Bình Phước thực hiện vai trò "hậu phương tại chỗ" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (giai đoạn 1972 - 1975)

Thứ bảy - 21/03/2020 10:41 1.963 0
Bình Phước là một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1972 - 1975), huyện Lộc Ninh được giải phóng sớm (07/4/1972) cùng với vị trí chiến lược nên trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn này, Bình Phước đã thực hiện tốt một trong những vai trò của mình, là “hậu phương tại chỗ” góp phần giải phóng tỉnh nhà tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
     Cuối năm 1971, phong trào đấu tranh cách mạng chuyển dần sang thế chủ động với nhiều cuộc tiến công trên khắp chiến trường miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, Trung tướng Trần Văn Trà đã chỉ huy chiến dịch tiến công mang mật danh Nguyễn Huệ trên chiến trường Đông Nam Bộ. Mục tiêu tiến công là tiêu diệt các cứ điểm quân sự của địch phía Bắc đô thành Sài Gòn dọc tuyến đường số 13, giải phóng Bình Long, Phước Long và một phần vùng đệm thuộc tỉnh Bình Dương, Tây Ninh; tạo thế đứng chân vững chắc cho quân chủ lực giải phóng miền Nam và tạo ra cục diện mới trên chiến trường để góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán buộc Mỹ rút khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam.
     Ngày 07/4/1972, chiến dịch Nguyễn Huệ đã giành thắng lợi lớn tại huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Đây là những huyện đầu tiên được giải phóng tại chiến trường B2 và cũng là lần đầu tiên vùng giải phóng được thiết lập ngay trong lòng địch. Thế và lực của ta ngày một tăng cao. Tinh thần và khí thế của quân và dân Bình Phước ngày càng thêm mạnh mẽ. Trên đà những thắng lợi quân sự quan trọng trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân dân tỉnh Bình Phước phát huy vai trò “hậu phương tại chỗ”, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để tiến công địch trong các trận chiến tiếp theo.
             1. Bảo đảm an toàn, bí mật cho các cơ quan, kho tàng phục vụ kháng chiến
            Sau khi giải phóng, Lộc Ninh trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây, Bộ Tư lệnh Miền đã tiếp nhận sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Quốc phòng tổ chức thắng lợi Chiến dịch đường 14 - Phước Long. Đây cũng là chỗ đứng chân của Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
             Bình Phước là điểm cuối của tuyến đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đưa quân đội cùng với vũ khí, đạn được vật tư… vào chi viện cho chiến trường miền Nam; Đồng thời cũng là điểm cuối của đường ống xăng dầu (tại Bù Gia Mập). Từ đây, nguồn xăng dầu được chở bằng xe bồn (hoàn toàn bí mật) về các Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98, VK99 ở Lộc Ninh. Ngoài ra, Lộc Ninh là điểm cuối của đường điện thoại hữu tuyến từ Hà Nội vào để Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy miền liên hệ trực tiếp với Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tham mưu, đảm bảo cho công tác chỉ đạo được thông suốt.
         Bên cạnh đó, Bình Phước còn là nợi đặt trụ sở của Trường đào tạo Sĩ quan hậu cần miền, Trường Quân chính đào tạo sĩ quan trung, cao cấp, trường Sĩ quan cao xạ, trường lái xe và các quân xưởng như: quân trang, quân giới, đại tu xe máy, y cụ….chủ yếu ở địa bàn huyên Lộc Ninh và Bù Đốp ngày nay.     
         Trong suốt giai đoạn 1972 – 1975, quân và dân Bình Phước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ bí mật hoàn toàn cho đường ống dẫn xăng dầu, các cơ quan, kho tàng. Quân và dân toàn tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển vùng giải phóng.
        2. Thực hiện vai trò hậu phương tại chỗ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
       Trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, ta liên tiếp giành thắng lợi tại Bù Đăng (14/12/1974), Đồng Xoài (16/12/1974). Ngày 06/01/1975 ta giải phóng Phước Long. Chiến thắng Bình Long (23/3/1975), Chơn Thành (02/4/1975) đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của quân đội Mỹ - ngụy tại Bình Phước.
phuoc long anh tu lieu
 
     Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Phước Long (06/01/1975).
   (Nguồn ảnh: Bảo tàng Bình Phước)
         Bình Phước được giải phóng hoàn toàn đã mở rộng hành lang tiếp nhận sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào, đồng thời tạo hành lang nối thông đến các chiến trường ở Tây Nguyên, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bình Phước là nơi trung chuyển bộ đội, vũ khí và lương thực quan trọng nhất cho chiến trường miền Nam, có vai trò là hậu phương tại chỗ của Chiến dịch. Sư đoàn 471 đã tập trung 1468 xe chở toàn bộ Quân đoàn 3 vào Lộc Ninh và vận chuyển 6000 tấn vũ khí vào Đồng Xoài trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu [].
       Cùng với lực lượng vận tải chiến lược, lực lượng vận tải chiến dịch do Bộ Tư lệnh miền, các quân đoàn có kết hợp với nhân dân địa phương đã tranh thủ thời gian huy động hết khả năng phương tiện của đơn vị và nhân dân để đảm bảo yêu cầu vận chuyển vật chất và cơ động bộ đội. Sáu tuyến vận tải bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn được hình thành, đa số các tuyến này đều xuất phát từ các địa bàn thuộc tỉnh Bình Phước, cụ thể là:
       - Tuyến 1: Từ Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Tà Lài, Cây Gáo, Vĩnh An tới Đoàn 81 La Ngà, Xuân Lộc và Túc Trưng, Dầu Giây bảo đảm cho hướng Đông.
        - Tuyến 2: Từ Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Bến Cầu tới các cụm thuộc Đoàn 210 đảm bảo cho hướng Bắc.
        - Tuyến 3: Từ Đồng Xoài, Lộc Ninh đi Chơn Thành, Dầu Tiếng tới Đoàn 235 đảm bảo cho hướng Tây Bắc.
        - Tuyến 4: Từ Lộc Ninh đi An Lộc, Võ Tùng, Dầu Tiếng, đảm bảo cho hướng Tây Bắc.
       - Tuyến 5: Từ Bù Đốp, Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Lò Gò, Tà Nông xuống đường 1 với Đoàn 230 và 240, bảo đảm cho hướng Tây và hướng Nam.
       - Tuyến 6: là tuyến dự bị trân trục lộ 13 đi Bến Cát, Bình Dương và từ lộ 13 đến Dầu Tiếng, Gò Dầu xuống Đoàn 230, tạo thế liên hoàn trên các hướng. [2]
      Với vị trí chiến lược nối tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ, nằm cạnh cửa ngõ Sài Gòn, cùng với việc được giải phóng sớm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Bình Phước trở thành nơi trung chuyển quan trọng phục vụ chiến trường miền Nam, đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận sự chi viện của cả nước, xây dựng và phát huy tốt vai trò “hậu phương tại chỗ”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
       Lịch sử truyền thống hào hùng của quân và dân tỉnh Bình Phước xưa là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước hôm nay tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy lợi thế cửa ngõ phía Bắc kết nối với Tây Nguyên, phía Tây giao thương với nước Campuchia láng giềng  và là 1 trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay./.
--------------------------------------
     [1], [2]. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước (2002), Lịch sử Bình Phước kháng chiến, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 426, 427
  

Tác giả bài viết: Bùi Viết Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay9,507
  • Tháng hiện tại156,418
  • Tổng lượt truy cập9,118,780
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây