Ngày xuân, bàn về sự học của tương lai

Chủ nhật - 12/01/2020 22:08 967 0
Mỗi khi năm hết, tết đến, mỗi người trong chúng ta lại có những phút lắng đọng, chiêm nghiệm lại những điều mà chúng ta đã trải, và những câu hỏi tự vấn như: Mình đã làm được gì trong năm qua, mình kiếm được bao nhiêu tiền, sắm sửa được bao nhiêu thứ, quen thêm được bao nhiêu bạn mới, đi được bao nhiêu nơi, tham dự bao nhiêu sự kiện…và mình đã học được những gì? Thiên vị cho câu hỏi cuối, một số người cho rằng đó là giá trị quan trọng nhất để làm tiền đề cho các vế còn lại mà cuộc sống đặt ra. Đầu xuân, tác giả xin được tản mạn đôi điều về sự học ngày nay và bàn về những giá trị của việc học trong tương lai, đó cũng là cách thức mà chúng ta định nghĩa về bản thân và đóng góp của mình cho cộng đồng.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà mọi thứ biến đổi vô cùng nhanh, khó đoán định và đầy thách thức, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một tâm thế mới để thích nghi, thay đổi cách nhận định và tìm ra phương pháp riêng để tiếp cận với các giá trị mới. Đó cũng chính là việc ta thay đổi với sự học ngày nay.

“Học để làm gì?” luôn là một câu hỏi mà nhiều tổ chức giáo dục đã dày công nghiên cứu. Theo UNESCO, có bốn trụ cột cơ bản cho vai trò của việc học: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống với người khác, học để sống và hiểu bản thân. Quan điểm này có thể xem là một giá trị phổ quát mà loài người văn minh đang hướng đến. Ở Việt Nam, thời phong kiến, học là để làm quan, đó là con đường duy nhất để tiến thân, để cả họ được nhờ. Ngày nay, việc học không chỉ là để kiếm việc, để tiến thân mà cao hơn đó là một nhu cầu, và là một nhu cầu bậc cao của con người. Nếu chúng ta xem việc học như một cái bè để vượt sông, qua sông thì bỏ bè, hoặc xem nó như một minh chứng, tô điểm cho bản thân mình hơn người vì bằng cấp mà chúng ta sở hữu đều không phải là bản chất và chân giá trị mà việc học đem đến. Đặc biệt, trong tương lai rất gần, những thay đổi về cấu trúc nhu cầu của công việc, với việc phát triển của công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, một loạt các công việc mang tính truyền thống sẽ bị thách thức hoặc bị thay thế bởi máy móc và trí thông minh nhân tạo(AI), điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi về cách học thông thường như trước. Những công việc như bác sĩ, giáo viên, kế toán,  kiểm toán xây dựng, tiếp tân, công nhân… vốn dĩ đã tồn tại rất lâu, rất quen thuộc cũng sẽ cần phải học lại, định vị lại nếu không muốn bị đào thải bởi máy móc và công nghệ. Theo diễn đàn kinh tế thế giới vào đầu năm 2019 ở Davos(Thụy Sỹ), đến năm 2022, có khoảng 75 triệu việc làm của con người sẽ bị thay thế bởi máy móc, đó là những công việc đơn thuần như: kế toán, thư ký, công nhân, thủ kho…nói chung, đó là những công việc không đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc mà máy móc có thể thay thế. Tuy nhiên, cũng có hàng trăm triệu công việc mới được tạo ra mà phần lớn là liên quan đến ứng dụng công nghệ như: Phân tích dữ liệu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, viết phần mềm.... Như vậy, trong tương lai gần, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là vô cùng lớn và chưa có tiền lệ, làm thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc chơi, thay đổi cách tiếp cận mà chúng ta phải thay đổi cách tư duy, cách học mới có thể thích ứng.

Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Để thay đổi cả một hệ thống, triết lý giáo dục đòi hỏi cần nhiều thời gian và chính sách, nhưng để thay đổi việc học thì mỗi chúng ta đều có thể làm được, điều này sẽ góp phần vào việc định vị lại về giáo dục. Như vậy, việc học ngày nay cần thay đổi thế nào để phát huy được bản thân người học và  phù hợp với các giá trị mới của thời đại, nắm bắt cơ hội để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển và trở thành một quốc gia hùng cường là câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời, đặc biệt là giới trẻ, những người đang nắm giữ vận mệnh của đất nước. Xin được nêu một số suy ngẫm:

Thứ nhất: Học những thứ để biến mình thành một con người tự do. Cái đích cuối cùng của giáo dục cũng là khai phóng con người, biến họ thành chủ nhân của cuộc đời mình, vượt qua những định kiến, giáo điều, kinh nghiệm. Tự do ở đây có nghĩa là sư khai minh, khai trí, có bản lĩnh, tri thức để nhận định, đánh giá mọi sự vật hiện tượng, xu hướng xung quanh mình một cách khoa học, logic không bị lệ thuộc bởi thế lực hay sức mạnh nào.

Thứ hai, học những thứ mình giỏi nhất và đam mê nhất. Sự vận động ngày càng nhanh của xã hội đòi hỏi sự phản ứng của chúng ta cũng cần phải nhanh hơn trước rất nhiều, tính sàng lọc và cạnh tranh là rất khốc liệt. Cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa người với người với người, mà còn cả giữa người với máy móc và công nghệ Như vậy, chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất những thứ chúng ta đam mê để trở nên khác biệt mà xã hội luôn cần. Hơn nữa, như phân tích ở trên, đam mê là một dạng cảm xúc, một thứ chất kích thích tuyệt vời để tạo động lực cho con người tạo nên các thành tựu lớn lao mà máy móc không thể làm được. Đây cũng là một giá trị cốt lõi rất nhân văn mà UNESCO đã nêu: học để sống và hiểu bản thân, khi con người đam mê cái gì đó mãnh liệt, họ đang khai thác tốt đa tiềm năng của bản thân mình để đóng góp giá trị cho cộng đồng.

Thứ ba: Cá nhân hóa việc học, cánhân hóa tri thức. Điều này có nghĩa là, dựa vào nhu cầu, phẩm chất, tiềm năng của cá nhân để tiếp cận tri thức và kiến tạo việc học cho bản thân mỗi người, khi đó chúng ta sẽ sử dụng hiệu quả thời gian và kiến thức mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống. Thực tế là mỗi người chúng ta có một cuộc đời khác nhau để sống, một công việc khác nhau để làm, một hệ giá trị khác nhau để làm hệ quy chiếu cho lối sống dựa trên các giá trị phổ quát. Như vậy, tại sao chúng ta trong một thời gian rất dài lại học các chương trình giống nhau, dẫn đến phần lớn các kiến thức mà chúng ta được học không được sử dụng vào trong thực tế đời sống và công việc, gây ra sự lãng phí lớn. Trong thời gian tới, công nghệ sẽ giải quyết nhu cầu này một cách hoàn hảo nhất.

Thứ tư, học những thứ kích thích tính sáng tạo và đổi mới. Giá trị việc học của con người không phải ở chỗ làm đầy tri thức như việc rót nước vào chai, mà đó là quá trình chuyển giao những hiểu biết cũ để sáng tạo ra các tri thức mới, đó mới là nhân tố quan trọng để chúng ta luôn có sự phát triển qua các thế hệ. Hơn nữa, trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay, sáng tạo là yêu cầu sống còn của chúng ta trước máy móc và dữ liệu. Sáng tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, giá trị mới là một biểu hiện sự thành công của giáo dục nói chung, đó là sự khai sáng, khiến chúng ta khác với việc học của các giống loài khác và máy móc.

Việc học ngày nay chính là con đường để tạo ra con người của tương lai, con người của sự tự do sáng tạo, con người của sự khai minh để khám phá thế giới và khám phá chính mình. Thời nào cũng vây, việc học phải xuất phát từ khát vọng mãnh liệt của bản thân, chứ không phải từ chương trình hay sách vở của nhà trường. Hơn bao giờ hết, thời đại này mở ra một sự công bằng cho tất cả những người ham học, yêu tri thức, tôn trọng sự sáng tạo và đổi mới đều có thể đạt được thành tựu thông sự hỗ trợ tuyệt với của công nghệ và đời sống thực tiễn. Ngày nay, việc học tập suốt đời là một yêu cầu tất yếu, đa dạng hóa việc học là đòi hỏi cơ bản, học không chỉ ở sách vở, trường lớp, thầy cô mà việc học ở thực tiễn cuộc sống, học từ những ngóc ngách xa xôi trên thế giới này, học từ những thành công, thất bại của người khác đã được chia sẻ nhờ công nghệ, và quan trọng hơn chúng ta học trong chính sâu thẳm nội tâm, tiềm năng ẩn khuất của chính bản thân mình. Thay lời kết, xin mượn câu nói của Bill Gates để nói về sự học ngày nay cần đề cao thực tiễn, lấy đó làm thước đo sống động cho giá trị của việc học tập suốt đời: “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời”.

Tác giả bài viết: Hà Văn Kiên- PCT Liên minh HTX tỉnh Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

thuocladientu
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay13,596
  • Tháng hiện tại169,321
  • Tổng lượt truy cập7,547,070
gopyduthaovanban
tracuuquyche
tacuudetai
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây