Chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 – 23/3/2020): Giải phóng Bình Phước và những đóng góp lịch sử đối với Đại thắng Mùa xuân 1975

Thứ sáu - 20/03/2020 05:13 2.630 0
Lịch sử Việt Nam ghi nhận: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước có huyện đầu tiên trên cả nước được giải phóng (Lộc Ninh – 07/4/1972) và tỉnh đầu tiên được giải phóng (Phước Long - 06/01/1975). Những chiến thắng này đã tạo thế và lực cho quân và dân tỉnh Bình Phước hăng hái đấu tranh để đi đến chiến thắng cuối cùng.
           Sau khi Phước Long được giải phóng, quân địch càng trở nên hoang mang, mất tinh thần. Đầu tháng 3 năm 1975, Tỉnh ủy chủ trương tập trung chỉ đạo các lực lượng tiếp tục củng cố xây dựng vùng giải phóng, đồng thời tổ chức bao vây tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc. Phát huy thắng lợi đợt 1 của chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở tiếp đợt 2 tiến công mạnh khắp nơi. Trung đoàn 201, quân chủ lực Miền được rút khỏi chiến trường Bình Long giao lại địa bàn An Lộc cho Tiểu đoàn 203 Bình Phước và du kích An Lộc. Tỉnh ủy, Tỉnh đội chủ trương tập trung tăng cường cán bộ xuống địa bàn chỉ đạo các lực lượng tiếp tục củng cố xây dựng vùng giải phóng, đồng thời tổ chức bao vây tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc. Tuy có lực lượng quân lớn, nhưng Bộ chỉ huy Tiểu đoàn Bình Long của quân đội Sài Gòn, các cụm quân, liên đoàn biệt động quân số 31 cùng các binh chủng hợp thành đều bị cô lập và hoang mang cực độ. Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ có thể bị tiêu diệt trước sức mạnh của quân ta, ngày 23/3/1975 địch bỏ An Lộc rút chạy về Chơn Thành cố thủ. Như vậy, An Lộc được hoàn toàn giải phóng. 
            Quân địch rút về, co cụm tại Chơn Thành với một lực lượng mạnh gồm có 1 liên đoàn biệt động, 3 pháo đội, 4 đội thiết giáp, 2 tiểu đoàn lính bảo an và toàn bộ lực lượng nghĩa quân Bình Long chưa rã ngũ nhằm nỗ lực trấn giữ cửa ngõ vùng Tây Bắc Sài Gòn, chờ viện binh để thay đổi tình thế. Ngày 25/3/1975, thực hiện hiệp đồng tác chiến, bộ đội địa phương của ta bắt đầu vây đánh các chốt bảo an ở Chơn Thành 2, Ngọc Lầu và tiến vào phía Bắc chi khu, tiến công lực lượng biệt động ở phía Đông. Ngày 25 tháng 3 bộ đội chủ lực ta bắt đầu vây chặt nhưng địch chống trả quyết liệt. Ngày 31 tháng 3, ta mở đợt tấn công mới vào chi khu. Chiều ngày 01 tháng 4, địch điều động 1 trung đoàn thiết giáp từ Lai Khê lên chi viện nhưng vừa đến Bầu Lồng chúng đã bị lực lượng ta chặn đánh, phải chịu thiệt hại nặng nề. Sáng ngày 02 tháng 4 năm 1975, địch mở đường máu theo lộ 13 chạy về Lai Khê, quân ta tổ chức truy kích, chia cắt địch thành từng đoạn để tiêu diệt, đồng thời giải thoát cho hơn 500 đồng bào bị địch cưỡng ép di tản dưa về Thủ Chánh – Bầu Lồng. Chiều 02 tháng 4 năm 1975, chi khu Chơn Thành được giải phóng – tỉnh Bình Long cũ được hoàn toàn giải phóng, cũng là ngày Bình Phước sạch bóng quân thù.
 
hinh 2
Đội thồ nữ Bình Long trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Ảnh: Tư liệu.
 
            Tỉnh Bình Phước được giải phóng đã mở ra trang sử mới cho vùng đất đỏ miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Bên cạnh đó, việc giải phóng tỉnh Bình Phước còn góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước trên các phương diện sau:
             Thứ nhất: tỉnh Bình Phước được giải phóng hoàn toàn đã góp phần khẳng định ta có đầy đủ khả năng giành thắng lợi trong đấu tranh quân sự với Mỹ - ngụy. Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào thì đấu tranh quân sự vẫn có vị trí quan trọng hàng đầu vì nó giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch, làm thất bại âm mưu quân sự và chính trị của địch. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra trong bối cảnh tương quan so sánh lực lượng chênh lệnh rất lớn giữa hai phía, nhất là về tiềm lực kinh tế và vũ khí. Tuy nhiên, thông qua các đợt phản công mùa khô cùng với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tấn công Xuân – Hè năm 1972, 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta đã giành được nhiều chiến thắng vang dội, từng bước chứng minh được khả năng đối đầu giành thắng lợi về mặt quân sự của quân và dân ta. Đặc biệt với việc giải phóng tỉnh Bình Phước rộng lớn có vị trí ngay cạnh cửa ngõ Sài Gòn đã một lần nữa khẳng định và củng cố khả năng giành thắng lợi về quân sự trong trận đấu tranh cuối cùng với kẻ thù. Những thắng lợi trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tạo khí thế và khẳng định tiềm lực quân sự để tiếp tục giành những thắng lợi trên các mặt trận chính trị, ngoại giao… góp phần tạo nên một sức mạnh tổng hợp cho trận quyết chiến cuối cùng.
           Thứ hai: tỉnh Bình Phước giải phóng đã làm thất bại ý đồ xây dựng Bình Phước thành một lá chắn thép bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn của Mỹ - ngụy. Quân địch chủ trương xây dựng Bình Phước thành một trong những cứ điểm phòng thủ vững chắc, bảo vệ sào huyệt của chúng ở Sài Gòn. Từ Bình Phước có thể mở rộng công cuộc “bình định” sang các địa bàn khác; đưa quân qua chiến trường Campuchia; đồng thời bình định và kiểm soát được Bình Phước sẽ chặn đứng, cắt đứt đường tiếp tế, chi viện cho toàn chiến trường Miền Nam của ta. Theo nhận định của chúng “Bình Long là tuyến đầu chặn sức tiến công của cộng sản”, “Bình Long mất, Sài Gòn không còn”(1). Rõ ràng, với những nhận định và toan tính chiến lược của địch như trên, khi Bình Phước được giải phóng, quân địch bị tiêu diệt hầu hết đã tác động lớn đến tư tưởng của binh lính và sỹ quan ngụy tại Sài Gòn, cộng với số đông ngụy quân khi được tuyên truyền vận động đã bỏ vũ khí, rã ngũ, trở về địa phương khiến tinh thần binh lính sa sút, tâm lý hoang mang, lo sợ, không muốn tham gia các đoàn chi viện.
          Thứ ba: tỉnh Bình Phước giải phóng đã mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở vùng Tây Bắc Sài Gòn, tạo hành lang giao thông - vận tải thông suốt đưa quân ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Sau khi giải phóng quận Chơn Thành, tiếp tục thế tiến công, quân ta tràn về tiêu diệt các căn cứ của địch trên đường 13, vùng giải phóng tiếp tục được mở rộng, theo đó là hành lang giao thông vận tải và thông tin liên lạc giữa hậu phương miền Bắc, hậu phương quốc tế với chiến trường miền Nam được được mở rộng, thông suốt, cung cấp đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, vùng giải phóng trở thành chỗ đứng chân, đảm bảo cho quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1) hành quân vào vị trí tập kết lực lượng và chiếm lĩnh bàn đạp áp sát, tấn công Sài Gòn. 
           Thứ tư: tỉnh Bình Phước giải phóng đã góp phần cổ vũ và động viên tinh thần và khí thế chiến đấu của quân dân, cùng cả nước sẵn sàng bước vào chiến dịch lịch sử. Việc ta giải phóng một tỉnh có địa bàn rộng lớn với các cứ điểm được địch xây dựng kiên cố như Bình Phước đã củng cố thêm niềm tin về việc chúng ta có thể đập tan hoàn toàn sào huyệt của ngụy quyền dù chúng có sự hà hơi tiếp sức của Mỹ hay có được trang bị vũ khí tối tân và hiện đại đến như thế nào. Trên tinh thần và khí thế ấy, hơn 2000 đồng bào tỉnh Bình Phước đã nô nức tình nguyện đi dân công phục vụ tiền tuyến với khẩu hiệu “đâu còn giặc là ta cứ đi”; riêng lực lượng thanh niên đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc để giải phóng và bảo vệ quê hương; quân dân các tỉnh miền Nam cũng sôi sục khí thế tiến công vào các sào huyệt địch để giải phóng địa phương và tiến tới giải phóng Sài Gòn để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu giang sơn về một mối.
           Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân tỉnh Bình Phước đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hy sinh và giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần giành lại độc lập, tự do cho nước nhà.
           Vào những ngày cuối tháng 3 năm 2020, trong không khí thi đua lao động, sản xuất và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh nhà, quân, dân tỉnh Bình Phước lại có dịp cùng nhau ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước. 45 năm đã trôi qua, đất nước đã trải qua biết bao thay đổi. Tỉnh Bình Phước nói riêng và đất nước Việt Nam ta đã bước sang một giai đoạn mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phồn vinh, văn minh và hiện đại. Cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước luôn khắc ghi và nguyện phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường quyết tâm xây quê hương Bình Phước ngày càng phát triển, giàu đẹp./.
-------------------------------------
(1) Bình Long truyền thống đấu tranh và xây dựng (1930 – 2000), Ban Thường vụ huyện ấn hành – 2002. Trang 176.

 

Tác giả bài viết: Dư Thị Oanh - Lương Thị Hồng Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay8,452
  • Tháng hiện tại120,917
  • Tổng lượt truy cập8,647,981
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây