên cơ sở kế thừa phát triển tư tưởng liên minh giai cấp của chủ nghĩa C.Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tư tưởng liên minh giữa các giai cấp, tầng lớp ngay trong Văn kiện chính thức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/195: “Chính quyền dân chủ nhân dân dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và lao động trí thức làm nền tảng, do giai cấp công nhân lãnh đạo” [3] . Như vậy, việc đưa lao động trí thức vào khối liên minh là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Vận dụng và phát triển lý luận về liên minh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện phạm trù liên minh giai cấp, tầng lớp. Điều đó được thể hiện trong Cương lĩnh 1991: “Liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo là nền tảng của Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đây cũng là sự kế thừa giá trị truyền thống trọng nông, trọng trí của dân tộc ta. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh: giữa công nhân, nông dân, trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo” [4]. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo” [5].
Tính tất yếu về kinh tế - kỹ thuật của Liên minh công - nông - trí  thể hiện: sự đoàn kết, hợp tác, trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ nhau của công nhân, nông dân, trí thức trên cơ sở lợi ích chung, phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng nhau xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, dựa vào nhau để phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế có sẵn trong các giai cấp, tầng lớp và trong từng lĩnh vực. Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, sức mạnh kinh tế và sự giàu có, khắc phục những hạn chế, yếu kém về cơ sở hạ tầng, vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ; đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Tính tất yếu về chính trị - xã hội của liên minh công - nông - trí tạo ra nền tảng xã hội rộng lớn về lực lượng con người, đông nhất, quan trọng nhất. Sự đoàn kết, hợp lực giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội để cùng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, phát huy dân chủ, bảo vệ nhân dân, xóa bỏ dần sự chênh lệch, khác biệt giữa lao động trí óc với lao động chân tay, giữa thành thị với nông thôn, giữa giàu và nghèo, giữa các vùng miền, cùng nhau bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là chiến lược lâu dài xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, theo V.I.Lênin: “ Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”[6]
Ở nước ta, sau nhiều năm đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành và phát triển là yếu tố quyết định trực tiếp, mạnh mẽ làm xuất hiện ở nước ta một cơ cấu xã hội giai cấp có nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân,.. các giai cấp, tầng lớp lại có nhiều thành tố, bộ phận tham gia trong các thành phần kinh tế, với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh khác nhau, do vậy quan hệ giai cấp và liên minh giai cấp trở nên đa chiều, đa dạng, sinh động. Liên minh diễn ra trong xu thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh giữa các giai cấp, tầng lớp. Liên minh giai cấp, tầng lớp ở Việt Nam hiện nay là liên minh giữa các cộng đồng dân cư trong nội bộ nhân dân, đó là những chủ nhân của đất nước có vị trí, vai trò xứng đáng trong cơ cấu xã hội và trong công cuộc đổi mới. Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “ Mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng” [7]. Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển; thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Hình thức và nội dung liên minh giai cấp, tầng lớp ở nước ta ngày càng toàn diện phong phú, đoàn kết, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, do vậy, liên minh ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng của việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với các mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học công nghệ, làm cho các ngành nghề, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển. vị thế, uy tín của nước ta ngày càng cao trên trường quốc tế. Trong đổi mới, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình dám nghĩ, dám làm, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đời sống của nhân dân ta không ngừng được cải thiện. Nền kinh tế nước ta đạt tốc độ phát triển cao, liên tục trong nhiều năm từ với 6,5% đến hơn 7,3% / năm và còn cao hơn nữa.
Kỉ niệm 202 năm ngày sinh của C.Mác, nghiên cứu quán triệt sâu sắc và vận dụng những quan điểm về liên minh giai cấp của ông trong điều kiện của đất nước ta hiện nay, các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp;  phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nhân với nông dân và trí thức; tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt Quy chế và Pháp lệnh dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, xã hội của các giai cấp, tầng lớp; đổi mới nội dung, hình thức xây dựng và hoàn thiện, nhân rộng các mô hình liên minh giai cấp, tầng lớp; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp; phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phát huy sức mạnh liên minh, liên kết của công nhân, nông dân, trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
 

[1]  V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.TB,M, 1997, t.38, tr.452.
 
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, t.40, tr.218.
 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951, H, 1965, tr.121.
 
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX,  Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.23.
 
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII,  Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2016, tr.158.
 
[6]  V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, t.44, tr.57
 
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX,  Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.85.
 

Tác giả bài viết: Vũ hữu Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay6,348
  • Tháng hiện tại66,415
  • Tổng lượt truy cập8,838,462
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây